Ngày Lương thực Thế giới 2023: Chung tay gìn giữ tài nguyên nước

BVR&MT – Chủ đề của Ngày Lương thực Thế giới 2023 16/10 là vai trò của tài nguyên nước, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên nước với an ninh lương thực, sức khỏe, hòa bình.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), tài nguyên nước là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Trung bình một ngày mỗi người cần uống từ 2-4 lít nước; để làm ra số lương thực cần dùng cho mỗi con người trong mỗi ngày phải mất từ 2.000-5.000 lít nước.

Chính vì vậy, chủ đề của Ngày Lương thực Thế giới 2023 là về vai trò của nước trong cuộc sống, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng, ổn định xã hội và hòa bình cho thế giới. Gìn giữ nước chính là trọng tâm để các quốc gia trên thế giới đạt những mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Ngày Lương thực Thế giới 2023: Chung tay gìn giữ tài nguyên nước

Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt và hệ thống thuỷ lợi trong trồng trọt, chăn nuôi ngày càng bị ô nhiễm do chịu tác động của biến đổi khí hậu. Với khoảng 70% tổng lượng nước ngọt được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta cần thay đổi, tối ưu hóa cách sản xuất lương thực, thực phẩm. Đây là nhiệm vụ cấp bách, nếu không sớm hành động sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nước sạch không phải là nguồn tài nguyên vô tận và con người không thể xem thường vai trò của nước trong đời sống. Trong hai thập kỷ qua, Trái đất đã mất khoảng 1/5 lượng nước ngọt sẵn có, và đối với một số cộng đồng, thực tế tình trạng còn tồi tệ hơn nhiều. Trên thực tế, ở một số vùng đã mất 1/3 lượng nước ngọt sẵn có, và nếu không hành động ngay, toàn thế giới sẽ mất 1/3 lượng nước ngọt sẵn có vào năm 2050, do sự gia tăng dân số.

Việc tăng trưởng dân số nhanh chóng, đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển kinh tế và khủng hoảng khí hậu đều gây thiệt hại cho tài nguyên nước. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm nước, khai thác quá mức và thiếu sự phối hợp trong quản lý đa lĩnh vực, điều này tạo ra những thách thức chồng chéo. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán và lũ lụt gia tăng đang đe dọa hệ sinh thái, gây ra những hậu quả lường cho an ninh lương thực toàn cầu. Nông hộ nhỏ, người nghèo, phụ nữ, thanh niên, người dân bản địa, người di cư và người tị nạn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Trọng tâm để giải quyết những thách thức chồng chéo này phải là đảm bảo đủ nước cho nông nghiệp đồng thời điều hòa nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế khác, đặc biệt là khi tốc độ đô thị hoá tăng nhanh. Chính phủ các nước cần thúc đẩy và bảo đảm khả năng tiếp cận nước sạch và an toàn thông qua quản lý nguồn tiêu thụ nước, định giá hợp lý, xây dựng chính sách, biện pháp đo lường, vận động các bên liên quan cùng tham gia. Con người cần chung tay phát triển tài nguyên nước và đất, qua đó đảm bảo an sinh xã hội mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái trái đất.

Để đạt được những mục tiêu này cần sự phối hợp cấp quốc gia và khu vực. Hơn nữa, việc đầu tư các biện pháp quản lý nước hiệu quả, sáng tạo và tiên tiến là rất quan trọng, bao gồm công nghệ tưới tiêu và lưu trữ hiện đại cũng như các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học để giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm tác động của thiên tai. Thông qua việc hiểu được mối quan hệ nước-thực phẩm-năng lượng, con người có thể xây dựng một xã hội kiên cường và biết cách sử dụng nước một cách hiệu quả, tiết kiệm.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) hiện đã và đang nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên. Chẳng hạn ở vùng Sahel, FAO đang cung cấp kỹ thuật cơ giới hóa cho nông dân để cải thiện cơ sở hạ tầng nước, hỗ trợ phụ nữ nông thôn và các hộ gia đình tiếp cận nước sạch. Ngoài ra, diện tích đất được tưới tiêu cung cấp 40% lương thực trên toàn cầu, song chỉ 20% đất trồng trọt sử dụng hệ thống thủy lợi. Con số này cho thấy tiềm năng này vẫn chưa được khai thác.

Để có thể phát huy tiềm năng nói trên, FAO đang phát triển bản đồ tưới tiêu toàn cầu, xác định những địa phương cần sử dụng hệ thống thủy lợi, đồng thời tổ chức cũng mong muốn được hợp tác với các quốc gia để tiếp tục mở rộng dự án. Các cơ chế tài chính và đầu tư thích hợp ở quy mô lớn cũng là chìa khóa để xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng nước. Bên cạnh đó, các giải pháp ứng phó, chống chịu cũng quan trọng không kém. Các quốc gia cần ưu tiên xây dựng hạ tầng xanh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thủy sản, cũng như nâng cao chất lượng nước và bảo vệ đa dạng sinh học. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho người nông dân và cảnh quan nông thôn. Ví dụ, ở Sri Lanka và Zambia, FAO đang thí điểm các cánh đồng lúa đa chức năng để vừa nuôi cá, tôm, vừa sản xuất lúa gạo.

Các chính phủ cần thiết kế các chính sách dựa trên khoa học và bằng chứng nhằm tận dụng dữ liệu và đổi mới, đồng thời phối hợp giữa các ngành để lập kế hoạch và quản lý nước tốt hơn. Nước, năng lượng và thực phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và để các chính sách thành công, quan trọng là chúng ta cần dung hòa những nhân tố có tính cạnh tranh, không để lợi ích của nhóm nhỏ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái. Bên cạnh đó, những người nông dân cũng cần hiểu cách quản lý nước và được trang bị các công cụ phù hợp để thực hiện chức năng đó một cách bền vững.

Cộng đồng nông dân gồm những người sống phụ thuộc vào tài nguyên nước, đất, rừng, những người làm việc trong lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản và trồng trọ, họ cần được hỗ trợ và khuyến khích để chủ động tìm hiểu và thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước sạch. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần chung tay quản lý nước, phải đưa ra những cam kết cụ thể nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng nước và giảm ô nhiễm trên toàn chuỗi cung ứng. Việc quản lý nước một cách nghiêm túc không những có thể nâng cao danh tiếng và lợi nhuận của họ, mà còn giúp họ tránh được những rủi ro mà tình trạng khan hiếm nước, lũ lụt có thể gây ra cho các hoạt động trong tương lai.

Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh rằng, tất cả chúng ta cần ngừng coi nước là tài nguyên vô hạn, chung tay tiết kiệm nước, và đóng góp những hành động tích cực nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tác động của thiên tai, hạn hán. Như vậy, con người mới có thể xây dựng được một tương lai thịnh vượng. Con người chính là trọng tâm để đạt được những gì mà FAO gọi là “Bốn điều tốt hơn” – sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Sơn Tinh

Tags: ,
CHIA SẺ