Nên dừng thí điểm tự chủ toàn diện để nghiên cứu mô hình tốt hơn

BVR&MT – Hai Bệnh viện K xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện. xin dừng tự chủ toàn diện bệnh viện vì có quá nhiều bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Các chuyên gia cho rằng, nếu thí điểm không thành công, nên mạnh dạn dừng thí điểm tự chủ toàn diện.

Bệnh viện K xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện.

Chủ trương đúng, nhưng còn thiếu cơ chế

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế bày tỏ, chủ trương của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện là đúng đắn, giúp cho các bệnh viện được tự chủ về hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nguồn tài chính trong đó có giá dịch vụ khám, chữa bệnh; tự chủ mua sắm trang thiết bị mua sắm tài sản công.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các quy định cho bệnh viện tự chủ toàn diện đều nửa vời, không có cơ sở thực hiện.

“Thí dụ, khi bệnh viện tự chủ, họ có quyền sắp xếp bổ sung nhân lực theo quy mô khoa, phòng của bệnh viện nhưng công tác nhân sự phải xin ý kiến Bộ Y tế. Giao bệnh viện là tuyến đầu hỗ trợ chuyên môn y tế cho tuyến dưới, đào tạo, chuyển giao công nghệ nhưng việc chuyển giao này ngân sách nhà nước không chi mà bệnh viện phải tự chủ trong khi nguồn tài chính của các bệnh viện không có. Giao tự chủ nhưng không được tự chủ cái gì thì làm sao thí điểm thành công”, ông Quang đặt câu hỏi.

Về cơ chế tài chính, nguồn thu của bệnh viện tự chủ chính là nguồn thu từ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng nhiệm vụ của bệnh viện tuyến cuối vẫn phải phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế.

Khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu phải tuân thủ đúng theo khung giá Bộ Y tế quy định nhưng đến nay hơn 2 năm, Bộ Y tế chưa ban hành được. Không có quy định, các bệnh viện không có cơ sở để đánh giá giá dịch vụ thế nào để thu.

“Khủng hoảng nguồn thu sẽ dẫn tới cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiền lương cho cán bộ y tế không bảo đảm. Dạ dày không bảo đảm thì tạo ra các cơ chế khác không bảo đảm”, ông Quang nói.

Mô hình bệnh viện tự chủ toàn diện đặt ra mong muốn quản trị bệnh viện tốt hơn, khách quan, minh bạch, công bằng, hạn chế phòng ngừa tham nhũng nên có Hội đồng quản lý, Ban giám đốc. Tuy nhiên, khi làm thí điểm thì hội đồng này với Ban Giám đốc và mô hình Đảng ủy bệnh viện, ai là chính – ai là phụ không xác định được.

Ngoài ra, còn có những tồn tại không lý giải được. Bệnh viện công nằm trên đất công, nhưng nếu thực hiện tự chủ toàn diện phải đóng tiền thuế sử dụng đất. Bệnh viện không có nguồn thu, lại đóng tiền thuế đất thì chồng chất khó khăn.

Nguồn thu tài chính nửa vời trong khi phải chi nhiều hoạt động khác như chỉ đạo tuyến, đào tạo, chuyển giao công nghệ và một số hoạt động khác.

Quy chế đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế cũng là vấn đề làm đau đầu các bệnh viện đang thực hiện tự chủ. “Cả nước thiếu 73% thuốc, thiếu 75% vật tư y tế. Tình trạng toàn tuyến y tế thiếu là con số đáng báo động để thấy người thầy thuốc đang không có “vũ khí” để chiến đấu trong lĩnh vực của mình”, ông Quang bày tỏ.

Từ thực tiễn lên tiếng của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K xin dừng thí điểm tự chủ cho thấy, cả 2 bệnh viện đều vướng không có cơ chế làm để thu thêm tiền của người bệnh.

