Nghiên cứu mới về nhóm người có ‘siêu kháng thể’ đánh bại COVID-19

BVR&MT – Những nghiên cứu gần đây cho thấy, có một bộ phận dân chúng gần như không có nguy cơ mắc COVID-19 và số này được gọi là “miễn dịch siêu nhiên”.

Tiêm chủng cho người dân tại trung tâm Clalit ở Jerusalem, Israel. Ảnh: Reuters

Hơn một triệu người Israel từng mắc COVID-19 và đã phục hồi. Nhưng nhiều người trong số này đã chọn cách không tiêm vaccine, vì cho rằng bản thân họ đã có đủ lượng kháng thể để không bị tái nhiễm. Nhưng nghiên cứu mới có thể sẽ làm họ thay đổi quyết định.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy có nhóm người bị nhiễm SARS-CoV-2 hồi năm 2020 và tiêm vaccine sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer, Moderna trong năm nay, đã có được “miễn dịch siêu nhiên” hay “miễn dịch lai”. Nói cách khác, họ là những người có lượng kháng thể rất cao, có khả năng trung hòa các biến thể COVID-19 cũng như nhiều virus khác.

Theo nghiên cứu nhỏ do Đại học Rockefeller tại New York tiến hành, lượng kháng thể ở 14 người đã tiêm một liều vaccine sau khi nhiễm COVID-19 và bình phục có thể kháng được 6 biến thể của SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta. Những người này cũng kháng được các virus khác như SARS-CoV-1 được xác định lần đầu tiên năm 2003.

“Có lý do để dự đoán rằng những người có ‘miễn dịch lai’ sẽ là nhóm được bảo vệ tốt nhất trước phần lớn, hoặc cũng có thể nói là toàn bộ các biến thể của SARS-CoV-2 có thể xuất hiện trong tương lai”, Paul Bieniasz, chuyên gia virus học tại Đại học Rockefeller nói.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, người khỏe mạnh và từng mắc COVID-19 rồi tiêm một liều vaccine có lượng kháng thể cao gấp từ 6-100 lần so với những người chỉ tiêm một, hai liều vaccine, hoặc số đã bị nhiễm COVID-19 nhưng không tiêm vaccine.

Shane Crotty, chuyên gia tại Viện Dịch tễ La Jolla (Mỹ) đưa ra cách lý giải về hiệu quả về “miễn dịch lai” như sau: Với những người đã nhiễm bệnh, kháng thể có sẵn trong cơ thể sẽ dễ dàng nhận diện nhiều biến thể của SARS-Cov-2. Nhưng khi được tăng cường thêm vaccine, cơ thể sẽ kích hoạt được một lượng lớn kháng thể có khả năng chống virus mạnh hơn.