Nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp

BVR&MT – Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp (CTNLN), đến nay, nhiều địa phương đã quyết liệt, khắc phục các hạn chế, vướng mắc về đất đai, sắp xếp, tổ chức lại mô hình sản xuất.

Tuy nhiên, vẫn có những nơi công tác quản lý còn yếu kém, còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất, lúng túng trong chuyển đổi mô hình công ty, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Đây là những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục để công tác sắp xếp, đổi mới hoạt động của các CTNLN đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Công nhân công ty thu hoạch chè.

Sau hơn 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, sự lựa chọn mô hình phù hợp đã giúp nhiều CTNLN phát triển ổn định, tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa…

Mô hình tốt, hiệu quả cao

Tỉnh Hòa Bình có năm doanh nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Đến năm 2017, có hai nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Thiên An đề xuất góp vốn đối với các Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Một thành viên: Thanh Hà, 2/9, Cao Phong và Công ty TNHH sản xuất – thương mại trà Thăng Long đề xuất góp vốn với Công ty TNHH Một thành viên: Sông Bôi. Đến tháng 8-2019, Công ty TNHH Hai thành viên Sông Bôi Thăng Long chính thức đi vào hoạt động, hiện các công ty TNHH một thành viên: Thanh Hà, 2/9 và Cao Phong đang hoàn thiện dự thảo điều lệ hoạt động, hoàn thiện thủ tục góp vốn và thủ tục hồ sơ đăng ký kinh doanh để thành lập công ty sớm đi vào hoạt động.

Có mặt tại Công ty TNHH Hai thành viên Sông Bôi Thăng Long khi doanh nghiệp vừa chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới sau sắp xếp, chúng tôi được biết tiền thân của doanh nghiệp là Nông trường Sông Bôi. Trước đây, Nông trường Sông Bôi đứng bên bờ vực phá sản, giải thể do dự án trồng và chế biến dứa đóng hộp đổ bể, để lại khoản nợ hàng tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân là do quản lý yếu kém và chậm chuyển đổi doanh nghiệp. Khi mô hình nông trường quốc doanh tồn tại từ thời kỳ bao cấp tỏ ra rệu rã, không còn thích hợp với cơ chế thị trường và xu thế hội nhập thì Nghị định 135/2005/NĐ-CP quy định về việc giao đất khoán đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh ra đời đã mang đến cơ hội thay đổi. Đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ vật tư đã tạo ra giá trị lợi nhuận cao cho doanh nghiệp, tạo sức hút cho công nhân và nhân dân lao động quanh vùng. Năm 2012, Công ty TNHH Một thành viên Sông Bôi được xếp vào tốp 5 doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình. Giám đốc Công ty Phạm Văn Nho cho biết, về thực chất, trước khi sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, công ty đã hợp tác với Công ty TNHH Sản xuất – thương mại trà Thăng Long để sản xuất theo chuỗi, nhờ đó sản phẩm chủ đạo của doanh nghiệp là chè đã có đầu ra ổn định. Năm 2019, tổng giá trị sản xuất của doanh nghiệp đạt 176,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 180 triệu đồng/ha đất nông nghiệp… Cơ cấu cây trồng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững. Nhờ có đầu ra ổn định, doanh nghiệp đã tăng diện tích trồng cam, bưởi các loại; tỷ trọng chăn nuôi cũng chuyển dịch đạt 67,25 tỷ đồng. Quan trọng hơn, công tác quản lý, sử dụng đất đai đi vào nền nếp. Tất cả đất nông nghiệp đã được giao khoán cho các hộ theo quy định và được rà soát, bố trí cây trồng phù hợp. Công ty cũng đã xây dựng và ban hành quy định về quản lý và sử dụng đất, hợp đồng giao khoán. Doanh nghiệp phát triển, thu nhập của người lao động do vậy tăng lên với mức lương bình quân đạt hơn 5,3 triệu đồng/người/tháng.

Tại tỉnh Yên Bái, bên cạnh những đơn vị gặp khó khăn, đã có những doanh nghiệp hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới, đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng, từ chín lâm trường quốc doanh, tỉnh đã sắp xếp, chuyển đổi thành hai ban quản lý rừng phòng hộ; chuyển đổi thành bốn công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp; còn lại ba lâm trường chưa hoàn thành chuyển đổi. Sau khi sắp xếp lại, hai ban quản lý rừng phòng hộ hoạt động tốt, phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong bảo vệ và phát triển rừng. Các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp đã kiện toàn lại bộ máy, tổ chức sản xuất, kinh doanh ngày một ổn định và đã đạt được một số kết quả nhất định về công tác quản lý sử dụng đất, sử dụng rừng. Công ty TNHH Một thành viên lâm trường Thác Bà là một trong những doanh nghiệp đang khẳng định tốt hiệu quả hoạt động. Giám đốc Công ty Vương Quốc Đạt cho biết, trước đổi mới, đơn vị gặp nhiều khó khăn vì bao cấp, lâm trường chỉ làm nhiệm vụ “tiêu” vốn của Nhà nước sao cho hợp lý; năng suất rừng thấp, thua lỗ kéo dài. Đến nay, sau khi thực hiện quy định của Chính phủ về bán, giao khoán và cho thuê đất rừng, rừng thật sự có chủ. Người làm rừng thực hiện theo thỏa thuận lao động, cùng góp vốn cùng hưởng lợi theo tỷ lệ 50/50. Trước đây, năng suất rừng chỉ đạt 40 đến 50 triệu đồng/ha, thì nay có lô đạt 100 triệu đồng/ha, bình quân đạt 80 triệu đồng/ha. Còn tại tỉnh Lào Cai, theo đánh giá của Công ty cổ phần Phong Hải, từ tiền thân là Công ty TNHH Một thành viên chè Phong Hải, sau khi cổ phần hóa từ đầu năm 2018 đến nay đã tăng vốn điều lệ từ 5,376 tỷ đồng lên 10,75 tỷ đồng. Đi đôi với nhiệm vụ đổi mới sản xuất, doanh nghiệp đã thay đổi phương thức điều hành, sử dụng hiệu quả lao động, giảm bớt bộ phận hành chính, tập trung nguồn lực cho vùng nguyên liệu chè búp tươi, đầu tư thâm canh để tăng năng suất cây chè. Nhờ chất lượng nông sản tăng, giá bán ổn định cho nên lương của công nhân chế biến đã tăng từ sáu triệu đồng/tháng trước đây lên 10 triệu đồng/tháng hiện nay.