Ông Quang bày tỏ, bệnh viện không có đủ nguồn thu cho thấy bất cập trong thực hiện tự chủ. Bệnh viện phải lấy quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ dự phòng chi tiền lương cho cán bộ nhân viên y tế. “Đáng nhẽ, nếu đơn vị triển khai tự chủ bị lỗi, Nhà nước phải có nguồn tiền bù đắp sự thiếu hụt đó, nhưng Nhà nước cũng không có ngân sách cho việc này”, ông Quang nói.

Nên dừng thí điểm để nghiên cứu mô hình tốt hơn

Sau hơn 2 năm tổ chức thí điểm tự chủ toàn diện tại 2 bệnh viện tuyến Trung ương đã cho thấy có nhiều bất cập. Vì thế, đến lúc phải có tổng kết đánh giá, nếu không thành công thì mạnh dạn dừng thí điểm để tiếp tục nghiên cứu mô hình thí điểm tốt hơn.

“Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế phải tập trung giải quyết cấp bách các vấn đề liên quan thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, giải quyết liên quan đến người bệnh bỏ việc chuyển từ khu vực công sang tư. Đây là nút thắt, phải giải quyết được thì hệ thống y tế mới sớm ổn định để phát triển”, ông Quang nói.

Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV nhấn mạnh, Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện ra đời nhưng những văn bản pháp quy hướng dẫn việc thực hiện đang bị thiếu nhiều từ cơ chế, nguyên tắc, xác định đối tượng phục vụ..

Theo Giáo sư Anh Trí, Đảng và Chính phủ cho phép bệnh viện làm tự chủ toàn diện hay tự chủ một phần nhằm mục đích xuyên suốt là phục vụ tốt hơn cho người bệnh. Nhưng để bảo đảm được sự thông thoáng thuận lợi hiệu quả cho bệnh viện tự chủ làm việc đó thì đều đang vướng.

“Ngay khi chọn mẫu bệnh viện hạng đặc biệt để thí điểm tự chủ là chưa hợp lý. Vốn dĩ các bệnh viện này đều là đầu ngành, bệnh nhân rất đông, không cần phải làm thương hiệu để thu hút bệnh nhân. Nếu giả sử làm thành công tự chủ toàn diện ở bệnh viện đặc biệt này, làm sao áp dụng thành công cho các bệnh viện tuyến dưới”, ông Trí đặt câu hỏi.

Cũng theo giáo sư này, hiện các văn bản pháp quy quy định triển khai tự chủ toàn diện liên quan nhiều luật khác như Luật đấu thầu, Luật Giá, Luật Quản lý tài sản công… chưa được giải quyết.

“Trong quá trình đi giám sát cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tại nhiều địa phương, các giám đốc bệnh viện kêu nhiều: “Giao cho chúng tôi tự chủ nhưng không cho phép chúng tôi làm tự chủ”. Đây là điều khó nhất nên tôi ủng hộ việc các bệnh viện khoan làm tự chủ”, ông Trí bày tỏ.

Theo ông Trí, bệnh viện công do nhà nước đầu tư nhà cửa, máy móc, nhân lực nhưng khi đặt ra vấn đề các cơ sở y tế này phải tự chủ thì các bệnh viện phải tìm cách để thu lợi nhiều nhất. Khi đó, những vấn đề về y đức, phục vụ người nghèo, các đối tượng chính sách sẽ được đặt ra.

“Nếu cho bệnh viện tự chủ toàn diện, phải có quy định cụ thể được sử dụng bao nhiêu % trong số đó để làm dịch vụ thu tiền, bao nhiêu % phải phục vụ nhân dân. Đây là nút thắt quan trọng nhất mà Chính phủ cần xem xét. Chủ trương tự chủ là đúng đắn nhưng nhiều điểm chưa ổn, chưa rõ thì cần phải được xem lại để giải quyết mới tiếp tục cho làm tự chủ”, Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là 2 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ và đã có 2 năm thực hiện.

Theo Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, các vướng mắc của 2 bệnh viện này đa phần liên quan cơ chế tài chính. Vì vậy Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai cần có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết nào. Từ đó, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng triển khai thực hiện.