Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng

Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà

BVR&MT – Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tuần tra, bảo vệ, những năm qua, độ che phủ trên phần diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà (tỉnh Điện Biên) được giao khoán đã liên tục tăng, góp phần quan trọng cải thiện khí hậu địa phương, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Người dân xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) trồng rừng phòng hộ. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Cũng nhờ chăm sóc, bảo vệ tốt rừng được giao khoán, ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng… của người dân các xã: Mường Tùng, Huổi Lèng và Hừa Ngài được nâng lên, đời sống đổi thay rõ rệt.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà cho biết: Hiện tại Ban được giao quản lý hơn 12 nghìn ha rừng, trong đó, diện tích rừng đủ điều kiện được chi trả dịch vụ môi trường rừng là hơn 7,3 nghìn ha. Toàn bộ diện tích được hưởng dịch vụ môi trường rừng nằm trên địa bàn ba xã: Mường Tùng, Huổi Lèng và Hừa Ngài; trong đó xã Mường Tùng có 2.925 ha; Huổi Lèng có 337,6 ha và Hừa Ngài có 4.068 ha. 100% diện tích này đã được Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà giao cho sáu gia đình, 13 cộng đồng ban quản lý, bảo vệ. Hằng năm, các chủ rừng đều được nhận tiền công chăm sóc, bảo vệ với tổng kinh phí gần 2,4 tỷ đồng.

Ngoài hưởng công chăm sóc, bảo vệ rừng hằng năm, thời gian qua, người dân các xã: Mường Tùng, Huổi Lèng và Hừa Ngài còn thường xuyên được lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; lợi ích chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và cách sử dụng tiền rừng hiệu quả. Nhờ đó, nhận thức của nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nâng lên rõ rệt. Ông Lò Văn Thân, Trưởng bản Pom Cại, xã Mường Tùng, chia sẻ: Bản Pom Cại có 429 ha rừng. Để bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, bản Pom Cại đã thành lập tổ bảo vệ rừng gồm tám thành viên, trong đó trưởng bản là tổ trưởng bảo vệ rừng chịu trách nhiệm phân công lịch tuần tra đến từng thành viên hoặc khi cần thì trưởng bản trực tiếp huy động nhân dân tham gia tuần tra, bảo vệ…

Làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của tổ trưởng, định kỳ hằng tháng, thành viên tổ bảo vệ rừng bản Pom Cại luân phiên đi kiểm tra từng khu rừng trong diện tích được giao. Riêng vào mùa khô hoặc vào cao điểm mùa làm nương (cuối tháng 3 đầu tháng 4 hằng năm) thì mỗi ngày đều có ít nhất hai thành viên tổ bảo vệ rừng đi tuần tại các địa bàn giáp ranh, những điểm rừng thuận tiện để làm nương. Anh Lò Văn Dũng, thành viên Tổ bảo vệ rừng bản Pom Cại cho biết: Thường thì các thành viên trong tổ đi tuần khoảng hai ngày rồi về, nhưng mùa này (mùa chuẩn bị đất làm nương) nhiều khi các thành viên của tổ phải ngủ trên rừng cả tuần canh không để người nơi khác đến chặt cây; canh người đốt nương làm cháy lan vào rừng. Công việc khá vất vả, nhưng tất cả đều nhiệt tình, trách nhiệm.

Nói thêm về những khó khăn trong tuần tra, bảo vệ rừng, anh Lò Văn Hùng, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Diện tích rừng bảo vệ lớn, địa hình hiểm trở vì nhiều diện tích rừng ở trên núi cao, do vậy công tác tuần tra, bảo vệ rất vất vả. Trong khi đó, khá nhiều đất canh tác của người dân nằm xen kẽ trong rừng, do đó thời gian cao điểm mùa làm nương thì tổ bảo vệ rừng các bản: Pom Cại, Huổi Điết, Đán Đanh, Púng Trạng, Nậm He của xã Mường Tùng đều phải ăn, ngủ tại rừng trực không để phá rừng, đồng thời tập trung phát đường băng cản lửa đề phòng người dân đốt nương lân cận làm cháy lan vào rừng.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Để nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm tới rừng, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, các chủ rừng, ký cam kết quản lý bảo vệ và làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy để phát triển rừng. Năm 2021, đơn vị đã tổ chức 75 buổi tuyên truyền Luật Quản lý bảo vệ rừng đến 15 cộng đồng thôn, bản, thu hút hơn 3.700 người tham gia. Trong công tác phối hợp, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường xuyên túc trực tại địa bàn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã và lực lượng kiểm lâm địa bàn, tổ tuần tra rừng các bản tổ chức tuần tra bảo vệ rừng được giao. Riêng năm 2021, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà đã tổ chức 96 đợt tuần tra; phát hiện và lập hồ sơ tám vụ vi phạm về rừng và đất rừng. Ba tháng đầu năm 2022, công tác tuần tra rừng vẫn được các lực lượng phối hợp thực hiện thường xuyên, không để xảy ra vụ phá, lấn chiếm hay cháy rừng. Điều đó cũng phần nào cho thấy sự chuyển biến lớn trong ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng của nhân dân địa phương.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được và để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, thời gian tới, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách lâm nghiệp tới người dân địa phương; phối hợp các tổ bảo vệ rừng của cộng đồng bản tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Cùng với đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà sẽ cắm bổ sung các biển cấm, biển báo tại các khu rừng trọng điểm; vận động người dân từng bước chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ phụ thuộc rừng sang chủ động làm giàu nhờ rừng theo mô hình kinh tế đa tầng là tầng trên cây rừng cho bóng, tầng dưới chăn nuôi hoặc trồng cây dược liệu. Làm theo cách đó không chỉ đem lại kinh tế bền vững mà còn đồng thời giảm đến mức thấp nhất những tác động của con người đến rừng…