Na Hang – Tuyên Quang: Thanh niên DTTS tích cực phát triển kinh tế giảm nghèo

BVR&MT – Để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc Xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, trên địa bàn huyện Na Hang (Tuyên Quang), công tác đoàn viên trên địa bàn huyện đến xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên (đặc biệt là đoàn viên dân tộc thiểu số) tuân thủ quy định pháp luật, bảo vệ rừng và môi trường, thực hiện tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo  bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Mô hình nuôi gà của thanh niên xã Năng Khả, huyện Na Hang, Tuyên Quang.

Thực hiện đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn huyện Na Hang nhằm tập trung đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội nhằm giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất là đối với xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững ở vùng nông thôn và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.

Huyện đoàn Na Hang đã xây dựng Đề án “Tuổi trẻ Na Hang chung tay xây dựng nông thôn mới”, trong đó, triển khai tuyên truyền đến 100% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền. Chị La Ánh Tuyết, HTX Nông nghiệp Năng Khả, phát triển mô hình chăn nuôi gà sau 3 tháng nuôi, gà thường đạt trọng lượng trung bình từ 2 – 2,6 kg/1 con, lúc đó có thể xuất chuồng. Theo tính toán, với giá gà tại chuồng hiện nay vào khoảng từ 60.000 – 65.000 đồng/kg, sau mỗi lứa nuôi, trừ các khoản chi phí, chị cũng thu lãi trên 20.000 đồng/con.

Từ trên 40% số hộ trên địa bàn là hộ nghèo theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (đầu năm 2016), đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Năng Khả (Na Hang) đã giảm hơn một nửa. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, thanh niên các dân tộc huyện miền núi Na Hang đã xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà thả vườn an toàn thoát nghèo, thanh niên các dân tộc thiểu số đã dần hình thành tư duy làm giàu ngay tại địa phương. Nhờ thực hiện mô hình, nhiều hộ dân các xã vùng cao đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong nuôi gà an toàn, từ đó sản xuất ra sản phẩm gà con chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mô hình chăn nuôi trâu sinh sản giảm huyện Na Hang.

Anh Phùng Văn Trường dân tộc Tày ở thôn Nà Khá, xã Năng Khả, huyện Na Hang thuộc diện hộ nghèo, gia đình anh Trường gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Với mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Na Hang, UBND xã Năng Khả đã tạo điều kiện cho gia đình anh Trường vay vốn thông qua tổ tín dụng của thôn để đầu tư mua trâu sinh sản. Gia đình anh còn được tham gia học các lớp về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ nắm vững kỹ thuật, mô hình nuôi trâu sinh sản của gia đình anh phát triển tốt, khi đạt số lượng, gia đình anh bán dần thu hồi vốn và có thu nhập đều hàng năm. Cùng với đó, gia đình anh Trường đã phát triển thêm mô hình chăn nuôi gia cầm, nuôi tằm và đã vươn lên thoát nghèo.

Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đó không chỉ là những công trình, mô hình cụ thể, mà quan trọng hơn, hình ảnh thanh niên được khẳng định vững chắc hơn trong công cuộc phát triển ở mỗi địa phương. Tiếp tục triển khai sâu rộng Đề án “Tuổi trẻ Na Hang chung tay xây dựng nông thôn mới”, xây dựng các mô hình thanh niên phát triển kinh tế, bảo vệ rừng và môi trường, giúp thanh niên miền núi xóa đói, giảm nghèo.

Văn Trì