Nét độc đáo các thôn, bản người Tày ở Bình Liêu

BVR&MT – Các xã, thị trấn của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đều có nhiều dân tộc sinh sống xen kẽ, nhưng người Tày chiếm đa số ở thị trấn và ở thôn, bản của các xã vùng thấp như Vô Ngại, Lục Hồn và Đồng Tâm.

Một góc bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Ảnh: Khánh Giang

Đơn vị dân cư sinh sống ở Bình Liêu không gọi là làng như ở miền xuôi mà chỉ gọi là thôn, bản. Với dân số chiếm đông nhất toàn huyện (58,4% dân số), người Tày thường sống tập trung thành từng bản ở chân đồi, chân núi, ven sông, ven suối, gần những đám ruộng, nương mình tự khai phá để dựa vào đó sinh sống. Với bản chất mộc mạc, người Tày đặt tên thôn bản của mình không mang tính văn hoa, không yêu cầu mang ý nghĩa giàu có, phát đạt, thịnh vượng mà sử dụng những tên gọi giản dị, gần gũi. Đồng bào dùng tên của các loài cây đặc trưng nơi họ ở để đặt tên như: bản Cốc Lồng (cây đa) – xã Lục Hồn, bản Cốc Đốc (cây tre vầu) – xã Đồng Tâm, bản Nà Lìu (cây quất rừng) – xã Tình Húc (nay là thị trấn Bình Liêu), bản Làng (cây nứa) – xã Vô Ngại… Cũng có bản gọi tên theo đặc điểm tự nhiên như: Khuổi Luông (suối lớn) – xã Vô Ngại, Chang Nà (giữa ruộng), Nà Làng (ruộng có đặc điểm như cái máng) – xã Tình Húc cũ, Nà Khau (ruộng ở đồi), Phiêng Tắm (bằng phẳng và thấp) – xã Đồng Tâm, Bản Cáu (bản có từ lâu đời) – xã Lục Hồn… Hay có thể gọi tên bản theo ngọn núi, khe suối như: Khuổi Và, Khuổi Bốc (tên hai khe suối) – xã Tình Húc cũ, Khau Phưởng (tên một ngọn núi) – xã Lục Hồn… Cũng có khi tên bản được đặt theo truyền thuyết như: Mạ Chạt (con ngựa trượt – theo truyền thuyết về người anh hùng dân tộc Tày Hoàng Cần, cưỡi ngựa đến đây, ngựa nhảy sang bên kia núi bị trượt chân, còn dấu vết).

Mỗi bản được phân định bằng con suối, cánh rừng, tảng đá, đỉnh núi… Bản có một nguồn nước chung, khu rừng, nghĩa địa, vùng núi săn bắn, những vùng đất canh tác của các thành viên trong làng. Theo các cụ già kể lại thì trước đây mỗi bản thường có một ngôi đình làm nơi thờ thành hoàng của bản, là nơi sinh hoạt chung, nơi hội họp, tiến hành các lễ nghi tín ngưỡng, nơi vui chơi, giải trí của cả bản. Dấu tích còn lại là có những khu ruộng được gọi là Pò Đình (có nghĩa là cái gò có đình) như ở bản Nà Phạ, xã Tình Húc cũ. Ngày nay, mỗi bản làng người Tày vẫn còn có miếu thờ thành hoàng của bản, nơi đó là một gốc cây cổ thụ, các ngày lễ tết cả bản ra đó thờ cúng…

Cầu treo bản Nà Làng, xã Tình Húc cũ, nay là thị trấn Bình Liêu. Ảnh: Bùi Duẫn (CTV)

Trong các thôn, bản, người đứng đầu được gọi là trưởng bản. Về chức năng, trưởng bản là đại diện cho thiết chế tự quản, thể hiện ý chí của cộng đồng, thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại đối với thôn bản và cấp trên. Thời kỳ thực hiện hợp tác hóa, chức vị trưởng bản của người Tày hầu như bị xóa bỏ. Quyền điều hành các hoạt động chung của thôn bản được trao vào tay các chủ nhiệm HTX hay các đội trưởng sản xuất. Đến giữa những năm 90 của thế kỷ XX, với việc kiện toàn lại các tổ chức kinh tế trong khu vực nông nghiệp – nông thôn, Đảng và Nhà nước lại chủ trương tăng cường công tác quản lý cơ sở, chức năng trưởng bản được phục hồi với những chức năng và nhiệm vụ mới. Hiện tại, mỗi bản đều có một người giữ chức trưởng bản do nhân dân tín nhiệm bầu ra, họ được hưởng trợ cấp chức vụ của Nhà nước.

Từ xa xưa, mỗi thôn, bản đều có những quy định liên quan đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước sản xuất cũng như sinh hoạt. Hiện nay, hầu hết các bản người Tày đều đã xây dựng những quy ước riêng liên quan đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, từ việc bảo vệ rừng, phát triển sản xuất, bảo vệ mùa màng đến thực hiện nếp sống mới trong ma chay, cưới xin. Quan hệ cộng đồng là đặc trưng nổi bật trong các xóm bản của người Tày. Không chỉ duy trì quan hệ dòng họ, thân tộc, người Tày còn đặc biệt coi trọng tình làng nghĩa xóm. Bất kể các công việc quan trọng của mỗi đời người (làm nhà mới, cưới xin, tang ma, …) đều được coi là công việc chung của cả cộng đồng. Mỗi thôn, bản người Tày vẫn duy trì một hình thức tổ chức xã hội gọi là hụi (giống như phường, phe ở miền xuôi) – một tổ chức chuyên lo việc tang ma, sau này, hụi đã tham gia vào việc tổ chức, điều hành nhiều hoạt động khác như cưới xin, làm nhà mới…

Đến nay, về cơ bản ở các xã, thôn vùng thấp, thị trấn, vùng có trục lộ giao thông đi qua, mô hình thôn, bản truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Xu hướng lập bản kéo dài theo trục lộ giao thông đã, đang và sẽ diễn ra. Hiện nay, Bình Liêu đang có định hướng phát triển du lịch văn hóa, bảo tồn bản người Tày gắn liền với các tập quán cư trú, thói quen trong sinh hoạt cộng đồng thôn, bản để tạo nên nét riêng, độc đáo cho sản phẩm du lịch của địa phương. Theo đó rất cần những định hướng trong vấn đề bảo tồn bản người Tày (cũng như các bản đặc trưng của dân tộc khác) cùng với các thành tố cổ truyền hiện hữu trong bản.