Ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu thúc đẩy mất sinh cảnh

BVR&MT – Ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu đang gây ra những thiệt hại sinh thái nhanh chóng và sâu rộng, có thể khiến 90% các vùng đất có động vật hoang dã sinh sống mất đi vào năm 2050, theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Sustainability.

Cháy rừng ở CHDC Congo do nông dân đốt. (Ảnh: Hugh Kinsella Cunningham/EPA)

Theo đó, trừ phi ngành thực phẩm chuyển đổi nhanh chóng cả ở những sản phẩm con người ăn uống và cách sản xuất ra thực phẩm, thế giới sẽ đối diện với tình trạng mất sinh cảnh nhanh chóng vào những thập kỉ tới.

Tác giả chính David Williams thuộc Đại học Leeds cho rằng phải thực hiện những thay đổi mang tính cốt lõi để cứu hàng triệu km vuông sinh cảnh tự nhiên mất đi vào năm 2050.

“Thật không may, chúng ta cần thay đổi ở những sản phẩm con người ăn uống và cách sản xuất ra thực phẩm nếu muốn cứu các loài hoang dã ở quy mô toàn cầu”.

Nhóm nghiên cứu gồm các học giả thuộc Đại học Leeds và Đại học Oxford đánh giá về vai trò của hệ thống thực phẩm tác động đến đa dạng sinh học và phát hiện rằng những nơi bị thiệt hại nặng nhất là ở tiểu vùng Sahara châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Theo đồng tác giả chính của nghiên cứu Michael Clark thuộc Đại học Oxford, những thủ thuật bảo tồn mang tính công ước như thành lập các khu bảo tồn mới hoặc ban hành chính sách cho những loài cụ thể là cần thiết nhưng nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “giảm áp lực quan trọng tới đa dạng sinh học, chẳng hạn như sản xuất nông nghiệp”.

Nghiên cứu đi sâu vào tìm hiểu tác động tiềm tàng của việc thực hiện những thay đổi đầy tham vọng ở các khu vực hoặc quốc gia cụ thể, từ việc bớt ăn thịt cho tới giảm lãng phí và rác thực phẩm, từ tăng năng suất cây trồng cho tới quy hoạch sử dụng đất ở quy mô quốc tế.

Các tác giả cho rằng cách tiếp cận đa dạng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách xác định thay đổi nào mang lại lợi ích lớn nhất cho quốc gia hoặc khu vực, chẳng hạn tăng năng suất nông nghiệp sẽ có lợi lớn cho đa dạng sinh học ở tiểu vùng Sahara châu Phi nhưng không mấy hiệu quả với vùng có năng suất cao sẵn như Bắc Mỹ.

Ngược lại, chuyển đổi sang chế độ ăn uống lành mạnh hơn sẽ mang lại lợi ích lớn cho Bắc Mỹ, nhưng không mấy tác dụng ở những vùng tiêu thụ ít thịt và an ninh lương thực không ổn định.

Chuyên gia Clark chia sẻ: “Điều quan trọng là chúng ta phải làm mọi điều đã nêu. Không cách tiếp cận nào đủ hiệu quả nếu đứng riêng rẽ. Nhưng với sự phối hợp toàn cầu và hành động nhanh chóng, chúng ta có thể đáp ứng được chế độ ăn uống lành mạnh cho dân số toàn cầu vào năm 2050 mà không làm mất nhiều sinh cảnh”.

Thế Anh (Theo Guardian)