Nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

BVR&MT – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm đưa các nội dung hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (dnnvv)
Ảnh minh họa nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (dnnvv)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bên cạnh một số kết quả ban đầu đạt được, quá trình triển khai còn gặp nhiều hạn chế và chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng của cộng đồng DNNVV. Cụ thể:

Một là, hệ thống văn bản hướng dẫn còn chậm, một số nội dung được quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP nhưng chưa được triển khai trong thực tế:

Nghị định 39/2018/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về cơ chế cung cấp thông tin giữa Cổng thông tin DNNVV quốc gia và các cổng thông tin, trang thông tin điện tử của các cơ quan khác, dẫn đến chưa có sự liên kết, kết nối nào giữa các kênh thông tin này. Đồng thời, nguồn lực để xây dựng, nâng cấp, vận hành Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV, cơ sở dữ liệu về DNNVV và trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương cũng chưa được ngân sách nhà nước được đảm bảo dẫn đến chất lượng thông tin được cung cấp từ các kênh này chưa hiệu quả.

Hai là, một số quy định hỗ trợ tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích DNNVV, một số nội dung hỗ trợ trọng tâm chưa xác định định mức hỗ trợ gây khó khăn cho địa phương triển khai:

Mức hỗ trợ DNNVV sử dụng dịch vụ tư vấn như quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP còn thấp, chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp, chưa tiệm cận được với mức giá tư vấn trên thị trường. Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, việc nhà nước chỉ đưa ra mức hỗ trợ từ 3, 5 và 10 triệu đồng tương ứng với quy mô doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Đồng thời, DNNVV e ngại việc phải tiến hành nhiều quy trình, thủ tục, trong khi mức hỗ trợ không đủ để khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận các hỗ trợ này.

Ba là, nội dung hỗ trợ cho DNNVV do phụ nữ làm chủ chưa được quy định cụ thể tại Nghị định dẫn tới các DNNVV do phụ nữ làm chủ chưa nhận được các hỗ trợ đặc thù:

Luật Hỗ trợ DNNVV đưa ra nguyên tắc hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ nhưng Nghị định 39/2018/NĐ-CP mới chỉ có quy định về hỗ trợ học viên đến từ DNNVV do phụ nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khoá đào tạo khởi sự doanh nghiệp và quản trị kinh doanh. Nhiều đơn vị phản ánh cần bổ sung một số hỗ trợ đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ, từ đó góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, đồng thời là cơ sở để các tổ chức hiệp hội có thể triển khai các chính sách hỗ trợ cho hội viên và huy động các nguồn lực quốc tế cho hoạt động hỗ trợ này.

Bốn là, hạn chế trong việc bố trí nguồn lực để triển khai:

Ở cấp địa phương, nguồn kinh phí hỗ trợ DNNVV còn hạn chế so với nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp, một số địa phương chỉ cân đối đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu theo kế hoạch, Đề án đã phê duyệt. Trong khi đó, nguồn lực trung ương cũng chưa bố trí được để tập trung vào triển khai một số chương trình, chính sách trọng tâm.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP là cần thiết nhằm đưa các nội dung hỗ trợ DNNVV đã được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống hiệu quả hơn.