Nâng cao giá trị thông qua liên kết sản xuất

BVR&MT – Mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp những năm qua đã và đang được các tỉnh, thành phố trên cả nước quan tâm thực hiện góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Trồng rau có liên kết sản xuất đang mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh (Ninh Bình).

Ở nhiều địa phương, thông qua việc hợp tác, liên kết sản xuất đã giúp bà con nông dân nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác.

Hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất trên cùng một cánh đồng sẽ giúp giảm chi phí sản xuất do hầu hết các khâu được cơ giới hóa, tăng khả năng tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng. Liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau và nông dân với doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, cung cấp sản phẩm nông sản đủ về số lượng, đồng đều về chất lượng. Từ đó, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm thời gian cho doanh nghiệp thực hiện hợp đồng sản xuất, kinh doanh với đối tác để tiêu thụ sản phẩm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2018 các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã trở nên khá phổ biến. Qua thống kê, cả nước có 6.800 mô hình với khoảng một triệu ha diện tích liên kết. Đặc biệt, nhờ việc liên kết, hợp tác trong sản xuất cho nên cả nước đã có gần 600 nghìn ha cánh đồng lớn được xây dựng, trong đó trồng lúa 516,9 nghìn ha, chiếm 89,2% với khoảng 619 nghìn hộ tham gia. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có diện tích sản xuất lớn nhất với 427,8 nghìn ha, chiếm 73,9% diện tích cánh đồng lớn của cả nước; vùng đồng bằng sông Hồng có 67,6 nghìn ha, chiếm 11,7%. Việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với sản xuất truyền thống. Theo tính toán, ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi héc-ta lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20 đến 25%, thu lãi thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Còn ở miền bắc giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17 đến 25% tùy theo từng địa phương. Ngoài ra, cả nước đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.096 chuỗi, 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản an toàn thực phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã hình thành nhiều chuỗi liên kết dưới các hình thức chăn nuôi gia công, HTX chăn nuôi, doanh nghiệp và nông dân cùng làm như: chuỗi sản xuất thịt lợn, gia cầm; chuỗi sản xuất trứng, sữa bò…

Thành công đáng ghi nhận là xuất hiện các chuỗi liên kết để xuất khẩu thịt gà, trứng chim cút sang Nhật Bản; chuỗi chăn nuôi, xuất khẩu lợn sữa.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có hơn 7 nghìn ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, trong đó có 864 ha lúa và 113 ha cây màu sản xuất theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; hơn 500 ha sản xuất theo chuỗi giá trị có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh nhưng việc liên kết trong sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng khoa học – công nghệ của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tốt. Với năng suất lúa tươi từ 50 đến 55 tạ/ha/vụ, giá thu mua lúa tươi tại ruộng là 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư nông dân có lãi hơn so với sản xuất truyền thống từ 8 đến 18 triệu đồng/ha. Thông qua các hợp đồng liên kết sản xuất giúp nâng cao nhận thức của người dân về canh tác theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tuy nhiên, hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức cho nên chưa hấp dẫn để thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia; đầu ra nông sản hàng hóa chưa thật sự ổn định, vẫn còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Hơn nữa, việc liên kết tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp với nông dân còn hạn chế. Nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh; phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi trên cơ sở phát huy lợi thế chưa trở thành phổ biến. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến với kết nối thị trường chưa rõ; thiếu giải pháp chính sách thực hiện hiệu quả, nhất là với khâu kết nối thị trường đang còn hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, các vấn đề về môi trường, công nghiệp phụ trợ…

Để việc hợp tác, liên kết sản xuất đạt kết quả tốt, thời gian tới các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.