BVR&MT – Gói thầu xây dựng công trình: Xử lý cấp bách một số tuyến kè sạt lở và cứng hóa mặt đê tại những điểm xung yếu thuộc tuyến đê Tả Trà Lý đoạn qua thành phố Thái Bình do Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố Thái Bình quản lý có giá trị hơn 34 tỷ đồng có dấu hiệu về chất lượng thi công có “vấn đề”. Thế nhưng, thay vì có những thông tin cụ thể để làm rõ vấn đề trước dư luận, ông Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phố Thái Bình dường như đang muốn “giữ quyền im lặng”?
Dấu hiệu thi công ẩu, nghi vấn chất lượng công trình “có vấn đề”
Người dân sống gần khu vực đê Trà Lý, đoạn qua xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình cho biết, quá trình thi công mặt đê thuộc gói thầu nêu trên có nhiều dấu hiệu sai phạm, chất lượng công trình không đảm bảo.
Được biết, Gói thầu xây dựng công trình: Xử lý cấp bách một số tuyến kè sạt lở và cứng hóa mặt đê tại những điểm xung yếu thuộc tuyến đê Tả Trà Lý đoạn qua thành phố Thái Bình có đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH môi trường xanh Long Hưng.
Phóng viên nhận thấy việc thi công tại tuyến đê Trà lý, đoạn qua xã Đông Thọ đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Bằng mắt thường quan sát, khu vực mái taluy (tính từ mặt đê xuống) được đơn vị thi công công trình sử dụng các loại đất giống đất hữu cơ, chất thải xây dựng (gạch, vữa, bê tông, đá…) để đắp đê.
Người dân cho rằng, khi có một vài trận mưa, phần đất này trên bề mặt của tuyến đê dễ dàng bị trôi đi, để trơ rất nhiều tạp chất giống như một dạng chất đổ thải của vật liệu xây dựng lổn nhổn trên bề mặt mái đê.
Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9165/2012 thì: đối với các Công trình thuỷ lợi – Yêu cầu kỹ thuật đắp đê, được áp dụng trong thi công xây dựng đê mới hoặc cải tạo đê cũ như tôn cao, đắp áp trúc, đắp cơ thuộc hệ thống đê sông. Thì đơn vị thi công sử dụng các loại vật liệu nêu trên để đắp đê, là biểu hiện không đúng tiêu chuẩn về yêu cầu chất lượng đất.
Một người dân sinh sống gần đây cho biết: “Mấy hôm nay mưa, phần đất đắp mái đê trôi đi, để lộ ra rất nhiều gạch vỡ kiểu dạng như chất đổ thải của vật liệu xây dựng”.
Hiện trạng trên đang khiến người dân địa phương dấy lên những nghi ngại của dư luận về tính trung thực và chất lượng của công trình này. Nhiều người dân hoài nghi cho rằng, một dự án với số tiền đầu tư lớn, và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại về thiên tai trước mùa mưa lũ, công trình cũng đang bước vào giai đoạn nước rút, hoàn thiện và bàn giao như này thì nếu việc thi công ẩu, và dấu hiệu sử dụng vật liệu “không đạt chuẩn” để đắp đê như vậy thì Ban quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố Thái Bình liệu có ký nghiệm thu? Việc lo lắng của người dân, của dư luận xã hội về chất lượng, sự an toàn của công trình này trước khi hoàn thành đưa sử dụng trong tương lai là hoàn toàn và có cơ sở.
Giám đốc Ban QLDA UBND Tp Thái Bình sẽ vào cuộc hay sẽ thờ ơ?
Để có được thông tin trả lời bạn đọc và tìm hiểu rõ về hoạt động được phản ánh này, Phóng viên đã có liên lạc với ông Phạm Mạnh Quỳnh – Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tỉnh Thái Bình. Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Quỳnh trả lời sẽ tiếp nhận nội dung và trả lời báo chí. Tuy nhiên, nhiều ngày sau đó, dù nhóm phóng viên đã nhiều lần cố gắng liên lạc để làm việc nhưng đều bất thành.
Cuối cùng, Ban Quản lý dự án cũng xếp lịch làm việc với người đại diện là ông Phạm Thanh Hải – Phó Giám đốc của Ban. Tuy nhiên, thật khó hiểu khi phía ông Hải cho biết hoàn toàn không được ông Giám đốc triển khai nội dung làm việc với PV nên không thể trả lời mà chỉ có thể ghi nhận lại nội dung.
Cho đến ngày 27.10.2021, cuộc làm việc với Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tỉnh Thái Bình mới được diễn ra với sự có mặt của ông Quỳnh giám đốc. Kết quả của buổi làm việc, ông Quỳnh giao cho ông Hải và một cán bộ cùng phóng viên đi thực tế công trình. Tại hiện trường đang thi công, ghi nhận về bề mặt taluy đê để lộ rất nhiều gạch vỡ, đá lẫn trong đất đắp mái đê. Giải thích của một cán bộ đại diện nhà thầu cho biết: “đó là đất tận dụng, phần mua chưa được 10%”.
Ngày 29 tháng 10 năm 2021, phóng viên quay trở lại làm việc với ông Giám đốc BQLDA, ông này yêu cầu gửi hình ảnh về chất lượng công trình cũng như câu hỏi cụ thể qua Zalo hoặc tin nhắn, sẽ cho trả lời báo chí vào lần làm việc tới.
Tuy nhiên, sau khi cung cấp hình ảnh cũng như câu hỏi của nội dung cần làm việc qua cả Zalo lẫn tin nhắn điện thoại theo yêu cầu, có thể nói phóng viên gần như mất hoàn toàn liên lạc với ông Phạm Mạnh Quỳnh khi không hề nhận được hồi đáp và lịch làm việc như đã hẹn.
Thiết nghĩ, một công trình có giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng khi thi công lại để xảy ra nhiều bất cập, nhiều hạng mục có dấu hiệu sai phạm khiến dư luận không khỏi lo ngại về năng lực thi công của nhà thầu, của cơ quan quản lý và nguy cơ dẫn đến những thiệt hại kinh tế của chủ đầu tư cũng như an toàn dân sinh trước thiên tai bão lũ. Và trước những thông tin phản ánh như này, Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Thái Bình cần lên tiếng, cần có những động thái thực sự để trả lời dư luận về điều này. Điều đó cũng giúp cho chính Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Thái Bình nói riêng và các cơ quan có chức năng liên quan nói chung và đơn vị thi công của công trình này có được câu trả lời thỏa đáng nhất.
Xuân Kiên