BVR&MT – Các nhóm bảo tồn nói rằng thiên nhiên phải là nền tảng cho kế hoạch phục hồi kinh tế vì lợi ích của con người, sức khỏe và các nền kinh tế.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về “nạn săn trộm tăng vọt” khi cộng đồng nông thôn mất đi nguồn thu nhập sống còn.
Ở Campuchia, 1% toàn bộ quần thể một loài chim cực kỳ nguy cấp đã bị xóa sổ trong một vụ việc.
Tổ chức WCS cho biết 3 trong số chỉ vài trăm cá thể cò quăm lớn còn lại đã bị đầu độc.
Và hơn 100 cá thể giang sen đã bị giết tại địa điểm khu ramsar Prek Toal của Campuchia – nơi có đàn chim nước lớn nhất Đông Nam Á.
Giới bảo tồn lưu tâm đến sự gia tăng săn bắn các loài được bảo vệ kể từ khi virus corona lây lan và bắt đầu phá vỡ các hệ thống kinh tế – xã hội truyền thống ở khu vực nông thôn.
Colin Poole, Giám đốc khu vực thuộc WCS tại Phnom Penh cho biết: “Đột nhiên, người dân nông thôn gần như không còn gì để trông vào ngoài tài nguyên thiên nhiên và chúng ta đã thấy nạn săn trộm tăng đột biến”.
Các tổ chức bảo tồn cần làm hết sức mình để hỗ trợ người dân địa phương. “Họ là tuyến phòng thủ cuối cùng cho những khu rừng này, những con chim này, những vùng đất ngập nước này, và họ là những người cần được hỗ trợ ngay bây giờ để có những lựa chọn thay thế chứ không cần phải chuyển sang khai thác tài nguyên thiên nhiên để tồn tại”, Poole chia sẻ.
Ở Ấn Độ, đã có ghi nhận về nạn săn trộm hổ tăng đột ngột, trong khi có nhiều lo ngại ở châu Phi rằng tê giác và các loài có nguy cấp khác có thể gặp nguy hiểm.
Matt Brown, Giám đốc khu vực châu Phi thuộc Nature Conservancy lý giả nguyên nhân là sự sụt giảm đột ngột doanh thu du lịch tại một số khu bảo tồn động vật hoang dã và vườn quốc gia quan trọng của châu Phi do hậu quả của đại dịch.
“Mối quan ngại là làm thế nào để các khu vực này duy trì hiệu quả tuần tra và an toàn động vật hoang dã khi khoảng 50% doanh thu theo kế hoạch trong năm nay đã giảm xuống con số không tròn trĩnh”.
Việc đóng cửa các doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà máy sản xuất đã khiến nhiều người mất việc, đặt trong bối cảnh du lịch sụt giảm thì thật là “họa vô đơn chí”.
“Có thể áp lực săn trộm trực tiếp gia tăng lên động vật hoang dã do kinh tế toàn cầu suy thoái,” Matt Brown phân tích.
Bộ trưởng tài chính các nước G20 mới nhóm họp để thảo luận về kế hoạch phục hồi kinh tế, giải quyết các tác động từ đại dịch.
Nhóm bảo tồn Campaign for Nature bao gồm các chuyên gia từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đang kêu gọi các bộ trưởng đưa bảo vệ thiên nhiên vào kế hoạch này.
Hugo van der Westhuizen thuộc Hiệp hội Động vật học Frankfurt cho biết hơn bao giờ hết đây là thời điểm để định giá lại giá trị của thiên nhiên.
“Bảo tồn không thể được xây dựng và duy trì dựa trên thu nhập từ du lịch hoặc từ nhà tài trợ. Covid-19 đang dạy chúng ta rằng chúng ta coi thiên nhiên – cùng với nước sạch và không khí – là điều hiển nhiên nên không hề coi trọng, và dường như chúng ta phải mất đi thứ gì đó thì mới nhận ra giá trị của nó. Thiên nhiên không thể được tái tạo một khi đã biến mất”.
Thế Anh (Theo BBC)