Nghĩa Hồng (Nghệ An): Triển vọng phát triển kinh tế từ cây chanh đào

BVR&MT – Những năm gần đây, chanh đào đã và đang trở thành loại cây ăn quả mang lại giá trị cao, được nhiều hộ nông dân xã Nghĩa Hồng (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) lựa chọn làm giống cây phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Xã Nghĩa Hồng có diện tích 16,31 km², nằm ở phía Tây Bắc của huyện Nghĩa Đàn với nền kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là vùng trọng tâm chủ yếu phát triển ổn định chuyên canh cây công – nông nghiệp như: Cao su, cam, cà phê, lúa, mía… Bên cạnh đó, trên địa bàn xã hiện nay đã có nhiều hộ gia đình chủ động thử nghiệm các mô hình trồng trọt mới, đem lại kết quả khả quan. Tiêu biểu trong số đó có thể nhắc đến mô hình trồng cây chanh đào vườn đồi.

Mô hình trồng chanh đào vườn đồi đang là một trong những xu hướng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn, Nghệ An).

Để tìm hiểu mô hình, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường có dịp ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Nông, trú tại xóm Hồng Thái (xã Nghĩa Hồng). Với quy mô 200 cây trồng trên diện tích 4 sào, trong 5 năm qua cây chanh đào đã góp phần ổn định kinh tế cho gia đình chị.

Chị Nông cho biết: “Trước đây gia đình tôi chủ yếu trồng sắn, trồng cao su, làm ăn rất vất vả. Sau đó tôi được mách bảo trồng cây chanh vì nó đỡ tốn công chăm sóc mà đem lại hiệu quả cao. Ngày đầu gia đình tôi không dám trồng nhiều vì sợ không hợp thổ nhưỡng nhưng thực tế cây phát triển cho quả rất đẹp và mọng nước”.

Chanh đào trồng tại vườn đồi xã Nghĩa Hồng cho năng suất cao và ra quả quanh năm.

Theo chia sẻ, gia đình chị lấy giống chanh đào từ trạm thí nghiệm Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) trồng đến năm thứ 2 bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm vào vụ là bắt đầu từ tháng 7 cho đến tháng 9.

Những năm đầu thu hoạch cho năng suất cao, khoảng 5 đến 6 tấn/vụ. Tùy vào giá thành, mỗi năm gia đình chị thu về 30 – 40 triệu đồng/ vụ. Vì chanh sạch, đảm bảo an toàn nên được thương lái về mua tận vườn với giá bán ổn định. Thị trường xuất đi chủ yếu tại địa phương, các xã lân cận và được chuyển vào Đà Nẵng.

Cây chanh đào cho quả to, đẹp và mọng nước.

“Thời gian thu hoạch tầm tháng 7 bắt đầu hái và cứ ra quả to lại cắt. Diện tích ít nhưng thấy chanh cho quả quanh năm. Chanh trái vụ còn được giá hơn rất nhiều, nhưng vì gia đình diện tích không nhiều nên cứ túc tắc thu theo đợt quả. Năm vừa rồi gia đình thu hoạch được 3 tấn chanh nhưng giá cao được 27 triệu đồng”, chị Nông phấn khởi cho hay.

Lợi thế của việc trồng chanh đào là không phải chăm bón nhiều. Tuy nhiên, sau mỗi vụ cây lại gặp nhiều bệnh tật như bệnh vàng lá greening, rầy mềm, sâu nhớt… đặc biệt là sâu đục thân. Đây cũng là khó khăn nhất mà nhiều hộ dân trồng chanh tương tự gặp phải. 

Với những hiệu quả tích cực mang lại, trong thời gian tới gia đình chị Nông và một số gia đình khác trong xã sẽ mở rộng diện tích trồng chanh, trồng xen kẽ giống chanh đào và chanh xanh không hạt.

Cây chanh đào đang cần sự quan tâm, đầu tư đúng đắn từ ngành nông nghiệp địa phương.

Có thể nói, mặc dù chỉ là mô hình tự phát của người nông dân xã Nghĩa Hồng nhưng hiệu quả mà cây chanh đào mang lại đã cho thấy đây là một giống cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao cũng như hiệu quả kinh tế đầy triển vọng.

Thiết nghĩ, để nhân rộng mô hình, hướng đến phát triển cây chanh làm cây ăn quả mũi nhọn của địa phương, thời gian tới rất cần sự quan tâm, đầu tư, định hướng…đặc biệt là công tác hỗ trợ, tư vấn về khoa học kỹ thuật tới từ ngành nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung nhằm nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững giống cây ăn quả giàu tiềm năng này.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 1.725 ha chanh; trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 1.300 ha. Nhằm phát triển hiệu quả cây chanh, tỉnh Nghệ An chủ trương hình thành các vùng trồng chanh với quy mô lớn, tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; thực hiện các giải pháp về giống, khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng chanh; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ nông dân cùng liên kết phát triển các mô hình trồng chanh gắn với thu mua, tiêu thụ, tìm kiếm thị trường ổn định.

Để mở rộng diện tích trồng chanh, theo kế hoạch, tỉnh Nghệ An sẽ chuyển đổi một số diện tích đất trồng cao su, mía, sắn, ngô, lúa và đất rừng kém hiệu quả sang trồng chanh; trong đó riêng đất lúa sẽ chuyển đổi khoảng 62 ha. Tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu đến năm 2020 đưa diện tích chanh lên 1.900 ha, sản lượng 23.000 tấn.

Hà Linh – Đào Thúy