BVR&MT – Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được thành lập bởi FOUR PAWS (là tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu dành cho các loài động vật chịu ảnh hưởng trực tiếp của con người), nhằm mục đích giải cứu và bảo vệ loài gấu ở Việt Nam (cụ thể là gấu Ngựa) loài vật nằm trong sách đỏ của Việt Nam. Tại đây, gấu được chăm sóc tận tình trong môi trường bán hoang dã bởi những người nhân viên tâm huyết, yêu nghề, khao khát đóng góp một phần sức lực nhỏ bé cho công cuộc bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam nói chung và loài gấu nói riêng.
Hiện nay, tại Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình đang chăm sóc, bảo vệ 49 cá thể gấu ngựa, tất cả đều có một quá khứ buồn do những tác động của con người. Chăm sóc gấu, là công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên nhân và phải thật dịu dàng gần gũi với động vật. Bởi, những chú gấu được đưa về đây đều là những con bị chấn thương cả về tinh thần lẫn thể xác, có con thì ốm đau, có con thì căng thẳng. Vì thế để chúng có thể thích ứng được với môi trường mới, phục hồi thể trạng và tập tính thì người chăm sóc cần phải vỗ về, quan tâm chúng rất kỹ lưỡng.
Làm việc từ sớm đến khuya để chăm gấu
Một ngày làm việc, người chăm sóc gấu sẽ phải chuẩn bị đồ ăn, đồ làm giàu, giấu trong các ống tre, hay gói vào cành lá giấu đi, để các bạn gấu đi tìm thức ăn. Cách làm này cũng để luyện cho gấu ngửi mùi để tìm ra thức ăn. Vì gấu ở trong môi trường nuối nhốt bị ì trệ, các tập tính sinh hoạt tự nhiên thường thấy hầu như không có hoặc bị mai một.
Theo chị Bùi Thị Hạnh, nhân viên chăm sóc gấu cho biết: “Tiêu chuẩn ăn uống của các bạn gấu sẽ tuỳ theo mức độ cân nặng, sức khoẻ của các bạn. Mỗi ngày các bạn được thay đổi khẩu phần, nay bí đỏ, mai cà rốt, cà chua. Sau khi chuẩn bị xong, 8h sáng các chị bắt đầu lên nhà gấu, gọi gấu về chuồng, sau đó kiểm tra số lượng gấu trong chuồng. Kiểm tra khóa an toàn và cho một số bạn gấu uống thuốc, còn một số bạn thì sẽ có chế độ ăn riêng như ăn cháo hoặc ăn các loại hạt để bổ sung chất dinh dưỡng. Sau đó những người nuôi gấu sẽ ra ngoài giấu thức ăn và để gấu tự đi tìm”.
Chị Quách Thị Lành, nhân viên chăm sóc gấu chia sẻ với phóng viên rằng: “Những lúc mà các bạn gấu mới về đây thì bọn chị cũng phải trực đêm rất nhiều. Để các bạn gấu mới về được lên nhà gấu thì nó cũng là quá trình dài bọn chị quan sát, xem các hành vi của các bạn như thế nào rồi mới cho ra ngoài bán hoang dã. Có những bạn khi ra ngoài bán hoang dã thì mới được nhìn thấy mặt trời lần đầu tiên, khi đấy các bạn rất là sợ và các bạn ý còn ngủ ở bên ngoài, không chịu về nhà.
Có những hôm chị đã phải trực ở đây đến 9h tối, để quan sát xem các bạn ý làm gì ở trong khu này, các chị cứ thay ca nhau. Rồi có những hôm kiểm tra sức khỏe cho gấu chẳng hạn, buổi trưa là giờ các chị nghỉ trưa những các chị vẫn phải hỗ trợ cho thú y đưa các bạn gấu vào lồng”.
Chị Lành cũng là một trong những nhân viên kỳ cựu ở Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, gắn bó với trung tâm từ năm 2017. Chị vốn là một người dân bản địa, chưa từng có kinh nghiệm tiếp xúc với công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ và cẩn thận như chăm sóc động vật hoang dã (ĐVHD). Tuy nhiên, khi cơ sở được thành lập, bằng sự tò mò, thích trải nghiệm của mình, chị đã dũng cảm nộp đơn ứng tuyển vào làm nhân viên chăm sóc gấu ở đây.
Bồi hồi nhớ lại, chị chia sẻ rằng: “Lúc đầu hơi sợ, về ĐVHD, về loài gấu thì tôi hình dung bọn nó hung dữ lắm, không biết làm bạn được không, rất nhiều câu hỏi trong đầu, nhưng mà vì tính tò mò mà mình quyết tâm nộp hồ sơ vào, quyết tâm làm bạn với các bạn ấy”.
Tình yêu thương đến từ những hành động nhỏ bé
Công việc với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng điều đó vẫn không làm những người phụ nữ ở đây nản chí. Theo thời gian gắn bó với Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, chị Lạnh cùng những người đồng nghiệp của mình đã dần nhận ra rằng, mình đến đây không chỉ đơn thuần là trải nghiệm nữa mà nó đã chuyển thành tình yêu, tình yêu với công việc và cũng là tình yêu với loài gấu này.
