Nghiên cứu sự phù hợp phương pháp phân loại rừng của nước ta theo xu hướng quốc tế

Tóm tắt – Phân loại rừng là cơ sở quan trọng để thiết lập hệ thống quy định về tổ chức thực hiện quản lý tài nguyên rừng. Các quốc gia khác nhau áp dụng các hình thức phân loại khác nhau tùy theo đặc điểm của mỗi nước thường theo hai loại bao gồm: Phân loại rừng theo điều kiện tự nhiên và phân loại rừng dựa vào quyền sở hữu/sử dụng hoặc mục theo mục đích sử dụng.

Tại Việt Nam, rừng được phân loại theo mục đích sử dụng gồm 3 loại: Đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Có sự khác biệt về phân loại rừng ở nước ta với một số nước trên thế giới đã xếp loại rừng đặc dụng và phòng hộ thành rừng bảo vệ và rừng sản xuất thành rừng kinh tế. Song, quy định rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn, rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ cơ bản phù hợp với xu hướng quốc tế xếp các loại rừng này vào nhóm cần được bảo vệ.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nói chung và quản lý tài nguyên rừng nói riêng việc phân loại rừng dựa trên quyền sử dụng/quyền sở hữu tài nguyên là nền tảng quan trọng để thiết lập hệ thống văn bản pháp quy và hệ thống tổ chức thực hiện việc quản trị tài nguyên. Trong quản lý tài nguyên rừng, trên thế giới tùy từng thể chế chính trị, đặc điểm tài nguyên và kinh tế xã hội mà mỗi nước thiết lập một hệ thống quyền sở hữu/sử dụng rừng và đất rừng khác nhau nhằm đạt được mục tiêu quản lý rừng ở mỗi nước. Ở Việt Nam, rừng và đất rừng thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước giao quyền sử dụng rừng cho các thành phần kinh tế khác nhau nhằm mục đích bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Quốc hội Việt Nam vừa mới thông qua Luật lâm nghiệp vào cuối năm 2017 (phát triển từ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004), và hiện cơ quan chuyên ngành đang tập trung xây dựng hệ thống văn bản dưới luật để quản lý lâm nghiệp quốc gia.

Để góp phần cung cấp cơ sở lý luận cho các nhà hoạch định chính sách lâm nghiệp, dựa trên việc nghiên cứu tổng quan tài liệu thế giới và trong nước bài báo này phân tích tổng quan việc phân loại rừng theo hệ thống quyền sở hữu/sử dụng tài nguyên rừng trên thế giới từ đó rút ra một số đề xuất cho việc áp dụng ở Việt Nam. Nội dung của bài báo này gồm ba phần: (i) Khái quát khái niệm về quyền sở hữu (ownership right) và hình thức sử hữu (ownership system), (ii) Tổng quan về phân loại rừng theo quyền sở hữu trên thế giới và phân loại rừng theo quyền sử dụng ở Việt Nam, và (iii) Một số đề xuất kiến nghị.

II. Khái niệm về quyền sở hữu và hình thức sở hữu rừng

Theo Bromley (1991), quyền sử hữu bao gồm tập hợp các quyền (bundle of rights) và nghĩa vụ của chủ rừng trong sử dụng tài nguyên rừng. Nó bao gồm 5 quyền được phân làm 2 nhóm quyền các quyền sử dụng (use rights) bao gồm (i) quyền tiếp cận (access right) và (ii) quyền khai thác (withraw right) và các quyền kiểm soát (control right) bao gồm (iii) quyền quản lý (management right), (iv) quyền loại trừ (exclusion right) và (v) quyền chuyển nhượng (alienation right), cụ thể:

i) Quyền tiếp cận: là quyền được tiếp cận tài nguyên rừng với phạm vi không gian và thời quy định
ii) Quyền khai thác: là quyền được hưởng lợi các sản phẩm và dịch vụ từ rừng
iii) Quyền quản lý: là quyền được tác động và thay đổi tài nguyên rừng
iv) Quyền loại trừ: là quyền quyết định ai là người được tiếp cận tài nguyên và
v) Quyền chuyển nhượng: là quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho tặng một số quyền hay tất cả các quyền trên.

Việc có bao nhiêu quyền và biên độ rộng hẹp của mỗi quyền có vai trò đặc biệt quan trọng vì nó ảnh hưởng đến động lực của chủ rừng, người sử dụng rừng, và nhà quản lý. Quyền sở hữu/sử dụng có thể tồn tại ở dạng chính thống (formal) được nhà nước công nhận hợp pháp hoặc ở dạng truyền thống (informal) tự công nhận bởi các cộng đồng/dòng họ v….v. Ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, tồn tại cả hai hình thức này. Tùy thuộc việc các quyền sử hữu có thể được nắm giữ bởi cá nhân hay tập thể mà người ta phân làm 3 hình thức sở hữu: công cộng (public ownership), cá nhân (private ownership) và cộng đồng (communal ownership). Trong đó sở hữu công cộng là nhà nước nắm giữ các quyền, sở hữu cá nhân là các quyền được giao cho cá nhân, còn sở hữu cộng đồng là các quyền được nắm giữ chung bởi một nhóm người/cộng đồng cụ thể.

Theo hầu hết các nhà kinh tế truyền thống, người được coi là chủ sở hữu thực sự (owner) khi có đầu đủ 5 quyền trên một cách đảm bảo và lâu dài và tài nguyên nói chung và tài nguyên rừng nói riêng chỉ được quản lý hiệu quả bền vững khi có đủ 5 quyền trên. Tuy nhiên gần đây, E. Ostrom (nhận giải Nobel kinh tế 2009) khi nghiên cứu quản lý tài nguyên trên cơ sở phân tích lý thuyết trò chơi (game theory) và thực tiễn đã chứng minh rừng chỉ cần có đủ 4 quyền (tiếp cận, khai thác, quản lý và loại trừ) một cách đảm bảo thì người chủ rừng có thể quản lý tài nguyên rừng hiệu quả và bền vững.

Ở Việt Nam, theo Luật dân sự (2005), quyền sở hữu bao gồm 3 quyền (i) quyền chiếm hữu, (ii) quyền sử dụng và (iii) quyền định đoạt. theo Luật đất đai hiện hành đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước giao quyền sử dụng đất và rừng cho các thành phần kinh tế khác nhau. Theo Luật lâm nghiệp (Điều 7), Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân bao gồm: rừng tự nhiên; rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ; rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tự đầu tư; hoặc được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy nếu so với khái niệm và nghiên cứu của thế giới về quyền sở hữu và điều kiện để quản lý tài nguyên rừng có thể có mấy điểm nhận xét về quyền sử dụng rừng ở Việt Nam như sau:

– Thứ nhất, các quy định về các quyền thuộc quyền sở hữu trên thế giới trong quản lý tài nguyên chi tiết hơn ở Việt Nam (5 quyền so với 3 quyền).

– Thứ hai, Nhà nước chỉ công nhận quyền sở hữu một trường hợp hộ gia đình cá nhân, cộng đồng đối với rừng trồng sản xuất tự đầu tư, tức là công nhận rừng trồng tự đầu tư như là “tài sản trên đất”. Việc công nhận này là phù hợp với các văn bản về quyền sở hữu hiện hành.

– Thứ ba, đối với đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng tự nhiên, hoặc rừng trồng do Nhà nước đầu tư, Nhà nước giao quyền “quyền sử dụng” tài nguyên rừng và đất rừng cho các chủ rừng khác, theo quy định của Luật lâm nghiệp thì “quyền sử dụng” trong luật thực chất rộng hơn nội hàm về quyền sử dụng “quyền khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức..” trong Luật dân sự 2005 và rộng hơn cả nội hàm về quyền sử dụng theo quốc tế, bao gồm cả một phần các quyền loại trừ, quản lý và chuyển nhượng.

– Thứ tư, theo như kết quả nghiên cứu của Ostrom thì không nhất thiết phải giao toàn bộ các quyền sở hữu cho chủ rừng mới có thể quản lý tài nguyên rừng bền vững, mà cần giao đủ quyền nhằm đảm bảo đủ động lực cho chủ rừng. Đây là một kết luận quan trọng có thể vận dụng tốt trong bối cảnh ở Việt Nam nơi quyền sở hữu tài nguyên thuộc về toàn dân.

