Nghĩa Đàn: Dấu ấn 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi với hộ nghèo và gia đình chính sách

BVR&MT – Được thành lập từ 15/5/2003, sau gần 20 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) đã khẳng định vai trò, sứ mệnh của mình trong quản lý vốn tín dụng chính sách đối với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.

Đối mặt nhiều khó khăn từ những ngày đầu mới thành lập, đặc biệt là sau chia tách huyện,  trụ sở làm việc chưa có, phải thuê mượn, thiếu nhân lực từ lãnh đạo đến nhân viên trong khi khối lượng công việc quản lý lại lớn. Tuy nhiên, sau gần 20 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, đến nay Ngân hàng CSXH Nghĩa Đàn đã có trụ sở làm việc khang trang, với 11 cán bộ nhân viên trẻ tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp. Sau 18 lần củng cố, kiện đoàn, đến nay, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH Nghĩa Đàn có 33 đồng chí. Trong đó, trưởng Ban là Phó chủ tịch UBND huyện, 09 thành viên là trưởng các đoàn thể chính trị – xã hội, các phòng, ban, ngành của huyện và 23 thành viên là chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

Đồng chí Hồ Thị Nhung Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn trong buổi lễ khai trương.

Nổi bật trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn không ngừng tăng trưởng, đáp ứng tốt nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn TW sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện vã xã ủy thác qua Ngân hàng CSXH.

Đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn quản lý và huy động đạt 536 tỷ 577 triệu đồng, tăng so với thời điểm mới thành lập là 438 tỷ 845 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng vốn bình quân hàng năm đạt 17,5%. Trong đó, nguồn vốn TW chuyển về 445 tỷ 847 triệu đồng; nguồn vốn huy động theo lãi suất thị trường TW cấp bù chênh lệch lãi suất là 83 tỷ 978 triệu đồng; tăng 100% so với thời điểm đơn vị mới đi vào hoạt động, chiếm tỷ trọng 15,8% trên tổng số nguồn vốn tại đơn vị. Nguồn vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế là 54 tỷ 222 triệu đồng; nguồn tiền gửi của Tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn là 29 tỷ 756 triệu đồng, với 321 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nguồn vốn nhận ủy thác tại ngân sách địa phương: 6.752 triệu đồng, tăng 5.700 triệu đồng so với thời điểm đơn vị mới đi vào hoạt động, chiếm tỷ trọng 1,27% trên tổng nguồn vốn. Vốn ngân sách tỉnh: 4.372 triệu đồng, vốn ngân sách huyện: 1.460 tr đồng và vốn ngân sách xã là 920 triệu đồng.

Với trọng trách đồng hành cùng người nghèo, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn luôn làm tốt vai trò là cầu nối giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Từ 02 chương trình tín dụng chính sách khi mới thành lập ban đầu, đến nay Ngân hàng CSXH Nghĩa Đàn đang thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi. Doanh số cho vay trong 20 năm qua đạt 1.400 tỷ đồng, với 52 ngàn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn.

Hàng năm, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn đã tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị có những giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả cho vay xoá đói giảm nghèo, tập trung ưu tiên nguồn vốn cho khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt cho vay theo dự án. Tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện đến ngày 03/6/2022 là 535.567 triệu đồng trong đó dư nợ 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt 310 tỷ 575 triệu đồng cho 6.394 hộ vay, với mức vay từ 30 đồng lên 50 triệu đồng, rồi từ nâng lên 100 triệu đồng, thời gian vay tối đa lên 10 năm. Với những ưu đãi đó, các đối tượng đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, từ năm 2008, Ngân hàng triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn làm quen với dịch vụ Ngân hàng, hình thành thói quen tiết kiệm, tích lũy nguồn trả nợ còn góp phần tạo được nguồn vốn, bổ sung nguồn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Để tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, thời gian qua, đơn vị cũng đã có nhiều đổi mới về phương thức đầu tư, cấp tín dụng; lồng ghép việc sử dụng vốn chính sách xã hội với đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chuyển dịch đúng hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả.

Một số điển hình thoát nghèo nhờ vay vốn NHCSXH.

Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND huyện Nghĩa Đàn đã cân đối ngân sách chuyển 1 tỷ 460 triệu đồng; các xã, thị trấn đã chuyển 920 triệu đồng sang Ngân hàng CSXH huyện để bổ sung nguồn vốn. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu hàng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng NTM, đảm bảo an sinh xã hội. Thêm vào đó, các chủ tịch UBND cấp xã được cử làm thành viên chính thức của Ban đại diện HĐQT cùng tham gia trực tiếp quản lý nguồn vốn, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, nhất là việc tổ chức chỉ đạo và kiểm tra giám sát việc triển khai tín dụng chính sách tại cơ sở

Ngân hàng CSXH Nghĩa Đàn và các tổ chức nhận ủy thác cấp huyện đã ký hợp đồng ủy thác 16 chương trình tín dụng, đến thời điểm 30/6/2022 tổng dư nợ qua các tổ chức nhận ủy thác đạt: 529.577 triệu đồng, với 321 tổ tiết kiệm và vay vốn. chiếm 98.9% tổng dư nợ. Hội Nông dân 90 tổ, dư nợ 150.163 triệu đồng; Hội Phụ nữ 85 tổ, dư nợ 146.442 triệu đồng; Hội CCB 78 tổ, dư nợ 123.701 triệu đồng; Đoàn Thanh niên 68 tổ, dư nợ 105.792 triệu đồng. Chất lượng của tín dụng ủy thác không ngừng được nâng lên, khả năng phát huy thế mạnh của các tổ chức trong việc tập hợp lực lượng, hướng dẫn bình xét, quản lý, đôn đốc, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, tuyên truyền vận động hội viên trong việc chấp hành đúng quy định về trả nợ, trả lãi của đối tượng thụ hưởng.

Các tổ chức nhận uỷ thác kiểm tra sử dụng vốn vay.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Lê Thái Hùng, Uỷ viên Ban thường vụ Huyện uỷ – Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Những thành quả đạt được đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc trong hoạt động tín dụng chính sách suốt 20 năm qua và cho thấy Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn ngày càng đóng vai trò quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện đưa huyện Nghĩa Đàn hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và sớm trở thành huyện NTM. Đây là nền tảng, động lực để Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Đàn tiếp tục củng cố và phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, xây dựng ngân hàng ngày càng gắn bó mật thiết với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”

Lê Hồng