Nâng chất cho thủy sản: Cần chuẩn cả quy hoạch lẫn chất lượng

BVR&MT – Tại hội nghị đối thoại ngành thủy sản tại TPHCM, nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch vùng nuôi trồng, chuẩn chất lượng thủy sản đã được đặt ra như một yêu cầu cấp bách.

Ảnh minh họa.

“Đua” chuẩn chất lượng, vạn dặm đường xa

Dù được xem là nhà chế biến, xuất khẩu có vị thế tương đối lợi hại trên bản đồ xuất khẩu thủy sản toàn cầu khi chiếm tới 5% nguồn cung, thủy sản Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với các áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong tương lai do sự trỗi dậy của các đối thủ như Băngladesh, Ấn Độ cùng đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng ở những thị trường khó tính.

Lời giải đầu tiên được tính tới cho cuộc đua chất lượng của thủy sản Việt là cải tổ ngay từ khâu ươm tạo giống.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay hiện Việt Nam đã thay thế được 70% đàn cá bố mẹ, nghĩa là vẫn còn lẫn lộn các loại giống chất lượng thấp (30%). Điều này khiến người nuôi phải sử dụng kháng sinh cho thủy sản nuôi trồng và cái giá phải trả cho thiệt hại toàn ngành là không hề rẻ. Bởi khi đó, doanh nghiệp chế biến phải siết chặt kiểm soát kháng sinh, khiến chi phí bị đẩy lên rất cao.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, mỗi lần kiểm tra kháng sinh tốn 3 triệu đồng/mẫu và phải kiểm đi, kiểm lại rất nhiều lần từ khâu nguyên liệu cho tới thành phẩm sau cùng. Do đó, chỉ riêng chi phí kiểm tra kháng sinh cho 1 kg tôm thành phẩm đã là 10.000 đồng, 1 kg tôm nguyên liệu là 5.000-6.000 đồng. Doanh nghiệp vì vậy phải cắt giảm giá mua nguyên liệu thô từ người nuôi để có thể cân đối chi phí.

Từ phía người nuôi cá thể lẫn doanh nghiệp, một cuộc chạy đua khác vươn tới các chứng nhận chất lượng quốc tế cũng đồng thời được khởi động. Những chứng nhận có uy tín như Global GAP, BAP, ASC, EU Organic, HACPP… đã xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Thống kê cho thấy đã có 85 doanh nghiệp và ao nuôi tôm cùng 45 cơ sở nuôi trồng cá tra tại Việt Nam đạt được chứng nhận ASC (chứng nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trông thủy sản); 65 cơ sở nuôi tôm và 10 cơ sở nuôi cá tra đã đạt chứng nhận BAP (chứng nhận về các thực hành tốt nhất trong nuôi trồng thủy sản toàn cầu).

Tất nhiên, doanh nghiệp dường như đang lợi thế hơn khi tìm kiếm và tuân thủ các đòi hỏi về quản lý chất lượng nuôi trồng – chế biến đạt chuẩn quốc tế. Còn với đông đảo các trại nuôi nhỏ, đây là cuộc đua quá sức do tốn kém chi phí, hạn chế về các điều kiện sản xuất, tiếp cận thông tin hay manh mún về đất đai…

Góp thêm tiếng nói vào hiện trạng “đua chứng chỉ”, đại diện từ Bureau Veritas Việt Nam (Tổ chức chuyên đánh giá và xét cấp nhiều loại chứng nhận chất lượng quốc tế) nêu quan ngại cho rằng “khi nhà đánh giá trực tiếp xuống vùng nuôi thì chẳng thấy tồn dư kháng sinh đâu nhưng tới lúc ASC tái kiểm tra lại thấy có kháng sinh xuất hiện.

Muốn bắt cơ hội, phải chuẩn quy hoạch

Theo các dự báo trong và ngoài nước mới nhất do Tổng cục Thủy sản công bố, Việt Nam không chỉ có rất nhiều lợi thế để nâng chất cho những sản phẩm thủy sản chủ lực như tôm, cá tra mà còn có thể phát triển, nuôi trồng thêm nhiều loại thủy hải sản giá trị cao khác nữa. Nhưng cơ hội lớn này đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Quy mô nuôi trồng nhỏ lẻ, chưa đồng bộ (nhất là tôm) nên chưa đáp ứng được các điều kiện về năng suất và sản lượng tập trung để có thể thúc đẩy liên kết.

Do đó, dù là nơi sản xuất và xuất khẩu thủy sản nuôi trồng lớn trên thế giới nhưng so với các nước trong khu vực thì chi phí nuôi trồng thủy sản Việt Nam còn ở mức khá cao.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, để đón đầu cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường sức mua với thủy sản Việt, trước mắt Việt Nam cần sớm có cơ sở dữ liệu quy hoạch vùng nuôi, loài nuôi và nhà máy chế biến được cập nhật thường xuyên. Từ đây, các nhà quản lý ngành mới nắm được năng suất và các đặc thù nuôi trồng, chế biến đến từng chi tiết cho mỗi loại thủy hải sản. Qua đó mới định hướng được sản lượng nuôi trồng từng loại theo nhu cầu thị trường.

Còn bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn cũng đề xuất cần có tính toán và khuyến nghị cụ thể với người nuôi về tỷ lệ tăng/giảm sản lượng ở những thời điểm nhất định trong năm để giữ được mức giá chung tốt nhất cho thủy sản Việt Nam. Bà Khanh cũng cho rằng “đã tới lúc doanh nghiệp cần cởi mở hơn để có thể cùng thống nhất sự điều chỉnh sản lượng chung cho từng mùa vụ. Như vậy mới có thể cùng nhau… sống khỏe!”.

Đại diện VASEP cũng bày tỏ quan ngại về chuyện kiểm soát quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh người dân vẫn đang làm theo kiểu tự phát.

Chia sẻ thách thức của ngành thủy sản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho hay cơ quan chức năng đang bàn bạc với các địa phương để gỡ dần các bất cập trên. Trong đó, có chủ trương tổ chức liên kết giữa các nông hộ nuôi trồng nhỏ lẻ với những doanh nghiệp đầu tàu đã đạt các chứng chỉ chất lượng uy tín để cùng tạo dựng chuỗi giá trị vững chắc cho thủy sản Việt Nam.