Các mô hình doanh nghiệp đạt hiệu quả cao cũng đã hình thành và phát triển tại nhiều địa phương khác như: Gia Lai, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Bình…, cho thấy hướng đi đúng, phù hợp trong lựa chọn mô hình phát triển của các doanh nghiệp, mặt khác khẳng định sự quyết tâm cao của chính quyền các địa phương trong việc đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới các CTNLN theo chỉ đạo của Chính phủ.

Lựa chọn hướng đi phù hợp

Theo chỉ đạo của Chính phủ, sắp xếp, đổi mới các CTNLN theo hướng duy trì, củng cố và phát triển CTNLN Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chuyển CTNLN Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên; giải thể công ty thua lỗ và chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ. Việc sắp xếp, đổi mới CTNLN phải phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, qua đó xác định cụ thể người sử dụng đất, chủ rừng, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên rừng. Các CTNLN làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh là chính thì chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện cổ phần hóa; các CTNLN làm nhiệm vụ công ích là chính thì thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch. Thông qua đó, tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa; tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân trên địa bàn; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, công ty và người lao động.

Để thực hiện công tác sắp xếp và đổi mới hoạt động của các CTNLN, nhiều địa phương đã xây dựng các phương án quản lý hiệu quả, với các mô hình doanh nghiệp mới. Báo cáo của các địa phương cho thấy, đến giữa năm 2019 đã có 160 trong số 256 công ty hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo quy định. Theo UBND tỉnh Yên Bái, trong việc lựa chọn mô hình công ty, địa phương nhận thấy cần thiết phải lựa chọn phương án cổ phần hóa có nhà đầu tư chiến lược, đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư, đổi mới công nghệ, liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng giá trị nông, lâm sản. Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, xuất hiện nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và xây dựng Cường Thịnh Thi (Tập đoàn Cường Thịnh Thi) có năng lực tài chính và khả năng liên kết để đầu tư phát triển lĩnh vực trồng và chế biến gỗ rừng trồng đã quan tâm và đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu cơ hội đầu tư vào bốn công ty lâm nghiệp của tỉnh để thành lập các công ty TNHH hai thành viên trở lên. Tập đoàn Cường Thịnh Thi đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương cho dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao công suất 200.000 m3 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 1.409 tỷ đồng. Hiện nay, nhà đầu tư đang hoàn thiện thủ tục để triển khai xây dựng, dự kiến sau khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 500 lao động tại địa phương. Tại tỉnh Gia Lai, theo báo cáo của địa phương, đến cuối năm 2019 đã cơ bản hoàn thành phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các CTNLN. Trong đó, 11 công ty lâm nghiệp đã chuyển thành công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp 100% vốn Nhà nước và ba công ty nông nghiệp thành công ty cổ phần. Kết quả đạt được sau khi sắp xếp là các công ty lâm nghiệp đã ổn định sản xuất, quản lý đất hiệu quả, công tác bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Các công ty cổ phần bước đầu đã chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, gắn với thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa. Vĩnh Phúc, tỉnh duy nhất có một doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh quản lý thuộc đối tượng sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP là Công ty TNHH Một thành viên nông công nghiệp Tam Đảo. Theo mô hình công ty hai thành viên, năm 2015, tỉnh đã hoàn thành thủ tục thành lập Công ty TNHH Đầu tư và phát triển nông nghiệp VinEco – Tam Đảo. Đây được coi là mô hình mới, tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh và cả nước. Sau khi đi vào hoạt động, công ty sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho hơn 150 lao động thường xuyên và 300 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/năm. Giá trị tài sản doanh nghiệp theo báo cáo kiểm toán đạt hơn 760 tỷ đồng…

Như vậy, việc lựa chọn mô hình hoạt động tại các CTNLN mang tính quyết định cho sự phát triển của doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới. Bên cạnh các địa phương còn yếu kém trong quản lý, thực hiện đã có nhiều địa phương làm tốt, tạo ra sự phát triển ổn định, đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, góp phần bảo vệ tốt tài nguyên đất đai, rừng và tài sản của Nhà nước, đóng góp kinh tế địa phương phát triển…