Ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đại dương

BVR&MT – Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng rác thải ra biển khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển trên toàn thế giới). Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương, Việt Nam đã ban hành được hệ thống chính sách, pháp luật để thực hiện vấn đề nêu trên.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Việt Nam là quốc gia biển, có lịch sử truyền thống, văn hóa và quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với biển. Với bờ biển hơn 3.260km từ bắc xuống nam, với hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng khoảng một triệu km2.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, túi ni-lông chiếm khối lượng khá lớn trong chất thải nhựa do được cung cấp miễn phí từ các cửa hàng, với mức sử dụng trung bình là 35 túi/hộ gia đình/tuần, mỗi ngày có hàng chục triệu túi ni-lông được sử dụng và thải ra môi trường nhưng chỉ có 27% trong số đó được thu gom, xử lý và tái chế. Như vậy, một lượng lớn rác thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.

Ngoài ra, việc thải bỏ hoặc làm mất ngư cụ trong hoạt động khai thác thủy sản, thải bỏ rác thải nhựa trong các hoạt động kinh tế-xã hội khác diễn ra trên biển cũng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Đáng lo ngại, tình trạng xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, nhất là trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo ở nước ta hiện nay. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của rác thải nhựa đại dương lên hệ sinh thái biển, sức khỏe con người và các ngành kinh tế biển.

Tình trạng xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, nhất là trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo ở nước ta hiện nay.

Hướng đến việc xây dựng hoàn thành mục tiêu 14.1 trong Chương trình Nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc về ngăn ngừa và giảm hiệu quả các loại hình ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, Việt Nam thời gian qua đã nỗ lực thể hiện qua các cam kết chính trị cũng như các hoạt động thực tiễn quản lý rác thải nhựa.

Nhiều chính sách đã được ban hành như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1746/QĐ-TTg, ngày 4/12/2019 Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải đại dương đến năm 2030; Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm đại dương…

Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam về rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương vẫn còn nhiều điều phải cải thiện, cụ thể như: Chưa có các biện pháp mạnh về công tác phòng ngừa, giảm thiểu chất thải từ khâu nhập khẩu, sản xuất và thương mại; việc thu gom, vận chuyển chất thải nhựa chưa được thực thi hiệu quả.

Trong khi đó, trách nhiệm quản lý chất thải nhựa thường chủ yếu tập trung cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trong khi thực tiễn các vi phạm quy định về quản lý chất thải lại từ cấp cơ sở xã, phường, nhất là các biện pháp xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải còn chưa đủ sức răn đe…

Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: Trước hết, cần thống nhất trong nhận thức và hành động nhằm ứng xử một cách có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần tiếp tục xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, nhất là rác thải nhựa thông qua việc tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý trên đất liền, khu vực ven biển và hải đảo; thúc đẩy các hoạt động hợp tác các tổ chức quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề về tài nguyên và môi trường, trong đó có rác thải nhựa đại dương…

Các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương có biển cần quan tâm hơn nữa trong bố trí nguồn lực để kịp thời triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan rác thải nhựa và rác thải đại dương; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa đại dương trên cơ sở có điều chỉnh, thích ứng với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát rác thải nhựa đại dương dựa trên công nghệ viễn thám, giải đoán hình ảnh và hệ thống thông tin địa lý kết hợp với trí tuệ nhân tạo và tri thức bản địa; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường biển, nhất là về quản lý rác thải nhựa và rác thải đại dương nơi mình sinh sống.