Ngang nhiên phá rừng phòng hộ để trồng bạch đàn tại Gia Lai

BVR&MT – Vụ việc xảy ra từ tháng 3 đến đầu tháng 9/2021, cho đến khi diện tích 23ha rừng bị phá đã trồng bạch đàn thì lực lượng chức năng của huyện mới phát hiện, ngăn chặn.

Đối tượng ngang nhiên dựng lều bạt, đưa máy móc vào rừng cày ủi, trồng bạch đàn.

Vụ xâm phạm rừng nghiêm trọng này không chỉ cho thấy sự liều lĩnh của các đối tượng vi phạm, mà còn bộc lộ sự bất cập trong việc giao rừng, quản lý rừng ở địa phương.

Hơn 34ha rừng phòng hộ tại các khoảnh 1, 2 và 4, Tiểu khu 1065, thuộc lâm phần quản lý của UBND xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai bị phá, cày, san ủi.

Quan sát tại hiện trường cho thấy, trong số hơn 34ha rừng phòng hộ tại đây, có hơn 23,5ha đã được trồng bạch đàn, 11ha còn lại gần như đã bị san ủi. Hiện trường còn lại là gốc cây rừng bị cưa hạ đã được dọn sạch chuẩn bị cho việc trồng bạch đàn. Đáng nói hơn, với những gì còn lại tại hiện trường như lều bạt với đầy đủ những vật dụng sinh hoạt và cả máy móc cho thấy, các đối tượng đã công khai phá rừng trong thời gian dài nhưng cơ quan chức năng không hề phát hiện.

Ông Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã H’Bông, huyện Chư Sê cho biết, giữa năm 2019, khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa bị giải thể, địa phương được chuyển giao hơn 3.800ha rừng, trong đó có hơn 2.100ha là rừng phòng hộ nhưng không được bố trí phương tiện và lực lượng chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ.

Rừng phòng hộ bị cày ủi để trồng bạch đàn.

Đã vậy, lâm phần của địa phương được giao quản lý là rừng giáp ranh với 2 huyện Phú Thiện và Mang Yang; địa hình hẻo lánh lại bị chia cắt bởi hồ thủy lợi AYun Hạ khá rộng, cả đi và về khoảng 100km cũng khiến cho việc giữ rừng gặp nhiều khó khăn.

Bà Rmah H’Bé Nét, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, Gia Lai nhận định, vụ xâm phạm này rất nghiêm trọng vì đây là rừng phòng hộ lại diễn ra trong suốt thời gian dài.

“Năm 2021, huyện Chư Sê có dịch Covid-19. Xã H’Bông có 1 thôn phải thực hiện phong tỏa, cả hệ thống chính trị tập trung vào chống dịch, lực lượng mỏng, kiểm soát không đầy đủ. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương…”, bà Rmah H’Bé Nét cho biết thêm.

Liên quan vụ phá rừng nghiêm trọng này, ông Thái Thượng Hải, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Chư Sê, cho biết, đơn vị đang tích cực điều tra, làm rõ các đối tượng vi phạm.

Cả một vùng rừng phòng hộ hồ thủy lợi AYun Hạ bị biến thành đồi trọc.

“Xác định đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng, Hạt Kiểm lâm đã cùng các ngành chức năng như: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát… khám nghiệm hiện trường. Bước đầu, đã triệu tập các đối tượng, lấy lời khai, xác định rõ kẻ chủ mưu hành vi vi phạm này. Với diện tích rừng bị san ủi, cày phá lớn, đặc biệt là rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện kiên quyết đấu tranh, truy tìm đối tượng vi phạm, xử lý nghiêm theo pháp luật”, ông Hải nói.

Cùng việc chỉ đạo tích cực điều tra, làm rõ vụ việc, UBND huyện Chư Sê đã khẩn trương báo cáo vụ việc tới UBND tỉnh Gia Lai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Tuy nhiên, qua vụ việc trên cho thấy, những bất cập trong việc giao rừng cho địa phương, trong khi lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đều là cán bộ kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn và kinh nghiệm; diện tích quản lý lại nằm rất xa trung tâm… Đây cũng chính là những bất cập đang tồn tại ở hầu hết các địa phương có rừng tại Tây Nguyên.