Chị Lành chia sẻ: “Lúc đầu chăm sóc gấu bọn tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là mình chưa được chăm sóc ĐVHD bao giờ. Thứ hai là các bạn gấu về đây đều đang trong tình trạng chích hút mật, sức khỏe yếu, tâm lý bất ổn, để tiếp xúc gần được với các bạn ý thì phải mất rất nhiều thời gian. Công việc ở đây làm 8 tiếng, nhưng làm đến 10 tiếng bọn tôi vẫn cảm thấy vui, nhiều khi cho được các bạn ấy ăn, uống thuốc đã là một thành công”.
Chị Lành luôn tự nhủ bản thân mình phải toàn tâm, toàn ý với công việc, chị luôn để điện thoại ở ngoài để tránh bản thân bị lơ đãng khi làm việc.
Bởi đặc thù của công việc, mỗi ngày chị Lành cùng những người đồng nghiệp của mình cần phải để ý, quan sát những chú gấu ở đây rất kỹ càng. Để ý từ giờ giấc sinh hoạt đến những biểu hiện thường ngày về hành vi, cảm xúc. Tất cả đều sẽ được ghi lại để tiện cho việc chăm sóc.
Từ những hành động nhỏ đấy, ngày qua ngày, những chú gấu ở đây vô hình chung đã trở thành người bạn không thể thiếu của chị Lành cùng đồng nghiệp. Tình cảm các chị dành cho chúng không chỉ đơn giản là tình yêu thương động vật mà nó là trở thành tình bạn.
Chị lành chia sẻ rằng: “Tôi cũng từng tham gia cứu hộ, khi đến các trang trại nuôi nhốt, nhìn thấy những tải, thùng chứa hút mật gấu, tôi thấy chúng nó rất đáng thương, đứa bị về mắt, bị về tay chân, mắc các bệnh trong người như bệnh về thận, gan, nhiều nhất là viêm túi mật, tôi cảm thấy cũng là sinh mạng mà lại bị đày đoạ như vây thật đáng thương”.
Vừa chăm sóc gấu, vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo tồn cho người dân
Bên cạnh sự tận tình, chu đáo với công việc, những nhân viên ở Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình còn đóng vai trò là những người tuyên tuyền viên. Ngoài giờ làm, chị Lành cùng đồng nghiệp thường hay về nhà nói chuyện với gia đình, hàng xóm xung quanh rằng: “việc sử dụng mật gấu sẽ khuyến khích việc săn bắt, nuôi nhốt gấu, gây ảnh hưởng đến giống loài, đến môi trường”.
Chị Lạnh chia sẻ: “Tôi thường về kể chuyện cho con nghe, ngoài kể ra thì tôi còn cho con xem cả hình ảnh, video về các bạn gấu, để cho chúng nó thấy được rằng, tuy các bạn gấu có thiệt thòi, bị khuyết tật như vậy nhưng các bạn ý vẫn vượt lên chính mình. Qua đó, tôi cũng muốn lấy đó là bài học để cho các con của mình phấn đấu hơn nữa”.
Chị Lành cũng khuyến kích các con của mình đến lớp và chia sẻ công việc của mẹ mình cho các bạn ở lớp nghe, từ đó khơi dậy trong lòng con trẻ tình yêu với thiên nhiên, với ĐVHD.
“Nhận thức của người dân ở khu vực này về bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường đã thay đổi rất nhiều. Thứ nhất là họ không còn đi săn nữa. Thứ hai là khi bọn tôi đến nhà dân xin các cành cây để về làm đồ làm giàu cho gấu thì mọi người rất nhiệt tình, có người còn gọi điện để đến họ cho cái này, cho cái kia. Người dân ở đây cũng góp phần tuyên truyền nhiều hơn, để bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp và bảo ĐVHD”.
Chính nhờ những đóng góp nhỏ bé trong công tác tuyên truyền của chị Lành cùng đồng nghiệp mà nạn săn bắt ĐVHD tại đây đã được giảm thiểu rõ rệt. Người dân quanh khu vực Cơ sở Bảo tồn gấu đã từ bỏ thói quen đi săn.
Anh Đinh Văn Nhâm, nhân viên tại Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình cho biết: “Người dân tộc Mường chúng tôi trước đây là có thói quen săn bắn, hái lượm về để làm thức ăn. Theo thời gian thì bây giờ họ đã từ bỏ và không còn làm cái công việc đấy nữa.
Khi về tôi cũng có tuyên truyền với bà con xung quanh nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường rừng và các loài ĐVHD Nếu một loài mất đi, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của những loài khác, trong đó có cả con người”.
Anh Nhâm cũng không ngần ngại bộc lộ cảm xúc của mình trước ống kính: “Cá nhân tôi thấy việc giết hại động vật hoang dã nói chung và lấy mật gấu nói riêng đây là một tội ác của con người. Bởi, tất cả các loài động vật đều phải được sống cuộc sống tự do, thoải mái, trong môi trường của riêng chúng, vậy mà con người mình lại nuôi nhốt, tù hãm nó như thế thì đấy là một tội ác”.
Bỏ qua quá khứ đen tối, chịu nhiều đau thương vì bị trích hút mật, những chú gấu tại Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình như được hồi sinh, sống lại với một cuộc sống mới. Tất cả là nhờ vào hành động của những người như chị Lành, chị Hạnh, anh Nhâm…, điều đó cũng góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo vệ loài gấu trên lãnh thổ Việt Nam.
Đức Minh – Sơn Tinh