Nắm bắt lợi thế để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn

BVR&MT – Từ năm 2000, Đà Nẵng đã ban hành những chủ trương, chính sách làm nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Đặc biệt trong tháng 8/2023, UBND thành phố ban hành Kế hoạch về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đến năm 2030, trong đó xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch. Với lợi thế có sẵn về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, thành phố đã đưa ra những kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm thiết kế, sản xuất vi mạch bán dẫn của cả nước và quốc tế.

Đảm bảo cơ sở hạ tầng

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, hạ tầng của thành phố đảm bảo sẵn sàng phục vụ các tập đoàn, doanh nghiệp điện tử, vi mạch, bán dẫn. Thành phố hiện có 1 khu công nghệ cao, 6 khu công nghiệp và chế xuất và 3 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đang hoạt động (Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu phức hợp FPT, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn 1).

Thành phố đã đầu tư xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác; tiếp tục mở rộng Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn 2; thu hút đầu tư Khu Không gian sáng tạo Hòa Xuân; hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Tòa nhà công nghệ cao Viettel, Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay.

Các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch tại Đà Nẵng gồm: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fpt Semi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư, đa số được đào tạo từ các trường Đại học tại thành phố. Ngoài ra, thành phố có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động.

Đa số các doanh nghiệp thực hiện gia công thiết kế và nghiên cứu, ứng dụng ở mức FPGA (một loại mạch tích hợp cỡ lớn dùng cấu trúc mảng phần tử logic mà người dùng có thể lập trình được) như: Thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình mặt đất, giải mã video; Trạm đo mưa tự động – Vrain (đã triển khai trên 2.000 trạm tại gần 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; sản phẩm đạt giải Nhất Vifotec năm 2019); Hệ thống quan trắc môi trường nước, không khí; Hệ thống camera giao thông thông minh (triển khai tại Đà Nẵng và Hội An); Tường lửa (đạt giải Ba Vifotec năm 2018)…

Sẵn sàng về nguồn lực

Theo báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng, mỗi năm có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp. Hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành này là khoảng 900 sinh viên.

Đại diện Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho hay, để phục vụ đào tạo cho các học phần thực hành liên quan đến lĩnh vực Vi mạch bán dẫn, trường đã đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm Vi điều khiển, Điện tử công suất, Hệ thống nhúng, Công nghệ vật liệu, Đo lường điện tử, Đo lường chính xác, Xưởng điện tử, phòng máy tính… Bên cạnh đó, nhà trường hiện có 20 giảng viên, giảng dạy các học phần liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn (trên 90% có học vị Tiến sỹ)

Năm 2024, nhà trường dự kiến mở mới chuyên ngành Vi điện tử đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2024 – 2025. Chuyên ngành mới sẽ cung cấp hằng năm 60-100 nhân lực chuyên sâu, có thể thích ứng nhanh sau khi được tuyển dụng. Trường cũng dự định mở các chuyên ngành đào tạo đặc thù kết hợp với doanh nghiệp, có thể thông qua hình thức doanh nghiệp sẽ tài trợ các khoản chi phí và sinh viên sẽ cam kết làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Xác định Vi mạch bán dẫn là một ngành đào tạo cần phải chuẩn bị kỹ về nguồn lực, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng) đã xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất từ rất sớm. Năm 2020, trường đưa vào nội dung đào tạo và nghiên cứu vi mạch bán dẫn; năm 2021, tiếp tục mở các lĩnh vực như: IoT, hệ thống nhúng, các học phần về thiết kế mạch điện tử, vi xử lý… Năm 2022, nhà trường khởi công Lab thiết kế vi mạch. Đặc biệt, sau gần 1 năm chuẩn bị với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đối tác, năm 2023, nhà trường mở chương trình đào tạo Kỹ sư thiết kế vi mạch.

Ông Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng) cho biết, dự kiến chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch gồm 160 tín chỉ với thời gian đào tạo 4,5 năm. Bên cạnh đó, trường sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo và chuyển tiếp sinh viên đang học các ngành gần như: Công nghệ kỹ thuật máy tính, Hệ thống nhúng và IoT, Công nghệ thông tin sang định hướng thiết kế vi mạch bán dẫn. Từ năm 2024 – 2027, nhà trường dự kiến tuyển sinh khoảng 500 chỉ tiêu; chuyển tiếp 180 sinh viên các ngành gần sang thiết kế vi mạch bán dẫn. Năm 2024, trường mở chương trình đào tạo Thạc sỹ liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn; năm 2028 trở đi trường sẽ có sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Khu Công viên phần mềm số 2 thành phố Đà Nẵng đang dần được hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Triển vọng phát triển

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, thành phố có nền tảng, điều kiện thuận lợi trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn. Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Nhận thức được tầm quan trọng đó, một trong năm lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển của thành phố là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Năm 2022, kinh tế số chiếm 19,7% GRDP thành phố. Đà Nẵng có gần 2.500 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP; có tối thiểu 8.950 doanh nghiệp, 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, khu công viên phần mềm.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống nhất và sớm thành lập Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có lợi thế hơn so với các địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên là nguồn nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật công nghệ được đào tạo bài bản từ nhiều cơ sở đào tạo trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, thành phố có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, cần nắm bắt và triển khai một cách cụ thể, phù hợp trong thời gian tới. Do đó, thành phố sẽ xây dựng Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch; trong đó, thành lập Tổ công tác và tư vấn liên ngành với sự tham gia của các sở, ngành, một số chuyên gia để tham mưu xây dựng đề án và các nội dung liên quan. Thành phố nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trên địa bàn, trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT khẳng định, Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Thành phố có nhiều ưu điểm để phát triển công nghệ bán dẫn như khu công nghệ cao với diện tích 5 – 100 ha; không gian 300 ha cho nghiên cứu phát triển và đào tạo; nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới cho vay…

Đặc biệt, lãnh đạo thành phố có chủ trương phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn là động lực tăng trưởng mới. Với những điều kiện có sẵn, Đà Nẵng có thể thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng xây dựng nhà máy bán dẫn trên địa bàn; xây dựng thành phố trở thành địa điểm có nhiều nhà máy bán dẫn, góp phần nội địa hóa chuỗi cung ứng bằng cách làm trọn vẹn quy trình gồm thiết kế, sản xuất, đóng gói, kinh doanh…

NGUỒNbaotintuc.vn
CHIA SẺ