Ngang nhiên cưa hạ rừng thông hơn 20 năm tuổi tại Lâm Đồng

BVR&MT – Trên những quả đồi nằm sát cung đường ô-tô đến tận nơi, thuộc tiểu khu 261b, địa bàn xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (người dân thường gọi khu vực “núi lửa”), hàng loạt cây thông ba lá hơn 20 năm tuổi bị triệt hạ nằm ngổn ngang. Gần đó là những khu vườn sản xuất của người dân.

Nhiều gốc thông bị cưa hạ còn ứa nhựa.

Tại hiện trường ngày 7/10, tại khoảnh 1, tiểu khu 261b, phóng viên chứng kiến hàng loạt cây thông đường kính trung bình từ 15 đến 30cm, bị các đối tượng dùng cưa máy triệt hạ gần sát gốc, nằm la liệt. Nhiều gốc thông bị cưa hạ vẫn còn ứa nhựa. Trao đổi nhanh tại hiện trường, ông Thái Văn Chí, cán bộ quản lý tiểu khu 261b, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, cho biết: “Vụ việc này chúng tôi phát hiện cách đây vài ngày. Do các đối tượng phá rừng lén lút vào ban đêm và các ngày nghỉ, nên chưa bắt được quả tang. Việc này đã được chúng tôi báo cáo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có phương án bố trí lực lượng canh gác, mật phục bắt đối tượng phá rừng”.

Ghi nhận hiện trường, cùng với những gốc thông bị triệt hạ đang ứa nhựa, tại khu vực “núi lửa” này, hàng loạt cây thông khác đã được cưa thành từng khúc, dài từ 1,5 đến 2m, đường kính từ 25 đến 40cm, chất thành đống và có dấu hiệu bị đốt cháy; để lại những gốc thông lô nhô, khô khốc, trơ trọi.

Các cây thông bị cưa hạ nằm ngổn ngang sát đường.

Theo chính quyền xã Nam Hà, sở dĩ khu vực này mang tên “núi lửa” là do nhiều lần xảy ra cháy. Rừng thông ba lá tại tiểu khu 261b đã bị “gặm nhấm” từ nhiều năm qua, nhưng đều lập biên bản vụ việc “chưa phát hiện đối tượng”. Chỉ tính riêng tháng 9/2018, tại khu vực này, có 87 cây thông ba lá, đường kính trung bình từ 12 đến 23cm, trên diện tích 2.730 m2 bị cưa hạ, lâm sản thiệt hại hơn 9,6 m3 và nhiều biên bản “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” đã được Hạt Kiểm lâm Lâm Hà lập, nhưng tình trạng tàn phá rừng vẫn ngang nhiên diễn ra.

Theo Chủ tịch UBND xã Nam Hà Tiêu Văn Bính, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn những năm gần đây rất khó khăn, phức tạp. Do một số đối tượng thường xuyên lén lút chặt phá rừng để lấy đất sản xuất hoặc lấy gỗ. Gần đây, xã đã kiện toàn đội tuần tra bảo vệ rừng, phối hợp Ban quản lý rừng, hạt kiểm lâm để tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng. Nhưng đây là đội nghiệp dư, không có chế độ, nên không thể thường xuyên canh chừng được, mà chủ yếu kiểm tra, nắm bắt, kịp thời báo cáo xử lý.

Tại một quả đồi cách khu vực “núi lửa” không xa, chúng tôi phát hiện những dấu vết còn mới của xe máy múc được đưa vào san ủi đất rừng trái phép; những chiếc hố để trồng cây công nghiệp đã được đào sẵn và một số cây cà-phê non tơ cũng vừa mới được trồng. Nhìn từ xa, quả đồi đã bị “cạo trọc”, chỉ còn lơ thơ vài “cây thông cô đơn” phía chân đồi.

Quả đồi bị “cạo trọc” nằm sát nhiều khu vườn sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Thái Văn Chí, cán bộ quản lý tiểu khu, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, những cây thông bị triệt hạ tại tiểu khu 261b là đối tượng rừng trồng năm 1996, lâm phần thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý.

Điều đáng nói, trong khi vụ hủy hoại rừng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, với diện tích hơn 10 ha chưa kịp nguôi ngoai, thì hàng loạt cây thông hơn 20 năm tuổi tại tiểu khu 261b vẫn ngã xuống… “Chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với đơn vị chủ rừng. Đặc biệt, cài cắm những người nắm bắt được địa bàn, đối tượng để kịp thời có phương án xử lý; hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng liều lĩnh, manh động như thời gian qua”, Chủ tịch UBND xã Nam Hà Tiêu Văn Bính, nói.