III. Phân loại rừng trên thế giới và Việt nam

Trong quản lý tài nguyên rừng nói riêng việc phân loại rừng là cơ sở quan trọng để thiết lập hệ thống quy định và hệ thống tổ chức thực hiện việc quản lý tài nguyên rừng. Trên thế giới có nhiều hệ thống phân loại rừng của quốc tế và quốc gia tùy theo đặc điểm của mỗi nước. Tuy nhiên có thể phân thành 2 cách phân loại rừng chính sau đây:

i) Phân loại rừng dựa theo điều kiện tự nhiên (như điều kiện khí hậu, đất đai) và đặc điểm tự nhiên của rừng (loại rừng, cấu trúc rừng), như các hệ thống phân loại rừng của IUCN, FAO, hay của mỗi nước. Việc phân loại này có mục đích nhằm thống kê đánh giá tài nguyên rừng, nghiên cứu khoa học và đề xuất biện pháp tác động về mặt kỹ thuật.

ii) Phân loại rừng dựa vào quyền sở hữu/sử dụng hoặc theo mục đích sử dụng rừng (như ở Việt Nam). Việc phân loại này nhằm thực hiện mục đích quản lý rừng.

Trong bài viết này chúng tôi trình bày cách phân loại rừng phục vụ mục tiêu quản lý trên thế giới và ở Việt Nam, làm cơ sở đề xuất định hướng chính sách quản lý rừng.

3.1. Phân loại rừng trên thế giới

Theo thống kê của Forest trend, có khoảng 81% tổng diện tích rừng thuộc sở hữu Nhà nước, trong đó khoảng 77% do các cơ quan nhà nước quản lý và khoảng 4% giao cho các cộng đồng/nhóm người bản địa. Diện tích rừng tư nhân chiếm khoảng 19%, trong đó thuộc sở hữu của cộng đồng và người bản địa là 7%, còn lại 12% thuộc sở hữu cá nhân hoặc công ty.

Trên thế giới việc phân loại rừng phục vụ quản lý và tác động kỹ thuật thông dụng được áp dụng ở hầu hết các nước là phân loại theo hệ thống 4 cấp theo sơ đồ sau:

– Cấp thứ nhất là phân loại theo quyền sở hữu: nhà nước, tư nhân, cộng đồng (ở một số quốc gia). Trong đó nhà nước nắm quyền sở hữu các diện tích rừng phục vụ cho mục đích công cộng. Từ việc phân cấp này sẽ xác định hệ thống cơ quản lý lâm nghiệp tương ứng.

– Cấp thứ hai là sau khi xác định quyền sở hữu, sẽ xác định chức năng quản lý chính của các khu rừng, thông thường các khu rừng được chia 2 loại chính : (i) các khu vực bảo vệ (protected areas), như các vườn quốc gia, khu bảo tồn, các điện tích rừng có chức năng phòng hộ.. và (ii) rừng kinh tế với mục đích là sản xuất kinh doanh các sản phẩm (gỗ, củi, cây thuốc…) vào dịch vụ (cảnh quan, săn bắn,…) rừng

Ở nhiều nước như Mỹ, Đức.., rừng thuộc sở hữu nhà nước sẽ do các cơ quan lâm nghiệp liên bang, bang, quận/hạt quản lý phục vụ các lợi ích công cộng như bảo tồn đa dạng dạng sinh học, bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa… Chính phủ các nước này thường thiết lập hệ thống rừng quốc gia (hay còn gọi là hệ thống lâm phận quốc gia) để bảo vệ. Các lâm phận quốc gia thường là các khu rừng có giá trị quốc gia/ hoặc có tầm quan trọng cao về bảo tồn, bảo vệ môi trường, cảnh quan và lịch sử văn hóa. Tùy từng bang/tỉnh khác nhau có thể tiếp tục thiết lập hệ thống rừng của bang/tỉnh để bảo vệ các giá trị ở cấp bang/tỉnh.

Đối với hệ thống rừng thuộc sở hữu tư nhân, chính phủ các nước/liên bang và chính quyền các bang/tỉnh đưa ra quy hoạch theo chức năng và xây dựng các văn bản quản lý và kỹ thuật hướng dẫn quản lý cho từng loại rừng. Do vậy ở các nước này, nhiều khu rừng sở hữu tư nhân không phải là rừng chỉ để sản xuất gỗ., mà để cung cấp các vụ sinh thái của rừng như bảo tồn, cảnh quan, săn bắn.

