Ngày xuân nói chuyện ông Đồ 

BVR&MT – Người Việt từ xưa có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ, xin chữ. Trong đó, thờ chữ và rước chữ là đối với những chữ của tầng lớp quý tộc, vua chúa. Còn dân gian thì chơi chữ và xin chữ nơi các ông đồ vào những dịp lễ tết trong cộng đồng.

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”.


Những câu thơ ấy của nhà thơ Vũ Đình Liên đã đi vào lòng mỗi người dân Hà Nội và trở thành nét đẹp của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến từ bao đời nay.

Người Việt từ xưa có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ, xin chữ. Trong đó, thờ chữ và rước chữ là đối với những chữ của tầng lớp quý tộc, vua chúa. Còn dân gian thì chơi chữ và xin chữ nơi các ông đồ vào những dịp lễ tết trong cộng đồng. Không chỉ vậy, người Việt đặc biệt nâng niu và trân trọng chữ khi từ bao đời nay, những tấm hoành phi, câu đối trong những khu vực đình chùa, miếu mạo hay trong mỗi gia đình vẫn được sử dụng và luôn được đặt ở những nơi trang trọng và linh thiêng nhất. Như vậy để thấy, vai trò của ông đồ là hết sức to lớn khi ông đồ vừa dạy chữ thánh hiền vừa truyền trao nghệ thuật thư pháp – một hình thức văn hoá xem trọng chữ nghĩa của thánh hiền.

Thế nhưng, qua thời gian, cuộc sống thay đổi, xã hội thay đổi, những nhu cầu về văn hóa, tinh thần cũng được thay đổi. “Ông Đồ” xưa nay đã không còn, thú chơi chữ ngày xuân cũng không còn quá nổi trội như trước nữa. Thế nhưng, không phải vì thế mà nét đẹp này bị mất đi, mà ở một góc nhìn, một phương diện phát triển khác “ông Đồ” nay cũng đã khác mà vẫn gìn giữ được những nét đẹp xưa.

Ở Hà Nội, cứ mỗi dịp chuẩn bị đón xuân, những du khách và những người yêu Nghệ thuật Thư pháp không kể già trẻ, gái trai đều háo hức đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một mặt vào tham quan cảnh đẹp của khu di tích lịch sử nổi tiếng của Hà thành, nơi có hệ thống Bia tiến sỹ trong năm 2010 đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu của thế giới, đồng thời sau khi tham quan du khách vừa đi xem, vừa đi chơi, tận hưởng không khí ngày xuân trong không gian ở Phố chợ Ông Đồ tổ chức ngay phía ngoài khu Văn miếu – Quốc Tử Giám.

Ở Hồ Chí Minh, người mê chữ, có thể đến với phố ông đồ ở Cung Văn hóa Lao động Tp. HCM và Phố ông đồ Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM. Ở các địa điểm này, đều được những người dân và trong “làng ông đồ” hiểu rằng như một mảnh đất lành đề gìn giữ, lan tỏa và phát huy được những nét đẹp truyền thống trong vai trò ông đồ, trong những nét đẹp thư pháp và ý nghĩa nhân văn của truyền thống.

Ngày xưa, ông đồ khăn đóng áo, dài thâm, quần chúc bầu trắng, chòm râu bạc phất phơ thật cốt cách, chải chiếu ngồi mài mực trên vỉa hè. Đàng sau ông giăng đầy những chữ Thần, chữ Phúc và những câu đối viết trên giấy màu đỏ khổ to. Bên nghiêng mực và mấy chiếc bút lông, ông đồ nằm bò trên giấy chăm chú thảo những dòng chữ Hán, chữ Nôm như rồng bay, phượng múa. Phố phường từ đó như rực rỡ thêm bằng những tấm giấy lụa, giấy điều…Như nhắc nhở mọi người rằng Tết đang đến.

Xin chữ ngày tết, không phải là một việc đơn giản như chúng ta thường nghĩ mà đó là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Ông đồ ngày xưa rất được trọng vọng, những nhà có tiền thì mời thầy về tận nhà để dạy chữ cho con cái, những nhà bình thường thì gửi con đến nhà thầy,thầy giỏi học sinh khắp nơi kéo đến học, ngày lễ ngày tết phải sang tết thầy, dân gian có câu: mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy.

Bây giờ, trong thời hiện đại, sự xuất hiện hình ảnh ông đồ “khăn xếp, áo dài” có điều gì đó hơi gượng gạo, khiên cưỡng, nhất là giữa cảnh sống gấp gáp của phố phường cuối năm. Trong mỗi gia đình ngày nay, những “câu đối đỏ”, bức thư họa ngoằn ngoèo cũng không còn chỗ đứng bên cạnh chiếc ti-vi màn hình phẳng và những thiết bị giải trí điện tử đa dạng, lấp lánh.

Theo nhận xét của nhiều người, hình ảnh ông đồ ngày nay không còn biểu thị một nét văn hóa mà đã nhiều phần thương mại hóa. Có nơi, ông đồ là những chàng trai trẻ, chiếc áo dài sặc sỡ chỉ khoác hờ lên bộ quần jean, bày gian hàng để bán những vật lưu niệm, những bức vẽ chữ loằng ngoằng tự gọi là “thư pháp” (!). Chả trách, dù đầu tư nhiều công sức tổ chức nhưng “phố ông đồ” năm sau vắng hơn năm trước, và khách tham quan chủ yếu là những nam thanh nữ tú đến chụp ảnh với các “ông đồ” để trưng lên trang blog, facebook cá nhân như một hình ảnh lạ mắt hơn là tìm hiểu, thưởng thức một nét văn hóa của ngày xưa.

Thế nhưng, dù đã có những tác động của quy luật phát triển hiện đại, song ý nghĩa tốt đẹp và những nét truyền thông trong hình ảnh ông đồ ngày xưa, ngày nay vẫn còn vẹn nguyên một mối liên kết rõ rệt. “Với tâm thế là một người trẻ theo nghiệp bút nghiên thư pháp, tôi vẫn luôn tin rằng truyền thống sẽ luôn được người Việt gìn giữ, trân trọng. Thư pháp xưa, thư pháp nay, hay ông đồ xưa ông đồ nay thì cũng đều góp phần tôn vinh lên nền văn hóa của người Việt chúng ta” – Anh Đoàn Ngọc Tuấn Anh – thành viên CLB Thư pháp Nét Xưa (HCM) chia sẻ.

Đào Xuân