Nạn phá rừng tại Amazon tác động sức khỏe hơn 12 triệu người

BVR&MT – Các nhà khoa học từ Quỹ Oswaldo Cruz và Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia của Brazil đã cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe người dân sinh sống quanh khu vực rừng rậm Amazon.

Một người bản địa thuộc bộ tộc Kayapo quan sát cảnh tàn phá do lâm tặc để lại ở vùng đất Menkragnoti (Brazil). (Nguồn: aljazeera.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Quỹ Oswaldo Cruz của Brazil, ngày 2/10, đã công bố báo cáo, trong đó nhấn mạnh nạn phá rừng mưa nhiệt đới Amazon khiến khu vực rừng rậm này đứng trước bờ vực trở thành vùng đồng cỏ xavan với hệ sinh thái trảng cỏ xen cây bụi, dẫn đến việc hơn 12 triệu người có thể gặp rủi ro về sức khỏe do nắng nóng khắc nghiệt.

Trong nghiên cứu về tác động của nạn chặt phá rừng và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, các nhà khoa học từ Quỹ Oswaldo Cruz và Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân sinh sống quanh khu vực rừng rậm Amazon.

Theo các nhà khoa học, việc diện tích rừng Amazon chuyển sang hệ sinh thái thảo nguyên thay vì rừng nhiệt đới sẽ gây ra nguy cơ sốc nhiệt, một trạng thái, trong đó điều kiện môi trường thay đổi theo hướng không thuận lợi cho con người có thể duy trì nhiệt độ cơ thể.

Nhà khoa học Beatriz Alves, đồng tác giả của báo cáo, giải thích, “khi ở trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm không khí cao, cơ thể chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trao đổi nhiệt với môi trường bên ngoài, và điều này trong một số trường hợp có thể gây tử vong”.

Bà Alves nhấn mạnh, với quá trình đô thị hóa như hiện nay, nhất là nguy cơ rừng nhiệt đới Amazon trở thành thảm thực vật xavan, tình trạng sốc nhiệt sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến người dân sống quanh khu vực Amazon và khu vực phía bắc của Brazil. Đây là những địa phương có nguy cơ cao dễ bị tổn thương về mặt xã hội.

Theo ước tính, khoảng 30 triệu người sẽ chịu tác động của tình trạng sốc nhiệt cũng như những tác động khác về mặt sức khỏe do “thảo nguyên Amazon” gây ra từ nay đến năm 2100.

Trong báo cáo, các nhà khoa học kêu gọi nâng cao nhận thức toàn cầu để hạn chế biến đổi khí hậu và yêu cầu đưa ra các chính sách mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ Brazil nhằm giảm thiểu nạn phá rừng nhiệt đới Amazon.