Ngôi làng người Thổ có quy hoạch độc đáo bậc nhất miền Tây xứ Nghệ

BVR&MT – Một ngôi làng của đồng bào Thổ có tuổi đời hàng trăm năm được quy hoạch theo ô bàn cờ vuông vức, đường sá rộng rãi, nhà cửa ngăn nắp.

Mảnh đất này còn có truyền thống học tập, nhiều người từng làm lãnh đạo tỉnh, huyện và có cả đại biểu Quốc hội. Đó là làng Lung… nơi đang được huyện Nghĩa Đàn chọn xây dựng xóm đồng bào kiểu mẫu.

Làng “Tam Lung” nơi muôn người như một nhà

Thực ra, làng Lung là tên gọi chung để chỉ 3 xóm của xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn, gồm: Lung Thượng, Lung Bình và Lung Hạ. Trải qua bao đời, người dân nơi mảnh đất có 3 mặt tựa núi vẫn luôn tự hào về truyền thống của quê hương với nhiều nét độc đáo hiếm nơi nào sánh được.

Khung cảnh yên bình của xóm Lung Thượng, xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Duy

Ông Lê Hùng Lâm là một lão thành hiện đang sinh sống ở xóm Lung Hạ. Ông có nhiều năm năm công tác ở Tỉnh ủy Nghệ An, sau khi về hưu lại chọn trở về mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Yêu sử làng, ông mày mò sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và viết “Tự sự và kỷ yếu” về làng Lung. Đây được xem là cuốn sử của làng. Thông qua ông Lâm, nhiều tình tiết thú vị về ngôi làng của đồng bào Thổ ẩn mình dưới trùng điệp núi non giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa được mở ra. Ông kể, xưa kia ông bà tổ tiên chọn mảnh đất này để sinh cơ, lập nghiệp cũng vì nằm dưới các dãy núi, nơi có nhiều thung lũng – tiếng Mường gọi là Lung và cả bình nguyên bằng phẳng, đất đai phì nhiêu màu mỡ, nhiều mạch nước, mó nước, khe suối xanh tuôn trào.

Đất lành, chim đậu, cư dân nhiều nơi đến cự ngụ hình thành lên nhiều làng cổ như: làng Chao, làng Kim Giao nhưng chỉ có làng Lung đông đúc và phát triển hơn cả cho đến ngày nay.

Cuộc sống dù có nhiều thăng trầm song nhân dân các họ tộc sinh sống tại làng Lung xưa và nay chung một làng mà như một nhà, lấy liêm chính làm đạo sống, lấy tình thâm nghĩa trọng làm đức mưu sinh và lấy chữ Nhân làm tâm để sinh tồn, phát triển…

Sau cách mạng Tháng Tám, cả làng chỉ có một vài người biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ thế mà nay, làng nổi tiếng với truyền thống khoa bảng. Ông Lâm nhớ lại: Làng Lung nổi tiếng một thời về đội ngũ cán bộ trưởng thành hoạt động trong các lĩnh vực chính trị – xã hội mà không làng xã nào trong huyện Nghĩa Đàn xưa nay có được. Nhiều người con làng Lung từng là Huyện ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn và có đến 3 người là đại biểu Quốc hội gồm các ông: Hoàng Công Tựu (khóa III), Lê Vũ Phong (khóa IV) và Lê Thanh Kỷ (khóa VIII), có lẽ cho đến bây giờ, chưa bản làng dân tộc thiểu số nào ở miền Tây xứ Nghệ lại có được thành tích này.

Chưa kể, làng Lung còn là nơi in dấu cho tình hữu nghị son sắt Việt – Lào. Theo ông Lâm, xưa kia người dân làng Lung đã nhường nhà để Bộ đội Pa Thét Lào về ở, đồn trú trong giai đoạn chống phỉ Vàng Pao và vinh dự được đón tiếp cán bộ cấp cao của nước bạn Lào về thăm.

Ngồi với ông cụ Lâm, không chỉ sử làng và cả quy hoạch làng cũng ẩn chứa nhiều điều bất ngờ thú vị. Đó là những tấm bản đồ làng có từ 1956 ố màu thời gian đã thể hiện rõ 3 xóm: Thượng, Bình, Hạ được sắp xếp, quy hoạch theo ô bàn cờ một cách quy củ.

Như chứng minh thêm, ông Lê Trọng Mừng – Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm Lung Thượng mở trên Google maps chỉ vào vị trí của làng. Đó là những đường con đường ngang dọc, tạo thành những ô vuông vắn. Mỗi ô lớn có chiều dài 100m và rộng 60m, trong mỗi ô lớn lại có những ô nhỏ dài 50m và rộng 30. Các cụ xưa kia quy hoạch bài bản nên nhà cửa cứ sắp xếp bố trí vào mỗi ô rất ngăn nắp, đường sá đi lại rộng rãi, các trục đều rộng từ 7 -8 m, quả thực hiếm thấy nơi nào có được dù là ở các xóm bản vùng cao hay làng quê miền xuôi.

Một miền quê kiểu mẫu

Để phát huy giá trị của làng Lung, những năm qua Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Lợi đã tập trung xây dựng làng Lung Thượng thành xóm đồng bào kiểu mẫu. Dọc các tuyến đường, với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, các con đường bê tông rộng rãi đã hình thành. Hai bên đường nhân dân trồng các loại hoa điểm tô thêm nét thanh bình cho làng xóm. Chưa kể, từ cổng làng Lung Thượng đi vào gần 1km, người dân đã chung tay kéo điện chiếu sáng đường với tổng chiều dài gần 1km. Đặc biệt, ông Bí thư Chi bộ Lê Trọng cho hay, Lung Thượng giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa từ năm 2007 đến nay.

Nhà văn hóa của xóm Lung Thượng, xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Duy

Vừa qua, thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, bản, xóm Lung Thượng và Lung Hạ nhập lại và được huyện Nghĩa Đàn chọn để xây dựng xóm đồng bào kiểu mẫu cho toàn huyện. Ông Nguyễn Viết Thắng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho hay, sau khi sáp nhập, xã tập trung hướng dẫn nhân dân xóa vườn tạp, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, đồng thời vận động nhân dân chung sức để xóa dần đường đất; quyên góp hỗ trợ xóa 9 nhà tạm còn lại.

Đặc biệt, khía cạnh văn hóa tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa lên mức cao hơn, trước hết là xây dựng hương ước mới để phù hợp với nếp sống văn hóa của các hộ dân thuộc 2 xóm sau sáp nhập, duy trì các hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa đã thành lập và thành lập các câu lạc bộ mới thể hiện và lưu truyền nét văn hóa, bản sắc của đồng bào.

Chia sẻ về xây dựng xóm đồng bào kiểu mẫu ở làng Lung, ông Phan Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho hay, chủ trương này đã được lãnh đạo huyện bàn bạc và đi đến thống nhất. Nội dung cơ bản căn cứ vào Bộ tiêu chí xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Huyện sẽ tập trung các nguồn lực nhằm xây dựng làng Lung thành một miền quê kiểu mẫu, lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới, nhất là ở các xóm, bản.