Nam Định tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp

BVR&MT – Là tỉnh duyên hải trọng điểm nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng, Nam Định có bờ biển dài 72 km, diện tích tự nhiên hơn 165 nghìn héc-ta, trong đó có 78 nghìn héc-ta đất lúa, 15 nghìn héc-ta nuôi trồng thủy sản. Với điều kiện đất đai màu mỡ, chủ động tưới tiêu, người nông dân cần cù, sáng tạo, Nam Định có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Thu hoạch rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Cường, xã Yên Cường, huyện Ý Yên.

Bước chuyển về chất lượng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, triển khai thực hiện Quyết định số 899/QÐ-TTg (ngày 10-6-2013) của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), ngày 17-7-2014, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp đến ngày 30-7-2014, UBND tỉnh có Quyết định số 1346/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Ðịnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 – 2020 (sau đây gọi tắt là Ðề án), đồng thời bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện Ðề án cho Ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp. Theo đó, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạnh hình thức thuê gom, tích tụ ruộng đất, mở rộng kinh tế hộ và kinh tế trang trại, gia trại; phối hợp hoàn thiện và phát triển các mô hình liên kết chuỗi trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho các nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nam Ðịnh Ðỗ Hải Ðiền, sau thời gian triển khai Ðề án, nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp đã có bước đột phá, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong ba năm qua, tỉnh đã chuyển đổi hơn 3.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, hoa, cây cảnh hoặc hình thành vùng nuôi trồng thủy sản. Ðồng thời, xây dựng được 151 cánh đồng lớn ổn định, đạt tiêu chí với diện tích hơn 6.500 ha để sản xuất hàng hóa tập trung; 20 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các nông sản, thực phẩm hàng hóa, điển hình như chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty Cường Tân; chuỗi liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty Hùng Vương; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến ngao sạch xuất khẩu của Công ty Lenger… Trong đó, Công ty TNHH Toản Xuân sau hơn ba năm thành lập, đã tập trung được 2.000 ha ruộng đất trồng lúa tại sáu huyện sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật của công ty. Với dây chuyền máy móc hiện đại (trị giá hơn 70 tỷ đồng) và quy trình chuyển giao cây giống, giám sát chăm bón, bao tiêu sản phẩm kỹ lưỡng, Toản Xuân bảo đảm được chất lượng hạt gạo. Sản phẩm của công ty được tiêu thụ tại 18 tỉnh, thành phố phía bắc, bốn tỉnh miền trung và TP Hồ Chí Minh.

Ðiểm sáng tạo của Nam Ðịnh trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là thành lập Hiệp hội Nông sản sạch, với sự tham gia của 35 doanh nghiệp (DN) có sản phẩm được chứng nhận chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, GMP, SSOP…, có tem truy xuất nguồn gốc (QR Code). Dù hoạt động chưa lâu, Hiệp hội đã chứng tỏ là bước đi đúng đắn của ngành nông nghiệp tỉnh trong nỗ lực xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực. Ðược sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Hiệp hội đã xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, với khoảng 200 nông sản đặc trưng, thế mạnh không chỉ của Nam Ðịnh mà còn của nhiều tỉnh, thành phố khác. Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội nông sản sạch Nam Ðịnh cho biết, với phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng tập thể”, các DN thành viên Hiệp hội đã liên kết chặt chẽ, hỗ trợ cùng nhau phát triển. So thời gian trước, doanh thu của các DN trong Hiệp hội đều tăng từ 20 đến 30%.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Ðỗ Hải Ðiền khẳng định, với bước chuyển cơ bản về chất lượng, giá trị sản phẩm, tỷ trọng nông sản, thực phẩm sản xuất hàng hóa toàn tỉnh đã tăng từ dưới 20% (năm 2008) lên hơn 70% (năm 2018), giá trị kinh tế trên mỗi héc-ta canh tác tăng từ 95,4 triệu đồng (năm 2015) lên 106 triệu đồng (năm 2018), hiệu quả sản xuất lúa tăng 10% so với trước. Về chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có 313 trang trại đạt tiêu chí mới, lợi nhuận bình quân 250 triệu đồng/trang trại/năm. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm từ 60% năm 2015 xuống còn dưới 40% năm 2018. Kinh tế thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7 đến 8%/năm, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Sản lượng thủy sản năm 2018 ước đạt 149,5 nghìn tấn, tăng 23% so năm 2015, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 90,1 nghìn tấn, khai thác đạt 48,3 nghìn tấn.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bên cạnh những chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân hoạt động hiệu quả, vẫn còn một số thủ tục hành chính chưa được tháo gỡ, đang “làm khó” DN nông nghiệp, nhất là DN liên kết với các tập đoàn quốc tế.

