Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại: Nghị định vẫn kênh với luật

BVR&MT – Theo thống kê của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 398 T.Ư, trong năm 2019, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý gần 191.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng, khởi tố 1.864 vụ án với 2.184 đối tượng.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bán tại siêu thị.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực BCĐ 398 T.Ư, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng cũng cần hoàn thiện các quy định pháp luật để tạo điều kiện xử lý những đường dây quy mô lớn.

Xử lý hàng lậu, hàng giả vẫn ở quy mô nhỏ

Thực tế công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cho thấy, việc phát hiện chủ yếu là các vụ việc nhỏ, công tác xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, bày bán… Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, năm 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn TP Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động tinh vi, có tổ chức và ngày càng manh động. Đặc biệt, tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả mạo xuất xứ nhãn mác Made in Vietnam đối với mặt hàng thời trang và đồ gia dụng đã gây thất thu rất lớn cho ngân sách, ảnh hưởng lớn đến uy tín của DN Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Liên quan đến hàng lậu, hàng giả, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho rằng, hiện đang có những phương thức, thủ đoạn mới nổi lên. Thậm chí có hàng giả thương hiệu của DN Việt Nam được sản xuất ở nước ngoài sau đó thẩm lậu vào thị trường nội địa. “Đặc biệt hoạt động buôn bán hàng hóa vi phạm qua internet diễn ra phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng lớn đến DN chân chính và quyền lợi người tiêu dùng”- ông Linh nói.

Khoảng trống pháp lý

Nguyên nhân khiến lực lượng chức năng chưa ngăn chặn triệt để hàng lậu, hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam là do các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, nhu cầu mua bán của người dân tăng cao. Đặc biệt, một số văn bản, quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác này chưa thật sự chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt nghiêm để răn đe.

Theo Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 T.Ư Đàm Thanh Thế: Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn. Việc xử lý xâm phạm quyền và giả mạo sở hữu trí tuệ còn bất cập khi chưa có hướng dẫn cụ thể về quy mô thương mại; các vụ việc tái phạm trị giá hàng hóa vi phạm dưới 200 triệu đồng không xử lý hình sự được… dẫn đến các đối tượng lợi dụng cố tình tái phạm nhiều lần nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Nêu vấn đề khó khăn trong xử lý buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết: Quy định về xuất xứ đều được đề cập trong luật và nghị định nhưng lại chồng chéo. “Những mặt hàng lắp ráp tại Việt Nam bán ra nước ngoài được coi là hàng Việt, nhưng tiêu thụ trong nước thì không biết gọi là gì, giống như có khai sinh mà không có họ… ” – ông Cẩn viện dẫn. Đồng thời kiến nghị ngay trong quý I/2020 các bộ ngành cần rà soát, kịp thời sửa đổi rõ ràng, phù hợp với thực tế.

Chẳng hạn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá ngoại nhập lậu theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định: Đối với hành vi buôn bán thuốc lá nhập lậu số lượng từ 500 bao trở lên thì phải chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo Luật số 12/2017/QH14 (20/6/2017) sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định: Phạt tiền từ 50 triệu đồng trở lên hoặc phạt tù đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên. “Sự “vênh” giữa 2 bộ luật khiến lực lượng chức năng lúng túng trong việc xử lý” – Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.

Thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra thị trường, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, phát hiện những vấn đề bức xúc nổi cộm và đề ra các giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các địa bàn lĩnh vực phụ trách để xảy ra vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn