BVR&MT – Năm 2018 ghi nhận kết quả chăn nuôi đạt nhiều “điểm sáng”, đồng thời cũng là năm được đánh giá “được mùa, được giá”. Doanh nghiệp và người chăn nuôi cơ bản có lãi. Giá cả người tiêu dùng trong nước chấp nhận được.
“Điểm sáng” của ngành chăn nuôi
Năm 2018 là năm được đánh giá “được mùa, được giá” của ngành chăn nuôi khi không chỉ ghi nhận nhiều mặt hàng của ngành chăn nuôi tăng sản lượng đáng kể mà mức giá đều giúp người chăn nuôi, doanh nghiệp kinh doanh cơ bản đều có lãi và người tiêu dùng thực phẩm trong nước chấp nhận được.
Cụ thể, sản phẩm thịt lợn đạt khoảng 3,8 triệu tấn (tăng 2,2%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,1 triệu tấn (tăng 6,1%), trứng gia cầm đạt khoảng 11,5 tỷ quả (tăng 11%), sữa tươi đạt 960 nghìn tấn (tăng 9,0%).
Không chỉ ghi nhận về tăng sản lượng, nhiều mặt hàng chăn nuôi “được giá” trong năm 2018. Với mặt hàng thịt lợn, thị trường phục hồi trở lại, hiện nay với mức giá đạt trên mức 44.000 đồng/kg, giúp người chăn nuôi có lãi. Với việc giá phục hồi trên, chăn nuôi lợn tại một số địa phương như Đồng Nai, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam… sau khi phục hồi kể từ đợt khủng hoảng năm 2017, quy mô chăn nuôi lợn đã dịch chuyển sang hướng tập trung công nghiệp, trang trại lớn và hộ chuyên nghiệp. Theo số liệu thống kê sơ bộ hiện nay, tại tỉnh Đồng Nai có khoảng 94% tổng đàn lợn được nuôi tại trang trại; số liệu trang trại của tỉnh Thái Nguyên là 789, tăng gần 10% so với năm 2017.
Mặt hàng gà lông màu nuôi thả vườn có mức giá cao hơn so với cùng kỳ năm 2017, riêng thời điểm tháng 3 đã tăng cao hơn tới 34%. Thời điểm tháng 5/2018, giá gà công nghiệp lông trắng đã tăng trở lại, bình quân dao động quanh mức 32.000-36.000 đg/kg ở miền Bắc và 26.000-29.000 đg/kg ở miền Nam.
Với mặt hàng trứng gà, trong năm 2018, giá biến động từ 12.000 đồng/1 chục thời điểm đầu năm lên 15.000-17.000 đồng/1 chục thời điểm các tháng giữa năm. Hiện tại giá bình quân tại miền Bắc dao động từ 16.000-18.000 đồng/1 chục, tại miền Nam giá khoảng 14.500-16.500 đồng/1 chục; giá trứng vịt dao động quanh mức 18.000-22.000 đồng/1 chục.
Với sữa tươi cũng ghi nhận mức giá ổn định từ 12.000-13.000 đồng/lít tại miền Bắc, tại miền Nam bình quân khoảng 14.000 đồng/lít; giá thịt bò hơi bình quân dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg tại cả 2 miền.
Năm 2018 cũng ghi nhận “điểm sáng” của ngành chăn nuôi trên lĩnh vực phát triển mô hình liên kết chuỗi trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường. Trong năm, đã khởi công và hoàn thành nhiều hạng mục lớn cho nội dung này. Có thể kể đến nhà máy Hà Nam của Tập đoàn Masan công suất 140.000 tấn thịt lợn/năm với công nghệ hiện đại cho thương hiệu MEAT Deli đã khánh thành và đi vào hoạt động ngày 23/12/2018, trong đó Cục Chăn nuôi đã phối hợp xây dựng 10 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và 6 trang trại chăn nuôi lợn áp dụng VietGAP tại Hà Nam cho vùng nguyên liệu của nhà máy.
Nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn tại huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định do Công ty Biển Đông và Deheus liên kết đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 11/2018 với công suất 350.000 lợn thịt/năm. Khánh thành nhà máy chế biến trứng gia cầm của Công ty DTK Phú Thọ tại tỉnh Phú Thọ công suất 60 nghìn trứng/giờ và nhà máy chế biến trứng của Công ty Ba Huân tại Phúc Thọ, TP. Hà Nội, đạt công suất 65.000 trứng/giờ.
Năm 2018 cũng là năm chưa phát hiện vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; việc lạm dụng hóa chất công nghiệp và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhiễm vi sinh vật có hại được giám sát chặt và kiểm soát tốt hơn.
Những kết quả trên thể hiện cố gắng của ngành chăn nuôi trong năm qua, đồng thời là tiền đề quan trọng cho ngành chăn nuôi gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của ngành.
Tiếp tục cải thiện chất lượng đàn vật nuôi
Chuẩn bị bước sang năm 2019, cùng với những thuận lợi, ngành chăn nuôi cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi hội nhập sâu rộng với quốc tế, đặc biệt khi nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các sản phẩm chăn nuôi cùng loại của các nước có trình độ và kinh nghiệm chăn nuôi lớn hơn Việt Nam.
Cùng với đó là những khó khăn khi chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán vẫn còn chiếm tỷ lệ cao ở nước ta. Năng suất chăn nuôi vẫn còn thấp, giá thành sản phẩm cao. Các vấn đề về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, giết mổ, chế biến và liên kết trong sản xuất vẫn còn nhiều bất cập.
Đặc biệt, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trong ngành chăn nuôi, riêng nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào nước ta là rất cao, đang là “mối lo” cho ngành chăn nuôi lợn nước ta.
Biến đổi khí hậu ngày càng có những tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, trong đó ngành chăn nuôi không là ngoại lệ. Ảnh hưởng của đợt khủng hoảng chăn nuôi lợn năm 2017 vẫn còn không nhỏ, nhiều hộ chăn nuôi lợn không còn vốn và khả năng đầu tư chăn nuôi trở lại. Tổ chức quản lý ngành và nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn sản xuất và đòi hỏi phát triển.
Nắm bắt tình hình trên, ngành chăn nuôi xác định trong năm 2019, sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát. Đặc biệt là tiếp tục cải tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; phát triển giống chất lượng cao, phù hợp với vùng sinh thái; ưu tiên nhập khẩu giống tốt nhằm cho sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao. Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ thực hiện giải pháp tiếp cận, mở rộng thị trường để tăng giá trị xuất khẩu.
Góp phần giải quyết mối quan tâm của ngành về tình hình dịch bệnh, trong năm 2019, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong vụ Thu Đông 2018-2019, đặc biệt là triển khai các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào nước ta.
Năm 2019 cũng là năm ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng quản lý công tác ngành. Trong đó, hoàn thiện 2 nghị định và 7 thông tư triển khai Luật Chăn nuôi đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Hoàn thiện nội dung xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2040. Chỉ đạo và phối hợp triển khai hiệu quả việc phổ biến hệ thống văn bản pháp luật thực hiện Luật Chăn nuôi trên phạm vi cả nước, đảm bảo Luật Chăn nuôi đi vào thực tiễn cuộc sống.