Bà Phạm Thị Sen (xóm 11, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh) trước kia là nông dân “chân lấm tay bùn” trên đồng ruộng, vất vả một nắng hai sương nhưng hiệu quả kinh tế từ trồng lúa rất thấp. Năm 2017, bà Sen giao sáu sào ruộng cho Công ty CP Rau quả sạch Ngọc Anh thuê với thời hạn 5 năm và được tuyển dụng vào làm trong DN. Bà là một trong khoảng 40 lao động của Công ty Ngọc Anh, DN đã thuê gom, tích tụ được hơn 10 ha trồng rau quả sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP bằng phương pháp thủy canh. Trao đổi với chúng tôi, bà Sen hồ hởi nói: “Mỗi tháng tôi được 4,5 triệu đồng, tiền thuê đất được 60 kg/sào mỗi vụ, thấy tốt hơn trồng lúa nhiều”.

Niềm vui của bà Sen lại là nỗi lo của DN. Giám đốc Công ty Ngọc Anh Lâm Văn Lưu cho biết, khu trồng rau thủy canh được đầu tư xây dựng hiện đại, từ công nghệ trồng rau tự động đến hệ thống điều khiển lượng nước, dẫn chất dinh dưỡng nuôi cây… Riêng hệ thống nhà lưới bảo vệ rau trước các điều kiện thời tiết không thuận lợi và dịch bệnh đã trị giá hơn sáu tỷ đồng. Rau trồng thủy canh có chất lượng đồng đều, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với giá bán chênh lệch khoảng 30 đến 50% so rau củ truyền thống, sản lượng 45 tấn/tháng và địa bàn tiêu thụ dồi dào, những tưởng Công ty Ngọc Anh đang có lãi cao và sẽ nhanh chóng mở rộng diện tích sản xuất, tăng sản lượng do nhu cầu tăng cao của thị trường, nhưng công ty không dám mở rộng sản xuất, thuê thêm lao động vì “càng mở ra càng… chết”.

Ông Lưu chia sẻ: Bây giờ DN đầu tư vào nông nghiệp cần nhất là vốn để cơ giới hóa, nhưng quy trình thủ tục vay vốn vẫn rườm rà, khó khăn. Như Công ty Ngọc Anh đã được tỉnh nhất trí chủ trương cho chuyển đổi hơn 45 ha từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, nhưng toàn bộ hệ thống công trình, nhà xưởng nhiều tỷ đồng đều không được tính giá trị khi làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Thêm nữa, công ty vẫn phải trả đầy đủ các phí dịch vụ cho hợp tác xã dù không sử dụng. “Khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ DN khiến chúng tôi rất khó bứt lên. Chẳng hạn như tháng Tết này, nhu cầu thị trường lên tới 150 tấn rau quả sạch, nhưng chúng tôi cố lắm cũng chỉ đáp ứng được 50 tấn” – ông Lưu nhìn nhận.

Cùng quan điểm của ông Lâm Văn Lưu, Giám đốc Công ty TNHH Biển Ðông DHS Vũ Trọng Nghĩa cho biết, là tổ hợp sản xuất, chế biến thịt lợn hàng đầu miền bắc với diện tích 21 ha, mức đầu tư 350 tỷ đồng và công suất lên 2.500 đến 2.700 con/ngày, Nhà máy của Công ty Biển Ðông DHS (xã Hải Nam, huyện Hải Hậu, Nam Ðịnh) hợp tác với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Công ty Deawon (Hàn Quốc). Ðược khánh thành đầu tháng 11-2018, nhà máy đang gấp rút hoàn tất thủ tục để sớm chính thức đưa vào hoạt động, nhưng còn nhiều vướng mắc, trong lúc đối tác quốc tế yêu cầu gắt gao về tiến độ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh Nguyễn Phùng Hoan: Hiện nay, Chính phủ đã ban hành tương đối đầy đủ các cơ chế chính sách như Nghị định 57/2018/NÐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NÐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các nghị định về tín dụng, bảo hiểm sản xuất nông nghiệp… Tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành để nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị định 57 vào địa bàn tỉnh, trong tháng 3-2019 phải báo cáo UBND. Thời gian tới, Nam Ðịnh sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp; chuyển đổi mô hình hợp tác xã cũ thành hợp tác xã chuyên ngành; hướng các hộ trang trại từng bước phát triển thành DN nông nghiệp nông thôn, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Chính phủ.