BVR&MT – Chương trình bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Hưng Yên là một thể thống nhất với các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực an sinh và xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cá nhiệm kỳ đã đề ra. Chương trình xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh và góp phần tạo nền tảng cơ bản để Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp.
Từ sau khi có Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng khóa VII, ngày 14/01/1993 về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành TW (khóa XII); Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 04/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 09/3/2017 thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025.
Đến nay, nhiều chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt hoặc cao hơn chỉ tiêu chung của toàn quốc. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến nay, tuyến tỉnh có 02 bệnh viện đa khoa, 06 bệnh viện chuyên khoa và 04 trung tâm, 02 chi cục; tuyến huyện có 10 trung tâm y tế và 155 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Trước diễn biến phức tạp của khí hậu và tình hình dịch bệnh đặc biệt là bệnh: Vi-rút corona (COVID-19), Sởi, tay chân miệng, bệnh tiêu chảy cấp, ho gà, bệnh mới nổi như bệnh viêm phổi lạ…Ngành Y tế tỉnh Hưng Yên luôn thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, đảm bảo dự phòng tích cực không có dịch lớn xảy ra trên địa bàn góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn, duy trì các thành quả đạt được.
Thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, hiệu quả hoạt động mạng lưới cung ứng dịch vụ, trước hết là mạng lưới y tế cơ sở được đảm bảo; mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng; đa dạng hóa dịch vụ y tế, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, dịch vụ y tế tư nhân.
Có sự phối hợp, kết nối và lồng ghép tốt giữa các tuyến tỉnh và tuyến huyện; tăng cường sự hỗ trợ của các bệnh viện trung ương; phối hợp chặt chẽ giữa dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và dịch vụ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phát huy vai trò của các đơn vị y tế chuyên sâu, y tế kỹ thuật cao trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn cho toàn mạng lưới cung ứng dịch vụ.
Hiện nay đang duy trì và phát triển đề án bệnh viện vệ tinh, như: Bệnh viện đa khoa Phố Nối là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện đa khoa tỉnh làm bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Sản Nhi làm bệnh viện vệ tinh cho bệnh viện Phụ Sản trung ương và bệnh viện Nhi trung ương.
Bệnh viện đa khoa tỉnh đang phát triển khu xạ trị điều trị ung thư, thực hiện kỹ thuật mới về can thiệp mạch như mổ tim, ấn nút động mạch gan trong điều trị ung thư gan… TTYT Văn Giang và TTYT Ân Thi thực hiện liên doanh liên kết với bệnh viện Mắt Trung ương mổ phaco tại đơn vị, TTYT Tiên Lữ thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo…. Các kỹ thuật mới được tăng lên tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Một số bệnh viện, trung tâm y tế đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào công tác chẩn đoán, điều trị bệnh, tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên các bệnh viện Trung ương giảm bình quân 01%/ năm. Hệ thống y tế ngoài công lập phát triển cả về số lượng và quy mô, tạo điều kiện cho người dân có thể lựa chọn các dịch vụ khám, chữa bệnh.
Hàng năm, ngân sách tỉnh ưu tiên một phần kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đến nay đã có 3 đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự chủ chi thường xuyên 100% (Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa Phố Nối).
Hưng Yên là quê hương của Hải Thượng Lãn Ông, nơi có bề dày truyền thống, có tiềm năng về y học cổ truyền, có vùng chuyên canh trồng cây thuốc nhiều năm nay. Hệ thống khám, chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền đã được quan tâm xây dựng ở cả tuyến tỉnh và cơ sở. Đến nay, tỉnh có 01 bệnh viện Y học cổ truyền, 02 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa Y học cổ truyền và 10 trung tâm y tế có khoa hoặc bộ phận y học cổ truyền, với gần 300 giường bệnh; đảm bảo trung bình hàng năm 30.200 lượt người bệnh được điều trị bằng thuốc và các biện pháp cổ truyền, đã góp phần đáng kể trong việc phát huy thế mạnh về y học cổ truyền và kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn điều trị bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, tác động cột sống, 135/155 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về YHCT.
Quyền lợi trong khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT từng bước được mở rộng. Công tác khám, chữa bệnh đối tượng BHYT tại các cơ sở y tế công lập có nhiều tiến bộ, đồng thời đã thu hút một số cơ sở y tế ngoài công lập cùng tham gia. Ngành y tế và ngành Bảo hiểm xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm giảm bớt các thủ tục phiền hà, nâng cao chất lượng phục vụ các đối tượng tham gia BHYT. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia các loại hình bảo hiểm được đổi mới, đạt hiệu quả, nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế từ 24,1% (năm 2005) lên 71,62% (năm 2015) và 90,5% năm 2019.
Thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và điều hành, duy trì 100% các văn bản, tài liệu chính thức được thực hiện trên mạng điện tử; 100% cán bộ, công chức viện chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc, bảo đảm các dữ liệu điện tử phục vụ hầu hết các hoạt động trong cơ quan.
Đã chỉ đạo các đơn vị khám, chữa bệnh trong toàn ngành thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đến khám, điều trị nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và tiết kiệm thời gian cho người bệnh:
Các cơ sở khám, chữa bệnh đã cử cán bộ tham gia khóa đào tạo Hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh BHYT theo chương trình của Bộ Y tế; Hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh chưa đồng nhất, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh BHYT; Đảm bảo thực hiện gửi dữ liệu điện tử thường xuyên, liên tục phục vụ giám định dữ liệu điện tử; Thực hiện chuẩn hóa, ánh xạ, đề xuất danh mục dùng chung gửi Sở Y tế, Bộ Y tế; Thực hiện chuyển dữ liệu điện tử khám chữa bệnh BHYT đến Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của cơ quan BHXH thông qua ứng dụng liên thông; Thực hiện trích xuất dữ liệu theo kế hoạch và quy định của Bộ Y tế.
Hướng tới sự hài lòng của người bệnh theo Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế là một trong những nội dung thi đua quan trọng trong những năm qua của Sở Y tế Hưng Yên. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND tỉnh, hàng năm, Sở Y tế xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện dân chủ ở cơ sở, Quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế “Xanh – Sạch – Đẹp”, chất lượng bệnh viện hướng tới sự hài lòng của người bệnh, người dân triển khai trong toàn ngành.
Trong những năm qua, Sở Y tế Hưng Yên luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác được cấp trên giao, hướng tới mục tiêu chung vì sức khỏe nhân dân. Ðưa các mục tiêu và nhiệm vụ trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và của từng địa phương. Ðẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa một cách hợp lý, phát triển y tế tư nhân, ưu tiên phát triển các bệnh viện tư, tăng cường quản lý chất lượng và giá dịch vụ y tế tư nhân. Ðẩy mạnh phối hợp y tế công và y tế tư nhân để phục vụ cho mục tiêu chung vì sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác truyền thông về quản lý môi trường y tế. Tiếp tục đầu tư xây mới công trình hệ thống xử lý nước thải và duy tu bảo dưỡng các công trình đã xuống cấp để bảo vệ môi trường…
Hoàng Tôn