Ngành hàng không mở tiếp chiến dịch ngăn nạn buôn lậu động vật hoang dã

BVR&MT – Hai tổ chức ROUTES Partnership và United For Wildlife vừa bắt tay khởi động Chiến dịch “Bước lên để ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã” nhằm khuyến khích tất cả các công ty hàng không tham gia chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã.

Ngoài ra, Trưởng nhóm ROUTES Michelle Owen cũng thảo luận với Tạp chí International Airport Review về nội dung chiến dịch và cách các sân bay có thể hoạt động để chống lại vấn đề toàn cầu về buôn bán động vật hoang dã.

Ảnh: ROUTES Partnership

Mục đích của Chiến dịch nhằm nêu bật cách các công ty trong toàn ngành đang nỗ lực giúp chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã và truyền cảm hứng cho các công ty tăng cường nỗ lực của họ. Hướng dẫn Chiến dịch đề xuất các hành động mà các công ty có thể thực hiện thông qua các bước “Thiết lập”, “Hiển thị”, “Lên tiếng” và “Theo dõi”, phù hợp với năng lực của nhiều đơn vị. Các công ty được khuyến khích và hướng dẫn tận dụng nguồn lực để tổ chức các sự kiện nâng cao nhận thức, đào tạo và/hoặc thực hiện đánh giá rủi ro buôn bán động vật hoang dã. Với khẩu hiệu “Tội phạm động vật hoang dã không bay cùng chúng ta”, Chiến dịch gửi một thông điệp rõ ràng đến những kẻ buôn bán động vật hoang dã rằng tội ác của chúng không được dung thứ.

Các báo cáo về các vụ bắt giữ động vật hoang dã trong suốt năm 2020 cho thấy mặc dù việc đi lại bị hạn chế nhưng những kẻ buôn lậu vẫn tận dụng cơ hội để vận chuyển hàng lậu qua hệ thống vận tải hàng không. Dù vậy, các báo cáo cũng ghi nhận một số kết quả trong việc thực thi pháp luật và nhấn mạnh sự phối hợp giữa các công ty hàng không và cơ quan thực thi pháp luật có thể khiến chuỗi cung ứng bất hợp pháp bị gián đoạn.

Trong những năm gần đây, nhận thức về nạn buôn bán động vật hoang dã thông qua các sân bay được cải thiện nhiều hơn và ngày càng nhiều công ty nhận ra tiềm năng để trở thành một phần của giải pháp, trong đó có sự hỗ trợ không nhỏ từ Sáng kiến đối tác nhằm giảm cơ hội vận chuyển trái phép các loài nguy cấp (ROUTES ) của USAID và Lực lượng đặc nhiệm vận chuyển của United For Wildlife (UFW), được thành lập bởi Quỹ Hoàng gia của Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge.

Năm 2019, ROUTES và UFW cùng khởi động chiến dịch tương đương mang tên Spring Into Action nhằm tập hợp các sân bay và hãng hàng không thực hiện 5 bước để tăng cường hành động chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã. Năm 2020, ngành hàng không hứng chịu đòn giáng nặng nề từ Covid-19, buộc phải dừng toàn bộ hoạt động và tội phạm động vật hoang dã cũng vì vậy mà tạm ngưng. Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số khu vực, tội phạm động vật hoang dã vẫn tìm cách thu lợi từ tình hình bất ổn. Đơn cử, việc hạn chế du lịch ở châu Phi trong thời gian đóng cửa đã khiến nguồn ngân sách cho các khu bảo tồn bị cắt giảm. Điều này đồng nghĩa với việc tuần tra trong các khu vực bảo tồn bị gián đoạn và những kẻ săn trộm đã lợi dụng tình hình này để tấn công. Hiện nay, việc đi lại bằng đường hàng không dần được khôi phục, những kẻ buôn bán động vật hoang dã cũng tăng cường nối lại các tuyến buôn lậu trên bầu trời, do đó, một số sân bay đang tăng cường phòng thủ để chống nạn buôn bán động vật hoang dã hiệu quả hơn.

Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe (LAC) – nơi nắm giữ 40% đa dạng sinh học của thế giới, LAC vừa là điểm đến tuyệt vời cho những người yêu thích động vật hoang dã, vừa trở thành mục tiêu của những kẻ săn trộm. Do đó, USAID đặc biệt hỗ trợ các đường bay ở khu vực này thông qua các báo cáo phân tích chi tiết xu hướng buôn bán qua ngành hàng không của LAC, cung cấp các tài liệu đào tạo bằng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tổ chức một loạt hội thảo trực tuyến.

Phía Hiệp hội các hãng hàng không châu Á Thái Bình Dương (AAPA) cũng đang khuyến khích các thành viên chống lại nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã. “Chúng tôi cam kết giải quyết vấn đề buôn bán động vật hoang dã quốc tế và đang thực hiện phần việc của mình để nâng cao cảnh giác cũng như an ninh chuyến bay nhằm chống lại các hoạt động bất hợp pháp này”, Tổng giám đốc AAPA Subhas Menon chia sẻ.

Nhằm tôn vinh một số đối tác đang thực hiện các bước quan trọng để bảo vệ động vật hoang dã, ROUTES đã phát hành một loạt video tiêu điểm đối tác vào tháng 6/2021 gắn liền với Chiến dịch. Các video cung cấp cái nhìn tổng quan về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp cùng những rủi ro mà nó gây ra, đồng thời ủng hộ những người thực hiện hành động sau hậu trường tại các sân bay để ngăn chặn các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp.

Huyền Trang (Theo internationalairportreview.com)