Nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc vùng biên giới

BVR&MT – Tây Ninh xác định việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở các xã vùng biên, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu.

Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài 240km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, có 20 xã biên giới thuộc 5 huyện, thị xã gồm: huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng. Khu vực này có 21 dân tộc thiểu số sinh sống; có 5.551 hộ/20.415 nhân khẩu (tính đến ngày 30/6/2023), trong đó, nhiều nhất là dân tộc Khmer, với khoảng 2.392 hộ/9.229 nhân khẩu. Tỉnh xác định việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở các xã vùng biên, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, góp phần đảm bảo an ninh biên giới, xóa đói giảm nghèo, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh hiện có 61/71 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 20 xã biên giới. Trong 20 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới, có 13 xã có số đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ứng với 13 cụm dân cư. Các xã nông thôn mới ở biên giới được ưu tiên về cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm đến tận các ấp. Đặc biệt, giao thông nội đồng, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm, giúp đồng bào dân tộc ổn định cuộc sống.

Điển hình như xã Hòa Hiệp (huyện Tân Biên) được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019. Đến nay, theo Bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới năm 2023, xã đạt 18/19 tiêu chí, đạt 94,74%. Tình hình đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương ổn định. Kinh tế – xã hội có những chuyển biến tích cực. Người dân an tâm lao động sản xuất, từng bước phát triển về kinh tế. Chất lượng về y tế, giáo dục ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đạt khoảng 200 triệu đồng/hộ. Mục tiêu của UBND xã Hòa Hiệp là phấn đấu đạt và giữ vững 19/19 tiêu chí nông thôn mới, tiến tới thực hiện theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Ông Huyn Bích, 61 tuổi, người Khmer uy tín tại ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên chăm sóc cây cao su. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Ông Huyn Bích, 61 tuổi (ngụ ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp) – người Khmer uy tín tại địa phương cho biết, hơn 10 năm trước, đời sống người dân nơi đây rất khó khăn. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới đồng bào, đến nay, kinh tế địa phương ổn định. Đời sống người dân dần thay đổi rõ rệt.

“Chính quyền quan tâm làm trường để con em chúng tôi được học hành. Trạm xá được đầu tư xây dựng, khi đau bệnh, người dân được khám, chữa trị kịp thời. Đường sá được chú trọng đầu tư đến từng xóm, ấp. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản vô cùng thuận tiện. Việc làm được đảm bảo, người dân có thu nhập ổn định, người nghèo được chính quyền hỗ trợ xây tặng nhà tình thương. Bà con có nhà cửa khang trang, không còn cảnh đói nghèo như trước” ông Huyn Bích phấn khởi cho biết.

Mô hình trồng cây chôm chôm tại xã Hòa Hiệp (Tân Biên, Tây Ninh). Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Trường Trung học Cơ sở Hòa Hiệp là một trong những ngôi trường ở biên giới được đầu tư khá bài bản. Bà Trương Thị Thanh Trúc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường hiện có 418 học sinh, trong đó học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được địa phương đầu tư tương đối đầy đủ. Trường được đầu tư các phòng dạy học chức năng như: Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học… đảm bảo thực hiện dạy học một ca. Năm học vừa qua, trường có 4 học sinh giỏi cấp huyện, 2 học sinh giỏi cấp tỉnh, thể dục thể thao đạt 10 huy chương Vàng, Bạc, Đồng cấp huyện và cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tây Ninh xác định phát triển kinh tế biên mậu là vấn đề then chốt, nhằm ổn định dân cư, phát triển kinh tế kết hợp với an ninh quốc phòng, giáo dục, dân tộc, tôn giáo… ở biên giới. Hiện, đồng bào Khmer đa số biết tiếng Việt nhưng chưa thông thạo. Một số khu vực cộng đồng dân cư còn tương đối khép kín. Việc hòa nhập cộng đồng chưa được tốt, ảnh hưởng đến việc tuyên truyền vận động các chính sách của Nhà nước đến với người dân. Tỉnh đã đề ra nhiều chính sách nhằm giảm dần khoảng cách này.

Mô hình trồng cây chôm chôm tại xã Hòa Hiệp (Tân Biên, Tây Ninh). Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Thời gian tới, để phát triển kinh tế – xã hội vùng biên, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp quan trọng như: Tạo sinh kế, việc làm ổn định cho người dân, trong đó lấy phát triển cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chính sách xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền về các chủ trương mang lại nhiều lợi ích cho người dân, lấy người dân làm chủ thể, là người thụ hưởng…

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, tỉnh hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao chất lượng lao động của người dân tộc thiểu số, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, tỉnh chú trọng triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân.

Đời sống, sinh kế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên của tỉnh Tây Ninh chủ yếu gắn liền với sản xuất nông nghiệp như: Canh tác lúa, mía, cao su, chăn nuôi gia súc, làm thuê tại các trang trại… Đồng bào chịu khó lao động, đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn con giống trong chăn nuôi. Nhiều hộ cho con cái học đến đại học và trở về phục vụ lại địa phương. Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, từng bước phát triển toàn diện nông thôn, gắn với cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp, từ đó tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo nền tảng ổn định để phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở biên giới.