Ngày 8/3, Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19

BVR&MT – Ngày 8/3 bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 vùng có dịch ở Việt Nam; Kon Tum: Lật xe khách trên Quốc lộ 14 khiến 19 người bị thương; Nhiều địa phương của Campuchia đối mặt nguy cơ bùng phát dịch;… là một số tin tức trong nước và thế giới đáng chú ý trong ngày 7/3.

Kho lạnh bảo quản vắc xin AstraZeneca tại TP. HCM
Kho lạnh bảo quản vắc xin AstraZeneca tại TP. HCM

Ngày 8/3 bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 vùng có dịch ở Việt Nam

Theo đại diện Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) cho biết ngày 7/3, chuyến bay chở lô vắc xin AstraZeneca đầu tiên đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 22h30 ngày 6/3. Chiều 7/3 đã có thêm một chuyến bay chở một lô vắc xin nữa đến Hà Nội.

Toàn bộ lô vắc xin được chuyển đến kho trung tâm của VNVC tại quận Đống Đa để bảo quản. Từ sáng sớm 8/3, từ kho trung tâm sẽ chuyển vắc xin đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Hải Dương để tiêm chủng cho những nhân viên y tế đầu tiên.

Theo kế hoạch, ngày 8/3, những mũi vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên sẽ được triển khai tiêm tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Vắc xin sẽ sử dụng là vắc xin AstraZeneca đã được Tổ chức Y tế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng. Cập nhật đến 25/2/2021, vắc xin này đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam.

Vắc xin này do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience, Hàn Quốc.

Vắc xin AstraZeneca ở dạng dung dịch, đóng 10 liều/lọ, mỗi liều 0,5 ml và được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. Mỗi người sẽ tiêm 2 mũi, cách nhau 12 tuần. Vắc xin này có chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.

Để đảm bảo công tác tiêm chủng được thực hiện tốt nhất, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng lưu ý: “Đối với y tế các tuyến, trước khi tiêm chủng, cần chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh để bảo quản vaccine nhằm bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc xin. Tại các điểm tiêm chủng, phải luôn luôn chú ý có hội chứng sốc. Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất đầy đủ về phác đồ phòng chống sốc cho người lớn, khác với Chương trình Tiêm chủng mở rộng, chỉ trang bị các phương tiện phòng chống sốc, phác đồ phòng chống sốc cho trẻ em”.

PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay, do nguồn cung vắc xin, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin. Những đối tượng này cần trao đổi về tiền sử bệnh và các vấn đề liên quan… để được cán bộ y tế hướng dẫn, xử trí.

Trước đó, 117.600 liều vắc xin AstraZeneca đầu tiên về tới Việt Nam vào sáng 24/2, được bảo quản tại kho lạnh của VNVC tại TP. HCM.

Trong đợt tiêm đầu tiên, Bộ Y tế sẽ phân cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 13 tỉnh, thành phố có dịch 71.000 liều, Bộ Quốc phòng 30.000 liều, 21 cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 số lượng 5.200 liều.

Kon Tum: Lật xe khách trên Quốc lộ 14 khiến 19 người bị thương

Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.

Ngày 7/3, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã xảy ra vụ lật xe khách giường nằm khiến 19 người bị thương.

Cụ thể, vào khoảng 16 giờ ngày 7/3, xe khách mang biển kiểm soát 36B–03406 đang lưu thông trên Quốc lộ 14 theo hướng từ Kon Tum đi ra phía Bắc. Khi đến địa phận xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, do xe khách tránh một xe tải khác (chưa rõ biển kiểm soát) nên đã mất lái và lật vào bên đường. Qua quan sát, vào thời điểm trên, địa bàn xã Đăk Dục đang xảy ra mưa lớn khiến mặt đường trơn trượt.

Được biết, khi xảy ra tai nạn, trên xe khách có 19 hành khách và nhân viên. Trạm Cảnh sát Giao thông huyện Ngọc Hồi (Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Kon Tum) đã lập tức có mặt tại hiện trường để giải cứu những người bị mắc kẹt trong xe và phân luồng, điều tiết giao thông.

Đến chiều tối cùng ngày, toàn bộ hành khách và nhân viên trên xe đều an toàn và chỉ bị thương nhẹ, không xảy ra thiệt hại về người.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Nhiều địa phương của Campuchia đối mặt nguy cơ bùng phát dịch

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia.

Bộ Y tế Campuchia ngày 7/3 cho biết thêm nhiều địa phương đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” ở thủ đô Phnom Penh chính thức lan ra 5 tỉnh Preah Sihanouk, Kandal, Svay Rieng, Kampong Thom và Prey Veng.

Theo Bộ Y tế Campuchia, tình hình lây nhiễm tại thành phố Sihanoukville (tỉnh Preah Sihanouk) được cho là nghiêm trọng nhất với 110 trường hợp lây nhiễm (15 ca mới phát hiện). Những ca lây nhiễm này đã gây ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế-xã hội, đặc biệt là dịch vụ du lịch và sòng bạc của thành phố duyên hải vốn thu hút lượng đông đảo du khách nước ngoài.

Từ đêm 3/3, chính quyền Sihanoukville chính thức ban bố lệnh phong tỏa, hạn chế ra vào thành phố này, ngoại trừ các phương tiện chuyên chở hàng hóa, cứu thương và những hoạt động liên quan đến an ninh trật tự. Hiện đã có thêm 35 địa điểm công cộng và cơ sở lưu trú tại Sihanoukville bị phong tỏa do liên quan đến các ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng.

Trước đó, chính quyền tỉnh Kandal (giáp ranh thủ đô Phnom Penh) đã cách ly 723 người tại sòng bạc Yong Yuan (huyện Koh Thom) sau khi một người đàn ông Trung Quốc tại địa điểm này bị phát hiện nhiễm COVID-19.

Tính đến 8h sáng 7/3, Bộ Y tế Campuchia xác nhận trên cả nước có thêm 34 trường hợp lây nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lên 987 trường hợp, trong đó 510 ca đã bình phục./.