Nghệ An: Nhiều nhà máy sắn có nguy cơ đóng cửa do thiếu nguyên liệu

BVR&MT – Thời điểm này là chính vụ sản xuất tinh bột sắn, nhưng nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh Nghệ An đứng trước nguy cơ phải đóng của do thiếu nguyên liệu. Nguyên nhân là do các nhà máy chưa quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu.

Phóng viên baovemoitruong.org.vn có mặt tại Nhà máy sắn Yên Thành ở xã Công Thành thấy cổng đóng im lìm, phía trong công nhân đang bảo dưỡng máy móc. Đại diện nhà máy cho biết: Thời điểm sản xuất tinh bột thường diễn ra 6 tháng (từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau), nhưng nhà máy chỉ hoạt động được chưa đầy 1 tháng. Năm nay nhà máy chỉ thu mua được khoảng hơn 3.000 tấn sắn nguyên liệu, trong khi đó các vụ khác thu trên 40.000 tấn. Việc đóng cửa nhà máy khiến cho trên 70 lao động không có việc làm.

Thiếu nguyên liệu nên một số nhà máy chế biến sắn phải dừng hoạt động.

Tại nhà máy chế biến bột sắn xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn cũng nằm trong tình trạng trên. Theo ông Trương Công Thuyên, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Long nguyên nhân dẫn đến thiếu nguyên liệu là do nhà máy chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu có tính bền vững lâu dài; không đầu tư khoa học kỹ thuật, giống mới và các chính sách khác cho người trồng sắn. “Trước đây do thấy người dân địa phương trồng sắn nhiều nên doanh nghiệp đặt nhà máy tại đây. Việc đầu tư thâm canh gần như không có, Nhà máy phó mặc cho người trồng. Nay thấy các loại cây trồng khác có giá trị hơn nên người dân chuyển đổi dẫn đến thiếu nguyên liệu” – Ông Trương Công Thuyên – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm.

Ông Thái Văn Năm – Giám đốc Nhà máy chia sẻ với Phóng viên baovemoitruong.org.vn: “Nhà máy có công suất trên 200 tấn củ/ngày, nhưng 3 – 4 tháng nay không có nguyên liệu, phải thu gom chạy cầm chừng được 6.000 tấn nguyên liệu, trong khi vụ trước thu mua được từ 45.000 – 50.000 tấn.

Nguyên nhân nhà máy thiếu nguyên liệu là do vụ trước giá sắn quá rẻ chỉ 1.000 đồng/kg, nên đa số người dân chuyển đổi sang trồng cây khác. Năm nay giá sắn thu mua cao trên 2.000 đồng/kg thì nông dân lại không có sắn để bán, ông Năm cho biết thêm”.

Không có quy hoạch vùng nguyên liệu nên người dân không còn mặn mà trồng sắn.

Do trồng bằng giống tận thu nên hầu hết vườn sắn cho năng suất ngày càng thấp. Năm 2015 trở về trước, toàn xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp duy trì trên 100ha sắn nguyên liệu, đến năm nay giảm xuống còn 42ha và được trồng manh mún, nhỏ lẻ.

Chia sẻ của anh Hà Văn Quang – ở xóm Bầu Sen, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp: “Nhà trồng sắn đã nhiều năm, hiện năng suất kém, thu nhập không được mấy nên chuyển đổi sang trồng cây mía. Sang năm tới gia đình sẽ trồng thêm cây keo vì loại cây này đang có chính sách hỗ trợ”.

Trao đổi thêm vấn đề này, chị Nguyễn Thị Yến – Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Việc người dân không còn mặn mà trồng sắn do nhiều năm nay không được quan tâm và không có chính sách hỗ trợ nào. Bên cạnh đó, giống cây trồng lâu năm dẫn đến thoái hoá nhưng không được tư vấn, hỗ trợ thay giống”.

Nằm trong tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất, năm nay, Nhà máy sắn Yên Thành chỉ hoạt động được chưa đầy 1 tháng. Cả vụ chỉ thu mua được khoảng hơn 3.000 tấn sắn nguyên liệu, trong khi đó các vụ khác thu trên 40.000 tấn. Nguyên nhân là do lâu nay nhà máy không có chính sách cho vùng nguyên liệu, chỉ thu mua theo thời vụ, có sắn thì mua còn năng suất, chất lượng nhà máy không quan tâm đến.

Thiếu nguyên liệu sắn, dây chuyền sản xuất chế biến của nhà máy bỏ không gây lãng phí.

Nói thêm về những khó khăn hiện nay của nhà máy, ông Võ Trọng Thưởng – Phó Giám đốc Nhà máy sắn Yên Thành cho biết: “Hiện vùng nguyên liệu chồng chéo, trong đó Nhà máy sắn Yên Thành xa vùng nguyên liệu nhất. Vụ 2017 – 2018, nhà máy chỉ sản xuất được khoảng 600 tấn, đạt khoảng 5%”.

Nguyên liệu là vấn đề sống còn của các nhà máy chế biến. Tuy nhiên với một số nhà máy sắn trên địa bàn tỉnh lại chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này dẫn đến khủng khoảng, thiếu nguyên liệu như hiện nay là điều tất yếu. Đây sẽ là bài học cho các nhà máy về tính liên kết bền vững trong sản xuất, chế biến và phát triển vùng nguyên liệu, nhất là sự gắn kết chặt chẽ với người nông dân trong việc tạo ra nguyên liệu cho các nhà máy.

Địa bàn Nghệ An hiện có 04 nhà máy sắn và gần 10 cơ sở chế biến sắn nhỏ lẻ tập trung ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Anh Sơn. Lâu nay các nhà máy trên hoạt động khá hiệu quả nhưng trong năm 2017 do thiếu nguyên liệu nên hầu hết các nhà máy phải đóng cửa, kéo theo trên 300 lao động thất nghiệp.

Đình Nguyên