Sau khi được phân loại theo 2 cấp trên (theo sở hữu > mục đích sử dụng), ở cấp độ đơn vị quản lý rừng (forest management unit)- diện tích rừng do một chủ rừng quản lý. Dựa trên quan điểm mọi khu rừng điều có 3 nhóm chức năng là cung cấp sản phẩm rừng, cung cấp dịch vụ môi trường và đa dạng sinh học, chính phủ nhiều nước đưa ra dẫn phân vùng chức năng rừng cho cấp độ đơn vị quản lý rừng. Đối với các khu vực rừng bảo vệ thường phân làm 3 phân khu là: (i) khu bảo vệ nghiêm ngặt, (ii) khu phục hồi sinh thái, (iiI) và vùng đệm. Đối với các loại rừng khác, trong mỗi khu rừng được phân thành các vùng chức năng sau:

-(i) Vùng sản xuất với chức năng kinh tế (economical function zone): có mục tiêu sản xuất lâm sản được phân làm các vùng phụ tùy thuộc từng điều kiện có thể bao gồm các khu vực  (i) vùng sản xuất gỗ-khai thác gỗ, (ii) vùng nuôi dưỡng rừng phục vụ khai thác khi thành thục, và vùng sản xuất lâm sản ngoài gỗ.

– (ii) Vùng có chức năng sinh thái(ecological function zone): có mục tiêu bảo vệ môi trường nên cấm khai thác hoặc hạn chế khai thác, có thể bao gồm các khu vực: (i) bảo vệ đất chống xói mòn, (ii) bảo vệ nguồn nước, (iii) khu vực ven song suối, (iv) khu vực có giá trị bảo tồn cao.

– (iii) Vùng có chức năng xã hội (social fuction zone): có mục tiêu cung cấp các sản phẩm hạn chế cho cộng động hoặc bảo vệ có giá trị văn hóa, lịch sử của các cộng đồng dân cư sống hoặc gần rừng, có thể bao gồm các khu vực: (i) rừng để người địa phương/bản địa sử dụng hạn chế, (ii) vùng bảo vệ các giá trị văn hóa tín ngưỡng của người địa phương/bản địa.

Sau khi phân vùng chức năng trong đơn vị quản lý, tiến hành xác định các tiêu chí cụ thể của từng vùng rừng căn cứ theo đặc điểm tự nhiên và cấu trúc rừng để làm cơ sở tác động.
Vùng phân loại theo hệ thống 4 cấp trên tạo sự thuận lợi và nhất quán trong quản lý và tác động kỹ thuật.

– Đối với cấp 1, phân loại làm cơ sở xác định các quyền sở hữu/sử dụng cho từng loại chủ rừng

– Đối với cấp 2, phân loại theo chức năng sẽ xác định cụ thể mục tiêu quản lý và làm cơ sở xác định các quyền và trách nhiệm cụ thể của chủ rừng cũng như đưa ra hướng dẫn khung quản lý cho từng loại rừng

– Đối với cấp 3, phân loại sẽ xác định mục tiêu quản lý chức năng, quyền và nghĩa vụ cụ thể chi tiết cho từng khu vực với chức năng khác nhau

– Đối với cấp 4, phân loại làm cơ sở xây dựng hướng dẫn kỹ thuật tác động cụ thể.

3.2. Phân loại rừng ở Việt Nam

Việc phân loại rừng ở Việt Nam, có sự khác biệt so với thế giới. Do đặc thù về quyền sở hữu tài rừng ở Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân nên Nhà nước chỉ giao quyền sử dụng cho các chủ rừng khác nhau. Việc phân loại rừng ở nước ta có thể phân thành 4 cấp và có đặc điểm trình tự ngược với việc phân loại chung trên thế giới.

Đầu tiên rừng ở Việt Nam được phân làm 3 loại (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Trong đó việc quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ giao cho các ban quản lý (đại diện chủ sở hữu Nhà nước), rừng phòng hộ giao cho các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và công ty.

Việc phân loại theo phân vùng chức năng hiện mới áp dụng cho loại rừng đặc dụng, chưa được áp dụng cho loại rừng phòng hộ và sản xuất. Còn việc phân loại theo trạng thái để tác động kỹ thuật ở nước ta mới chỉ tập trung vào mức độ giàu nghèo theo chỉ số về trữ lượng gỗ, các yếu tố phân loại trạng thái khác về tự nhiên và cấu trúc rừng chưa được đề cập rõ ràng.

Phân loại rừng theo chủ rừng hiện nay cho 7 loại chủ rừng khác nhau: (1) Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ. (2) Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (3) Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao rừng (4) Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp (5) Hộ gia đình, cá nhân trong nước (6) Cộng đồng dân cư (7) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất. Ngoại trừ, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân không được giao rừng đặc dụng ngoài ra các chủ rừng còn lại được giao tất cả các loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Luật Lâm nghiệp 2017 định nghĩa các loại rừng này như sau:

Rừng đặc dụng: Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm: Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên; Khu bảo tồn loài – sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.
Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm: Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới; Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.

Rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

IV. Một số đề xuất kiến nghị

Trên cơ sở phân tích tổng quan về quyền sở hữu/sử dụng và hệ thống phân loại rừng trên thế giới so với Việt Nam, trên nguyên tắc xây dựng cơ sở tạo động lực cho chủ rừng quản lý rừng hiệu quả, bền vững và thuận lợi, thống nhất cho việc xây dựng quy định về quản lý rừng và hướng dẫn kỹ thuật, nhóm nghiên cứu xin đề xuất một số ứng dụng sau cho Việt Nam:

– Thứ nhất, xét về mặt sở hữu và quyền sử dụng tài nguyên rừng, trong điều kiện Việt Nam Nhà nước nắm quyền sở hữu rừng và đất rừng là phù hợp và việc giao quyền sử dụng rừng cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước như cá nhân và cộng đồng là phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế phân quyền quản lý tài nguyên trên thế giới. Tuy nhiên để tạo động cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư và phát triển rừng cần cụ thể hóa hơn các quyền sử dụng và kiểm soát tài nguyên rừng cho các đối tượng chủ rừng này trong các văn bản dưới Luật lâm nghiệp theo hướng tạo co sở để các chủ rừng này thực sự hưởng lợi từ các sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng từ công sức đầu tư của họ.

– Thứ hai, ở các nước phát triển chính phủ thường thiết lập “hệ thống lâm phân quốc gia” đầu tư bằng ngân sách và quản lý chặt chẽ để bảo vệ các giá trị quốc gia cho các lợi ích công cộng, hệ thống này không chỉ bao gồm các khu bảo tồn, vườn quốc gia mà còn cả các khu rừng văn hóa, địa chất và môi trường. Nếu so với Việt Nam bao gồm cả các khu rừng đặc dụng và một số khu rừng phòng hộ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, để đảm bảo bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường quốc gia, chính phủ Việt Nam nên rà soát, quy hoạch và thiết lập hệ thống lâm phận quốc gia theo xu hướng thế giới.

– Thứ ba, ngoài việc phân vùng chức năng cho các khu rừng đặc dụng, cần ban hành văn bản quy định phân vùng chức năng thống nhất cho cả rừng phòng hộ và rừng sản xuất để bảo vệ và phát huy tổng giá trị rừng (kinh tế, môi trường và xã hội). Việc phân vùng tốt sẽ giảm thiểu tác động xấu đến các giá trị môi trường và đa dạng sinh học đồng thời tạo điều kiện cộng đồng dân cư xung quang rừng tham gia quản lý, hưởng lợi và bảo vệ rừng.

– Thứ tư, việc phân loại trạng thái rừng ở Việt Nam để xác định biện pháp kỹ thuật tác động còn chưa toàn diện (chủ yếu dựa vào chỉ số trữ lượng mà phân làm loại trạng thái giàu nghèo), còn thiếu các chỉ số quan trọng thể hiện trạng thái rừng như mức độ đa dạng loài và các chỉ số liên quan đến điều kiện lập địa. Điều này có thể dẫn đến không phát huy được giá trị tổng hợp của rừng. Do vậy cần rà soát lại hệ thống tiêu chí/chỉ số phân loại trạng thái rừng để đề xuất hệ thống và biện pháp kỹ thuật tác động cho từng loại trạng thái.

– Thứ năm, rà soát và xây dựng hệ thống tổ chức quản lý lâm nghiệp thống nhất ở các cấp cho tương thích với hệ thống phân loại rừng. Trong đó hệ thống lâm phận quốc gia nên giao cho bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, hệ thống rừng đặc dụng và phòng hộ cấp tỉnh do Kiểm lâm tỉnh quản lý. Các cơ quan lâm nghiệp ngoài kiểm lâm ở các cấp làm chức năng quản lý, hướng dẫn kỹ thuật và dịch vụ lâm nghiệp cho các chủ rừng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ClienEarth, 2013. Ownership and use rights of forest natural resources.
2. Forest Trend, 2012. Who owns the world’s forest? Forest tenure and public forest in transition, Washingon D.C.
3. Jacek Sir và cộng sự, 2015. Forest tenure and sustainable forest management, Open Journal of forestry.
4. Quốc hội, 2017. Luật Lâm nghiệp.
5. Tuan. D and Chang, 2015. Natural resources policy and history, lecture notes for Vietnam Forestry University.


Đỗ Anh Tuân
(PGS.TS, PHT Trường cán bộ quản lý NN và PTNT I)Ngô Văn Hồng (Ths. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển)– Phùng Đức Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội) – Đặng Hùng Võ