Nghề nuôi ong lấy mật giúp nông dân Bạc Liêu tăng thu nhập

Nghề nuôi ong lấy mật lâu nay đã phát triển tại nhiều địa phương trong cả nước nhưng với người dân tỉnh Bạc Liêu đây là nghề mới, hứa hẹn nhiều triển vọng.

Để đàn ong phát triển tốt người nuôi cần thường xuyên kiểm tra theo dõi.

Cuối năm 2021, Hội Nông dân huyện Hồng Dân triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật” từ bông tràm tại thị trấn Ngan Dừa, nơi có nhiều diện tích trồng tràm và cây ăn quả, được đánh giá phù hợp để phát triển nghề nuôi ong.

Tổ hợp tác Nuôi ong lấy mật thị trấn Ngan Dừa ra đời ban đầu với 9 thành viên nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình sản xuất. Thông qua nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Hông Dân đã đầu tư 54 triệu đồng (trung bình mỗi hộ tham gia Dự án được vay 6 triệu đồng) để mua con giống và đóng thùng nuôi ong. Khi tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn khoa học kỹ thuật từ khâu thiết kế thùng, kỹ thuật chăm sóc đến cách thu hoạch mật bằng máy quay ly tâm, sơ chế và bảo quản sản phẩm… Theo ông Huỳnh Thanh Nhơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi ong lấy mật thị trấn Ngan Dừa, nuôi ong không mất nhiều thời gian và công chăm sóc, song đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và cần mẫn. Để nuôi hiệu quả, người nuôi cần quan tâm lựa chọn chọn giống tốt, chọn địa điểm đặt đàn ong, có sổ nhật ký để ghi chép, theo dõi hằng ngày.

Kết quả sau hơn 5 tháng nuôi, các tổ viên đã thu hoạch được khá nhiều mật ong chất lượng với giá thành cao do mật ong hoàn toàn tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng, số lượng mật cung không đủ cầu. Nếu như ban đầu, mỗi tổ viên chỉ đặt vài thùng ong để thăm dò thì nay, các hộ đã mạnh dạn đầu tư hàng chục thùng, nâng tổng số thùng ong trong Tổ hợp tác lên gần 200 thùng, lượng mật ong đã thu hoạch là gần 1.000 lít.

Ông Huỳnh Thanh Nhơn cho biết, nhờ tham gia Tổ hợp tác, các hộ nuôi ong nhỏ lẻ trên địa bàn được kết nối, có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm và tập huấn khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăm sóc đàn ong. Với vai trò Tổ trưởng, ông Nhơn không thường xuyên đi thăm, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi với nhiều hộ khác trong tổ. Hiện tại, mật ong được bán với giá 500-600 ngàn đồng/lít. Ngoài khai thác bán mật, các hộ còn bán ong giống, các gia đình đều có thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sử dụng mật ong chất lượng cao cũng như mở rộng mô hình nuôi trong thời gian tới, ông Huỳnh Thanh Nhơn cho biết đang tiến tới thành lập hợp tác xã, tổ chức xây dựng thương hiệu, đăng ký mẫu mã nhãn mác cũng như quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại tỉnh Bạc Liêu, nuôi ong lấy mật tuy là mô hình mới mẻ nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Tuy nhiên, vì nuôi ong chủ yếu dựa vào mùa hoa, lấy mật hoàn toàn tự nhiên nên người nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường. Những vùng có nhiều tràm như huyện Hồng Dân chính là môi trường lý tưởng, có nguồn thức ăn ổn định từ bông tràm nên đàn ong phát triển tốt và cho lượng mật nhiều, chất lượng tốt. Ông Trần Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hồng Dân cho biết: Để phát triển mô hình này, Hội đã tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm những nơi nuôi ong thành công ở một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật nuôi ong lấy mật.

Tỉnh Bạc Liêu có nhiều diện tích trồng tràm, rất thích hợp phát triển mô hình nuôi ong lấy mật.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật, anh Nguyễn Tiến Dũng, hộ nuôi ong thị trấn Ngan Dừa nói: Để thực hiện mô hình, điều kiện cần nhất là phải có một khoảng vườn nhỏ để đặt đàn ong và che mát cho nó. Có thể đặt ở khu vực có vườn cây ăn trái hay vườn tạp nhưng nơi đó phải có phấn hoa. Nếu so với những vật nuôi khác, ong không mắc nhiều dịch bệnh, vì thế cũng dễ chăm sóc hơn”. Mật ong thường được lấy vào những tháng mùa nắng, mật mới chất lượng, mùa mưa mật giảm số lượng, chất lượng.

Để khuyến khích hội viên nông dân đầu tư phát triển kinh tế từ nuôi ong lấy mật, ông Phạm Tuấn Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, cùng với việc đầu tư vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu cũng như liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong. Mô hình này rất thích hợp để phát triển trên vùng chuyên canh nhãn của thành phố Bạc Liêu cũng như các vùng trồng rau màu của tỉnh. Hội Nông dân khuyến khích phát triển mô hình nuôi ong lấy mật do chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi. Hiện nay, từ hiệu quả mô hình nuôi ông ở Tổ hợp tác “nuôi ong lấy mật” thị trấn Ngan Dừa cùng một số hộ dân đơn lẻ, nhiều hộ dân ở tỉnh Bạc Liêu đã chọn mô hình này để phát triển kinh tế nông hộ, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình