Nam Sơn (Sóc Sơn – Hà Nội): Đất rừng ngang nhiên bị khai thác trái phép, chính quyền có buông lỏng quản lý?

BVR&MT – Những ngày qua, tại khu vực giáp ranh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, trên địa bàn xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) người dân đang vô cùng bức xúc trước thực trạng đất rừng có dấu hiệu bị khai thác trái phép diễn ra một cách ngang nhiên nhưng không hề bị xử lý. Đáng nói khu vực khai thác được cho là diện tích đất rừng do UBND xã Nam Sơn trực tiếp quản lý.

LTS: Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý đất nông nghiệp, đất rừng, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý đất nông nghiệp, đất rừng đã xảy ra trong thời gian qua; ngày 25/05/2023 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND về “Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; xử lý việc lấn, chiếm và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố” trong đó nhấn mạnh xử lý việc lấn, chiếm đất nông nghiệp, đất rừng tại các quận, huyện, thị xã; làm rõ trách nhiệm Quản lý Nhà nước về đất đai của UBND cấp xã, cấp huyện và các tổ chức được giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng trái phép, gây thất thoát lãng phí trong sử dụng tài nguyên đất.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác Quản lý Nhà nước về đất đai, đặc biệt trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công; thực hiện có hiệu quả việc quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với thực tế của Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Chỉ đạo của Thành phố Hà Nội quyết liệt và sát sao là vậy, tuy nhiên tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) việc quản lý đất đai, đặc biệt là đất rừng lại đang có dấu hiệu bị buông lỏng. Với quan điểm báo chí đồng hành cùng chính quyền và doanh nghiệp, Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường xin giới thiệu bài viết: “Nam Sơn (Sóc Sơn – Hà Nội): Đất rừng ngang nhiên bị khai thác trái phép, chính quyền có buông lỏng quản lý?”, được phóng viên ghi nhận thực tiễn với những góc nhìn khách quan, đa chiều, khoa học chuyên ngành về nông lâm nghiệp, tài nguyên môi trường. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao ý thức hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của huyện Sóc Sơn gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Ngang nhiên khai thác đất rừng

Có mặt tại hiện trường phóng viên không khỏi ngỡ ngàng bởi diện tích đất rừng bị xâm hại là khá lớn, lên đến hàng ngàn mét vuông. Chạy dọc theo những mảng đồi rộng lớn là một lớp đất phủ khá cũ, có vẻ khu vực này đã từng bị khai thác thời gian trước đó khá lâu. Sau một thời gian tạm dừng, đến thời điểm hiện tại các đối tượng lại tiếp tục đào bới và khai thác ước tính lên tới hàng ngàn khối đất.

Hàng loạt máy xúc và xe tải đang khai thác và vận chuyển đất rừng tại khu vực giáp ranh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, trên địa bàn xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Ngay phía chân đồi, những chiếc máy xúc công suất lớn đang gầm rú, liên tục khoét vào mảng đồi cũ để cào những lớp đất mới xuống. Phía trên là những mảng rừng xanh rì đang chênh vênh như sắp lở xuống bất cứ lúc nào. Phía dưới là những chiếc xe tải đang chờ chực để chở đất mang đi. Cảnh tượng diễn ra vô cùng tấp nập hệt như một đại công trường đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, chỉ có điều tính pháp lý của nó đến đâu thì chẳng ai dám chắc.

Theo dấu các xe chở đất, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã ghi nhận các phương tiện này thường xuyên tập kết đất tại một địa điểm trên địa bàn tại xã Hồng Kỳ cách khu vực khai thác không xa, sau đó tiếp tục vận chuyển đi nơi khác để tiêu thụ. Trong quá trình vận chuyển các xe này khiến đất rơi vãi khắp mặt đường không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây mất an toàn giao thông.

Đất rơi vãi ra đường gây ô nhiễm môi trường, khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Trao đổi cùng phóng viên, một người dân gần khu vực khai thác cho biết: “Thời gian qua tôi được biết Thành phố Hà Nội và các ban ngành đã nghiêm cấm việc san gạt, khai thác đất rừng dưới mọi hình thức, vậy nhưng không hiểu sao từ nhiều ngày nay tại đây hàng trăm lượt xe tải vẫn đua nhau ra vào lấy đất rồi mang đi nơi khác tiêu thụ. Điều này vừa ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn lại vừa gây thất thoát tài nguyên. Không hiểu chính quyền và lực lượng chức năng ở đâu mà không hề thấy xử lý khiến người dân chúng tôi vô cùng bức xúc”.

Bãi trạc thải đang ngày một “phình to” ngay cạnh khu vực khai thác đất.

Không dừng lại ở đó, ngay tại khu vực khai thác đất rừng cũng đang dần hình thành một mặt bằng lớn được tạo nên bởi một khối lượng không nhỏ trạc thải xây dựng. Việc san lấp trái phép này theo người dân cũng mới được thực hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên diện tích này vẫn đang ngày một “phình lên” trước những băn khoăn của dư luận.

Chính quyền có buông lỏng quản lý?

Ngay sau khi ghi nhận quá trình khai thác đất rừng tại khu vực giáp ranh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã liên hệ và đặt lịch làm việc với UBND xã Nam Sơn, UBND huyện Sóc Sơn. Mặc dù vậy, với lý do bận công tác ông Hoàng Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn đã từ chối làm việc với phóng viên. Thay vào đó, trả lời qua điện thoại vị này cho biết khu vực đang khai thác là đất công của xã, xã đang cho một số anh em san gạt mặt bằng để làm bãi đỗ xe chở rác.

Khu vực khai thác đất trên bản đồ vệ tinh.
Đối chiếu trên bản đồ Cổng thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho ra khu vực trên là đất rừng phòng hộ.

Nghi vấn trước câu trả lời của vị Chủ tịch UBND xã Nam Sơn phóng viên đã tìm hiểu và đối chiếu khu vực đất rừng đang bị khai thác trên bản đồ Cổng thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì cho ra kết quả khu vực trên là đất rừng phòng hộ. Như vậy việc san gạt mặt bằng khu vực đất công đang trồng rừng trên để làm bãi đỗ xe chở rác như lời ông Chung phân trần liệu có đúng quy định? Kéo theo đó là việc các đối tượng lợi dụng việc san gạt đất rừng để vận chuyển ra ngoài tiêu thụ gây thất thoát tài nguyên thì trách nhiệm của chính quyền sở tại sẽ ra sao?

Những câu hỏi trên xin gửi tới UBND huyện Sóc Sơn, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan hữu quan nhằm kịp thời chấn chỉnh những vi phạm nếu có liên quan đến công tác quản lý đất đai, đặc biệt là đất rừng tại xã Nam Sơn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo.

Trước những sai phạm liên quan đến đất rừng, thời gian qua huyện Sóc Sơn đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. UBND huyện ban hành 6 kế hoạch và hơn 90 văn bản chỉ đạo trong công tác Quản lý Nhà nước về đất đai, đất rừng và trật tự xây dựng; thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân về các hành vi vi phạm đất đai, trật tự xây dựng để xử lý ngay, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới. Đồng thời, huyện đã xử lý, kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên có liên quan…


Phóng viên BVR&MT