Nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng

BVR&MT – Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đến các cấp, các ngành và người dân, cùng với việc phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Lai Châu đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 48%.


Cấp phát cây giống cho người dân huyện Mường Tè (Lai Châu) trồng rừng.

Từ những nỗ lực bảo vệ rừng

Lai Châu là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, với diện tích rừng hiện có hơn 434.521 ha. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV và PTR) luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh. Cùng với các chính sách hỗ trợ đầu tư về BV và PTR, chính sách chi trả DVMTR được ban hành đã tác động tích cực đến công tác BV và PTR, được người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về QLBV và PTR được duy trì và triển khai rộng khắp. Trong năm 2017, toàn tỉnh tổ chức được 965 cuộc họp trong cộng đồng dân cư, thôn, bản với 53.546 lượt người dân tham gia. Tuyên truyền trong 31 trường học với 10.070 lượt học sinh tham gia; tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tới 598 thôn, bản và 12.797 lượt hộ gia đình…

Năm 2017, tỉnh Lai Châu đã xảy ra 252 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tuy nhiên, không có vụ việc lớn, không có tụ điểm về phá rừng trái phép. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 229 vụ, trong đó, xử phạt hành chính 226 vụ, khởi tố hình sự ba vụ. Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,8 tỷ đồng. Việc kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm mang tính răn đe đã góp phần quan trọng trong công tác QLBVR.

Một trong những biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác QLBV và PTR là thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR. Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai, công tác giữ rừng của tỉnh Lai Châu thêm phần hiệu quả. Các hoạt động xâm phạm, phá hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép, tình trạng cháy rừng giảm rõ rệt, diện tích rừng cơ bản được bảo vệ tốt. Chất lượng rừng cũng như khả năng phòng hộ của rừng được nâng cao. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh cũng tăng theo các năm. Ðiển hình là huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có diện tích đất lâm nghiệp 257.930,1 ha, chiếm 96,2% diện tích tự nhiên của huyện. Diện tích rừng hiện có hơn 170.194 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 162.650 ha; tỷ lệ che phủ rừng năm 2017 đạt 63,52%, cao nhất tỉnh Lai Châu. Có được kết quả đó, ngoài việc tăng cường công tác QLBV và PTR thì chính sách chi trả DVMTR là yếu tố tác động rõ nét nhất.

Ðến những nguồn lợi từ rừng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới, diễn ra hồi tháng 10-2017, tỉnh Lai Châu đã tích cực xây dựng kịch bản bảo vệ rừng và đưa ra những giải pháp tốt hơn cho người dân, bảo đảm cho người dân địa phương có rừng phải sống được bằng nghề rừng. Hạn chế thấp nhất tình trạng di dân tự do để dần chấm dứt tình trạng phá rừng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mường Tè Mai Văn Thạch, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt nhờ chính sách chi trả DVMTR, nhiều hộ đã sử dụng tiền chi trả DVMTR để tái sản xuất, mua cây giống, gia súc, đầu tư cho con học hành. Trung bình một hộ nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng được chi trả hơn 7 triệu đồng/năm. Từ đó, ý thức, trách nhiệm QLBV và PTR của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện được nâng cao, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy giảm rõ rệt, trên địa bàn huyện không có tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái pháp luật. Nâng độ che phủ rừng của huyện từ 51,9% (năm 2011) lên hơn 63% (năm 2017).

Bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi gia đình cho nên nhiều năm qua, ý thức của người dân Lai Châu đã được nâng lên rõ rệt, những cánh rừng Lai Châu vững vàng trước nạn chặt phá rừng đang diễn biến rất phức tạp hiện nay. Ông Lý Văn Thếm, người dân bản Nậm Củm 2, xã Mường Tè, huyện Mường Tè cho biết: Nhờ chính sách chi trả DVMTR mà người dân chúng tôi ý thức rõ hơn về quyền lợi gắn với trách nhiệm của mình trong việc QLBV và PTR. Dân bản tích cực tham gia tuần tra bảo vệ rừng, phát dọn đường băng cản lửa… Số tiền nhận được hằng năm, đã một phần giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống, lo cho con cái ăn học.

Năm 2017, công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng đạt được những kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu trồng mới rừng đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Toàn tỉnh đã trồng mới 3.799 ha, trong đó, cây quế 2.495 ha; cây sơn tra 423 ha, và diện tích trồng rừng thay thế 881 ha. Cùng với đó, tiếp tục chăm sóc diện tích rừng phòng hộ đã trồng những năm trước; khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ 76.110 ha rừng. Năm 2018, tỉnh Lai Châu đặt ra chỉ tiêu nâng độ che phủ rừng lên 49,11%. Thực hiện bảo vệ toàn bộ diện tích hơn 434.521 ha rừng hiện có; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 49.681 ha. Trồng mới 2.160 ha rừng theo đề án phát triển cây quế và sơn tra. Trồng mới 850 ha cây mắc-ca, nâng tổng diện tích cây mắc-ca trên địa bàn tỉnh lên hơn 1.800 ha. Chăm sóc 432 ha rừng trồng chuyển tiếp năm thứ tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương… Củng cố và duy trì hoạt động của tám Ban chỉ đạo cấp huyện, 108 Ban chỉ đạo cấp xã và 1.010 tổ chuyên trách QLBVR thôn, bản. Tiếp tục duy trì 23 chốt gác cửa rừng thuộc các xã giáp Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Ðồng thời, tỉnh cũng cần có kế hoạch chỉ đạo các hạt kiểm lâm, lực lượng kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám chặt địa bàn và phối hợp các chủ rừng tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện triển khai thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2018 bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.