Nghệ An: Hiệu quả giảm nghèo cho đồng bào DTTS từ mô hình trồng cây bời lời đỏ

BVR&MT – Bời lời đỏ là một trong những loại cây thân to lớn thuộc dòng cổ thụ, trồng rừng đang được các công ty, hộ gia đình đồng bào dân tộc miền núi Nghệ An trồng tập trung trên các nương rẫy, vườn nhà và vườn rừng giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường.

Thực hiện chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An về việc giao cho Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở ngành và chính quyền địa phương, xây dựng các mô hình thí điểm trồng cây bời lời đỏ vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Tháng 09 năm 2020 các mô hình đã đến giai đoạn kết thúc dự án, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá, nghiệm thu, xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng các mô hình ra diện rộng và định hướng đầu ra sản phẩm trong thời gian tới.

Đồng chí Lô Xuân Vinh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tham dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết, đánh giá và nghiệm thu mô hình thí điểm trồng cây bời lời đỏ.

Theo đó, Dự án đã lựa chọn 03 hộ gia đình để triển khai trồng thí điểm 4,7ha, tại xã bản Na Lười, Mậu Đức, huyện Con Cuông. Quá trình triển khai thực hiện loài cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, thích nghi ở những khu vực có độ cao 400m – 600m, phù hợp với điều kiện canh tác, sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua hơn 3 năm cây trồng cho phát triển rất tốt, đường kính từ 10cm-20cm; cao khoảng 2,5m-4m. Hiện nay diện tích trồng cây bời lời đỏ của các hộ gia đình đã đến thời kỳ thu hoạch được cành, lá cây để bán cho các cơ sở, đại lý mua để làm bột hương, nấu keo dùng trong công nghiệp.

Hiệu quả về kinh tế, môi trường, xã hội

Cây bời lời đỏ trưởng thành.

Bời lời đỏ là giống cây sống lâu năm, kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, dễ phổ biến rộng, sản phẩm thu hoạch chủ yếu là từ vỏ cây, tuổi trưởng thành cây 4-5 năm là thu hoạch, thời vụ quanh năm, dễ chế biến, bảo quản…mỗi năm thu hoạch đạt từ 80 triệu đồng/ha đến 150 triệu đồng/ha (tương đương khoảng 3-5 tấn vỏ khô, giá bình vào khoảng 22.000đồng/kg-30.000đồng/kg). Ngoài vỏ khô, cây bời lời còn cho nguồn thu nhập thêm từ lá và thân cây, lá cây xay ra dùng để làm bột hương, còn thân cây dùng làm bột giấy và cốt pha xây dựng, đồ mộc…bời lời là cây tái sinh rất mạnh, sau 4-5 năm cho thu hoạch lại lần 2…

Giống cây này đã và đang góp phần làm tăng tỷ lệ che phủ của rừng, tăng sinh khối rừng, từ những diện tích rừng trồng sinh trưởng, phát triển kém, mật độ thấp, thành vườn rừng sản xuất thâm canh có năng suất chất lượng cao tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, cải thiện môi trường sinh thái góp phần nâng độ che phủ rừng .

Hạt của cây bời lời chứa đến 50% tinh chất dầu thơm, thường được ép để lấy dầu sản xuất xà phòng và nến thơm.

Phát triển và nhân rộng diện tích cây bời lời đỏ sẽ góp phần thu hút lao động tạo công ăn việc làm; nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực và góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An; thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức và hiểu biết về pháp luật bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, tạo niềm tin của đồng bào vào sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Hải Sơn