Ngành thủy sản cần liên kết chặt chẽ hơn

BVR&MT – Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 ước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4%. Trong đó hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017, tuy nhiên theo nhìn nhận của ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để giữ vững và gia tăng giá trị xuất khẩu ngành thủy sản đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ hơn nữa.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

Phát triển các giá trị chuỗi trong ngành thủy sản cần đồng bộ khâu đánh bắt, chế biến và sản xuất. Bên cạnh đó việc nhanh chóng tiếp cận công nghệ bảo cho các chuỗi giá trị này mới đảm bảo được tính ổn định của việc phát triển các giá trị chuỗi trong ngành thủy sản.

Ông nhìn nhận thế nào về tình hình liên kết chuỗi trong ngành thủy sản hiện nay?

Ông Trần Đình Luân: Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản, việc tổ chức lại sản xuất, liên kết là một trong những giải pháp đã được đề ra. Trong thời gian vừa qua, rất nhiều chuỗi đã được hình thành, ví dụ là chuỗi sản xuất tôm ở 3 tỉnh Sóc trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Chuỗi sản xuất này thể hiện liên kết từ vật tư đầu vào đến nhà máy chế biến và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Một ví dụ khác là chuỗi sản xuất cá tra đã được hình thành liên kết từ vùng sản xuất giống, đến vùng nuôi và đến nhà máy chế biến… những kết quả đó thể hiện chuỗi liên kết đã từng bước phát huy hiệu quả.

Hiệu quả rõ nét nhất được thể hiện ở các giá trị xuất khẩu như: cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, tăng gần 14%; nhuyễn thể 785 triệu USD, tăng 9,1%; giáp xác 145 triệu USD, tăng 23%..

Gia tăng chuỗi liên kết chỉ trong sản xuất liệu có đem lại được hiệu quả kinh tế cao trong ngành thủy sản không thưa ông?

Ông Trần Đình Luân: Hiện nay số lượng chuỗi ngày một tăng lên, không chỉ ở sản xuất mà cả lĩnh vực khai thác thủy sản. Chúng ta thấy hiện nay các tổ đội sản xuất trên biển đã hình thành, tàu dịch vụ hậu cần vận chuyển thủy sản được tăng lên, đã tổ chức để kết nối từ tàu khai thác đến tàu hậu cần dịch vụ đến nhà máy chế biến, đảm bảo chúng ta giảm được tổn thất và nâng cao chất lượng. Điều này cũng đáp ứng cầu hiện nay là không được vi phạm khai thác bất hợp pháp và truy xuất hồ sơ nguồn gốc khai thác, thủy sản chúng ta đánh bắt được phải minh bạch, rõ ràng, công khai.

Đối với các sản phẩm nuôi trồng thì chúng ta thấy rõ là các sản phẩm giá trị gia tăng thể hiện ở việc nguyên liệu của chúng ta khi về đến nhà máy, nó đảm bảo chất lượng, đảm bảo số lượng và quy cách đề ra. Đối với khai thác hải sản trên biển, chúng ta cũng thấy là các sản phẩm chế biến hiện nay, chúng ta thấy như cá ngừ sản lượng khai thác giảm nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng đến 10%. Như vậy, thông qua các chuỗi liên kết thì các chất lượng nguyên liệu đưa đến nhà máy, đưa đến khu vực chế biến của chúng ta đã được nâng lên rõ rệt. Việc đó góp phần lớn trong gia tăng giá trị kinh tế của các sản phẩm thủy sản.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4%.

Để phát triển ngành hàng xuất khẩu ổn định đòi hỏi chúng ta phải có được lượng sản phẩm lớn và đồng đều. Ông đánh giá việc thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất thủy sản sẽ thúc đẩy yếu tố này như thế nào?

Ông Trần Đình Luân: Hiện nay một số doanh nghiệp lớn vừa nuôi, vừa sản xuất giống, vừa có nhà máy chế biến… Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp đó vẫn thấp so với tổng thể ngành thủy sản, vì thế để cần đảm bảo đồng đều về mặt chất lượng sản phẩm, đảm bảo đủ về mặt số lượng để phục vụ cho chế biến xuất khẩu thì việc liên kết giữa các khu vực sản xuất lại với nhau là điều cần thiết.

Có được liên kết giữa các khu vực thì việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào mới thực sự hiệu quả cao về kinh tế. Từ đó, việc tổ chức truy xuất nguồn gốc tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay là việc áp dụng các tiêu chuẩn cho việc xuất khẩu, nếu chúng ta không tổ chức liên kết, để cho các hộ nhỏ lẻ làm thì hiệu quả không cao.

Để làm được điều này cần sự vào cuộc của các thành phần tham gia, để đảm bảo sản phẩm sản xuất tốt đến đúng với các địa chỉ chế biến và xuất khẩu tốt. Việc thực hiện các công đoạn này cũng đòi hỏi được công khai minh bạch và quan trọng là cân đối lại các giá trị trong các thành phần trong chuỗi và đảm bảo hiệu quả để người dân yên tâm đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn mà người tiêu dùng mong muốn.

Định hướng phát triển chuỗi trong ngành đã có, vậy ngành thủy sản còn cần yếu tố gì để đảm bảo việc phát triển thị trường bền vững hơn trong thời gian tới?

Ông Trần Đình Luân: Khó khăn trước mắt chúng ta là cần dồn lực để gõ bỏ “thẻ vàng” của EU. Hiện nay, Tổng cục Thủy sản ngoài hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (EU đã cơ bản đồng thuận chúng ta về các quy định) thì còn nhiều khó khăn trong việc triển khai trên thực tế mới là quan trọng. Chúng tôi xác định việc thường xuyên liên tục tới đây là sẽ tiếp tục rà soát với các địa phương để triển khai các nội dung của Luật Thủy sản, đặc biệt là công tác xác nhận, chứng nhận, công tác điều tra nguồn lợi, công tác quy hoạch số lượng tàu thuyền, quy hoạch về khai thác làm sao để nó phù hợp với quy định của EU.

Nhìn về công tác chế biến, đối với các nhà máy chế biến đều đạt những tiêu chuẩn quy chuẩn mà các nước nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU đã đánh giá và công nhận. Tuy nhiên, với mục tiêu trong tái cơ cấu của chúng ta là phải chế biến sâu và tăng cường chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, đặc biệt là không để nguyên liệu dư thừa.

Để thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian tới chúng tôi thấy cần đầu tư khoa học công nghệ, tận dụng một cách tốt nhất nguồn nguyên liệu chúng ta sẵn có, biến những sản phẩm có giá trị gia tăng có thể phục vụ cho con người, phục vụ cho ngành y tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn phát triển thị trường, đối với mỗi sản phẩm mới chúng ta cần có hỗ trợ của toàn hệ thống, đặc biệt chúng tôi mong muốn các cơ quan của chúng ta ở nước ngoài, tìm hiểu, điều tra và hướng được ngành thủy sản tiếp cận thị trường nhanh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất.