Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc

BVR&MT – Yêu cầu đổi mới trong thực hiện chính sách dân tộc để đạt được hiệu quả cao hơn đang được đặt ra, trong đó, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát…

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào phát huy hiệu quả.

“Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2017 – 2020” là mục tiêu của cuộc hội thảo do Ủy ban Dân tộc tổ chức, chiều 16/5 tại Hà Nội. Ông Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội thảo.

Theo Thứ trưởng Phan Văn Hùng, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đã và đang gặt hái được những thành công không nhỏ, kinh tế – xã hội – văn hóa được đầu tư đúng mức, đời sống đồng bào được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo nhất nước giảm nhanh, bình quân 4%/năm. Mặc dù vậy, yêu cầu đổi mới trong thực hiện chính sách dân tộc đểđạt được hiệu quả cao hơn đang được đặt ra, trong đó, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát…

Tăng cường thông tin chính sách qua hệ thống phát thanh cho đồng bào.

Đề cập đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, để thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả trong tình hình mới hiện nay, cần tập trung vào một số điểm: Đó là, do chính sách dân tộc bao phủ nhiều lĩnh vực lại do nhiều ngành quản lý, nên cần tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện; đổi mới công tác giám sát, đánh giá, quản lý theo mục tiêu chính sách; tăng cường công tác nắm thông tin địa bàn; xây dựng thông tin dữ liệu đầy đủ, minh bạch và đẩy mạnh công tác nghiên cứu phục vụ điều hành, quản lý; đổi mới cách thức thông tin, phổ biến, quán triệt chính sách đến cơ sở, người dân; hoàn thiện bộ máy làm công tác dân tộc và các cơ quan có liên quan; tăng cường năng lực cho cơ quan hoạch định chính sách, đội ngũ cán bộ cơ sở…

Đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Lâm Thành, các đại biểu cũng đề xuất thêm: cần nâng cao nguồn lực tài chính cho xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc; tăng cường công tác thẩm định các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số; tăng cường phản biện trong việc hoạch định, xây dựng chính sách trong giai đoạn trước để đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả hơn ở giai đoạn sau…