Nâng cấp độ ứng phó dịch

BVR&MT – Ngày 23/7 số người mắc Covid-19 tăng cao nhất từ đầu đợt dịch, với 7.307 ca, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 81.678 trường hợp, trong đó có 2.141 ca nhập cảnh và 79.537 ca mắc trong nước. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh biện pháp chống dịch, thậm chí TP Hồ Chí Minh đã áp dụng những biện pháp ứng phó mạnh mẽ hơn các nội dung Chỉ thị 16.

Áp dụng các biện pháp mạnh hơn

Theo báo cáo, số ca mắc mới trong ngày ở tại 37 tỉnh, thành phố, nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh (4.913 ca), Bình Dương (608 ca), Long An (602 ca), Ðồng Nai (217 ca), Tây Ninh (212 ca), Ðồng Tháp (129 ca), Tiền Giang (95 ca), Hà Nội (70 ca), Bà Rịa – Vũng Tàu (58 ca), Khánh Hòa (51 ca), Ðà Nẵng (47 ca)… Ðáng chú ý, Lai Châu lần đầu tiên ghi nhận có ca mắc mới tại cộng đồng trong giai đoạn này. Ðây là ca bệnh có tiền sử về từ TP Hồ Chí Minh. Trong ngày, 2.115 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

Chiều 23/7, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16 CT/TTg (Chỉ thị 16) của Thủ tướng Chính phủ. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Ðức cho biết, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1/8/2021 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ người chết.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ siết chặt hoạt động của doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ủng hộ TP Hồ Chí Minh về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị thành phố cần tập trung xét nghiệm, truy vết có trọng tâm, trọng điểm, cố gắng xử lý triệt để các vùng nguy cơ cao nhằm “chuyển màu” từ vùng đỏ sang thành vùng xanh. Mặt khác tăng cường lực lượng cho tuyến quận, huyện trong việc thực hiện cách ly F0, F1 tại địa phương, thực hiện tốt phân tầng, phân cấp trong điều trị F0, tránh tập trung dồn về tuyến trên.

Trong ngày 23/7, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh và Lữ đoàn phòng hóa 87 và Tiểu đoàn phòng hóa 38 phối hợp thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ TP Thủ Ðức. Ðây là một trong các địa phương thực hiện khử khuẩn đầu tiên trong kế hoạch phun khử khuẩn toàn thành phố trong thời gian bảy ngày của TP Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 23/7, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra việc phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Ðồng Nai. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu tỉnh Ðồng Nai thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, quán triệt đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, thực hiện quy định giãn cách. Tỉnh cần rà soát từng khu vực, khoanh vùng các khu phong tỏa để sớm làm sạch F0 trong cộng đồng. Ðối với công tác xét nghiệm, phải quây khu vực thật nhỏ, không thực hiện tràn lan; sớm triển khai thực hiện cách ly F1 tại nhà để giảm tải cho các khu cách ly tập trung, tránh lây nhiễm chéo…

Trong ngày 23/7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Ðỗ Xuân Tuyên cũng đã kiểm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bạc Liêu. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Bạc Liêu cần nâng cao tinh thần chống dịch trong cộng đồng, doanh nghiệp; quyết tâm không được để lây chéo; rà soát và kiểm soát chặt chẽ số lượng người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra tỉnh cần có phương án mở rộng cơ sở cách ly, nâng cao năng lực xét nghiệm để phục vụ công tác truy vết…

Ðiểm tiêm vắc-xin đợt 5 tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (quận 11, TP Hồ Chí Minh). Ảnh TTXVN

Thêm nguồn lực chống dịch

Sáng 23/7, Bộ Y tế tiếp nhận 150 nghìn hộp thuốc (trị giá hơn 62 tỷ đồng) từ Công ty AstraZeneca nhằm hỗ trợ điều trị cho những người mắc bệnh không lây nhiễm trong dịch Covid-19. Việc hỗ trợ thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm của AstraZeneca giúp san sẻ những khó khăn, thách thức của người bệnh và các cơ sở y tế trong việc tiếp cận thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm trong đại dịch Covid-19; chung tay cùng Bộ Y tế thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách toàn diện trước thách thức của đại dịch, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Ðáng chú ý, các bệnh không lây nhiễm còn là bệnh lý nền, là yếu tố làm gia tăng mức độ nặng và dẫn đến tử vong của các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là mắc Covid-19.

Sáng 23/7, AstraZeneca đã chuyển về TP Hồ Chí Minh thêm 1.228.500 liều vắc-xin Covid-19. Ðây là lần giao vắc-xin thứ năm và cũng là lượng vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải bàn giao ô-tô chuyên dụng vận chuyển vắc-xin Covid-19 cho các đơn vị quân đội để sử dụng vận chuyển vắc-xin trong chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (kéo dài từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022). Công ty sẽ tổ chức tập huấn cách thức vận hành xe tải lạnh, sử dụng các thiết bị đi kèm trong quá trình vận chuyển bảo đảm duy trì chất lượng vắc-xin theo quy định. Bên cạnh đó việc thiết lập các kho bảo quản vắc-xin tại tám quân khu của Bộ Quốc phòng cũng đang khẩn trương hoàn thành.

Tại chùa Minh Ðạo, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao sáu máy thở đa năng tặng TP Hồ Chí Minh. Ðến nay Giáo hội đã vận động và mua 10 máy thở đa năng, với tổng trị giá hơn sáu tỷ đồng, ngoài sáu máy trao tặng TP Hồ Chí Minh, số máy còn lại sẽ trao tặng tỉnh Bình Dương và Long An, mỗi tỉnh hai máy.

Thành ủy Sơn La (tỉnh Sơn La) đã trao tiền hỗ trợ cho 22 em lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường đại học Tây Bắc, với mỗi suất một triệu đồng. Ðây là các lưu học sinh Lào có hoàn cảnh khó khăn và chưa trở về nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dịp này, TP Sơn La tiếp tục hỗ trợ cho các huyện Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn), Huổi Sài (tỉnh Bò Kẹo) nước CHDCND Lào mỗi huyện 100 triệu đồng để mua sắm vật tư y tế, thiết bị bảo hộ phục vụ phòng, chống dịch.

Ngày 23/7, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) có công văn đề nghị hai Ðại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021. Thời gian tổ chức thi phù hợp với tình hình diễn biến và tuân thủ quy định phòng, chống dịch tại các địa phương. Bài thi tương quan với điều kiện chung để thí sinh sử dụng kết quả xét tuyển vào các trường thuộc đại học quốc gia hoặc các cơ sở đào tạo khác có nhu cầu xét tuyển.

* Ðêm 23/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Chỉ thị nêu rõ, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6 giờ sáng 24/7/2021 trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo
quy định.

Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám, chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động…