Na Hang – Tuyên Quang: Vốn chương trình 135 là “đòn bẩy” đẩy lùi đói nghèo

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 - 2020)

BVR&MT – Những năm qua, nguồn vốn Chương trình 135 đang trở thành đòn bẩy giúp các địa phương các xã trên địa bàn huyện vùng cao Na Hang thay đổi từng ngày. Đời sống tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt, cái đói, cái nghèo đang dần được đẩy lùi xa. Vốn Chương trình 135 đã phát huy tác dụng ở nơi vùng sâu vùng xa gắn với muôn vàn khó khăn này.

Trên tuyến đường bê tông nối thôn Phiêng Thốc và thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2016, anh Hoàng Văn Sai, Trưởng thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long cho biết: “Trước đây để đi sang các thôn khác vào mùa mưa rất vất vả bởi các con đường chủ yếu là cấp phối rất trơn. Những hôm mưa to đất đá sạt lở bà con bị cô lập, học sinh phải nghỉ học”.

Nhờ nguồn vốn Chương trình 135 đời sống bà con vùng cao Na Hang ngày càng được cải thiện.

Được biết, năm 2016, thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long được nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông dài gần 1km nối với thôn Phiêng Thốc cùng xã, từ khi tuyến đường này được đổ bê tông, giờ bà con đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa dễ dàng hơn rất nhiều, giúp bà con phát triển kinh tế – xã hội, nhiều bà con nơi đây đặt tên cho đoạn đường này là “đòn bẩy”, bởi chính đoạn đường này đã giúp đẩy mạnh hai thôn nghèo của xã Sinh Long phát triển kinh tế…

Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Hoàng Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long- cho biết: “Xã Sinh Long, chủ yếu là đồi núi, người dân lại sống không tập trung nên điều kiện phát triển kinh tế rất khó khăn. Hiện nay toàn xã có 9 thôn đều phải nhận hỗ trợ từ chương trình 135. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn một trong những cách làm mà xã đã áp dụng là trước khi triển khai đầu tư các đầu điểm, xã họp dân và đại diện các thôn để thống nhất địa điểm, phương án đầu tư. Sau khi thống nhất phương án, công trình mới được triển khai xây dựng. Nhờ cách làm đó mà hầu như công trình nào của xã cũng phát huy hiệu quả”.

Cũng tại Na Hang, Tuyên Quang, không chỉ xã Sinh Long sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135, xã Côn Lôn là một trong những xã 135 của tỉnh Tuyên Quang đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, vai trò của nguồn vốn 135 đã thể hiện rất rõ ở nơi đây.

Năm 2014, toàn xã còn 197 hộ nghèo trong tổng số 481 hộ, chiếm tỷ lệ 41%. Kết cấu hạ tầng nông thôn yếu, cơ sở vật chất trường lớp học còn thiếu, cơ sở vật chất văn hóa, công trình nước sạch chưa hoàn thiện. Từ năm 2014 đến năm 2016, bằng nguồn vốn 135 xã Côn Lôn được đầu tư hơn 5 tỷ đồng để phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Người dân đầu tư chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế.

Trong đó năm 2016, xã được đầu tư dự án hỗ trợ phát triển sản xuất 210 triệu đồng, vốn đầu tư và xây dựng cầu tràn bắc qua thôn 2 trị giá 870 triệu đồng, duy tu bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt khu dân cư thôn 3 trị giá 120 triệu đồng. Đến nay, hạ tầng cơ sở được hoàn thiện, thu nhập bình quân đầu người tại xã đạt 22,34 triệu đồng/năm, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà vươn lên thành hộ khá.

Anh Nguyễn Văn Toại, thôn 2, xã Côn Lôn chia sẻ, khi chưa có cầu việc đi lại rất khó khăn, mùa mưa thì thôn đều bị chia cắt. Nếu muốn vào UBND xã hoặc đi sang các vùng khác thì phải đi đường vòng hoặc lội suốt, rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với các cháu nhỏ. Giờ có cầu 135, bà con đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, ai cũng phấn khởi.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Tùng, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Na Hang khẳng định: “Nguồn vốn 135 là một trong những nguồn đầu tư quan trọng giúp đồng bào phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Để Chương trình 135 đạt hiệu quả cao nhất Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức họp bàn với nhân dân, xem xét sự cần thiết ở từng xã, thôn phù hợp với điều kiện thực tế các địa phương”.

“Việc hỗ trợ phát triển sản xuất huyện cũng cho triển khai đầu tư theo hướng hàng hóa chung của toàn tỉnh. Đặc biệt, huyện ưu tiên đầu tư những cây con phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Từ nguồn vốn Chương trình 135 mà hệ thống đường sá, điện, đường đã thay đổi bộ mặt nông thôn. Riêng năm 2016, huyện Na Hang được đầu tư 16 công trình với số vốn hơn 14 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng trên 11 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất trên 2 tỷ đồng, duy tu bảo dưỡng các công trình 500 triệu đồng, đào tạo tập huấn 90 triệu đồng…” – ông Tùng nói.

Việt Hoàng