BVR&MT – Theo một báo cáo mới được công bố của Văn phòng Liên hiệp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), Myanmar đã trở thành một điểm trung chuyển buôn lậu động vật hoang dã (ĐVHD) quan trọng ở Đông Nam Á.
Báo cáo cho biết số vụ bắt giữ buôn bán ĐVHD ở Myanmar thấp hơn đáng kể so với những nước khác ở tiểu vùng sông Mê Công nhưng vẫn là điểm trung chuyển ngày càng quan trọng đối với buôn lậu ĐVHD.
Từ năm 2013 đến 2017, Myanmar thu giữ 34 lô hàng vảy và các bộ phận tê tê, tổng cộng hơn 1,2 tấn.
Lượng giao dịch da voi bất hợp pháp ở Myanmar cũng khá khiêm tốn, thường được bán ở các thị trường nổi tiếng tại các đặc khu kinh tế như Mine Lar và Tachileik ở bang Shan.
“Myanmar có điều kiện hoàn hảo: ĐVHD phong phú, xung đột ở khu vực biên giới trong khi chính phủ không hoặc kiểm soát không đáng kể, nằm gần Tam giác vàng khét tiếng về đủ loại buôn bán lậu, và là hàng xóm với Trung Quốc – nơi có nhu cầu cao nhất về các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp”, Giám đốc quốc gia WWF-Myanmar Christ Williams cho biết.
Một quan chức của Cục Lâm nghiệp cho biết Myanmar đang cố gắng giảm hoặc xóa sổ buôn bán bất hợp pháp bằng cách đốt ngà voi và các bộ phận ĐVHD trị giá 1,15 triệu USD bị bắt giữ trong năm nay.
Tháng 10/2018, nước này phá hủy 277 mảnh ngà, 227 xương voi và xương động vật khác, 45 bộ da động vật, 1.544 sừng, 45,5 kg vảy tê tê và 128 bộ phận khác ở Nay Pyi Taw.
Tháng 3/2019, tại Yangon, Myanmar đốt cháy 766,11kg gồm 219 mảnh ngà, 527 bộ phận hổ và các động vật khác, 800 sừng các loại, 134,7kg vảy tê tê và 241 bộ phận khác.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Bảo tồn Môi trường U Ohn Win cho biết: “Cùng với các cơ quan liên quan và các tổ chức phi chính phủ, chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn và hành động chống lại nạn buôn lậu ĐVHD. Nhưng chung tôi cũng cần công chúng hợp tác để đảm bảo thành công cho nỗ lực này”.
Các vụ bắt giữ gần đây cho thấy tình trạng các cá nhân buôn bán ĐVHD tiếp xúc trực tiếp với các nhà cung cấp đặc biệt, đôi khi ở các bãi phế liệu, cửa hàng, hội chợ thú cưng, nhà kho và trạm y tế.
Những kẻ buôn bán ĐVHD ở Đông Nam Á có lợi thế đáng kể do nhu cầu địa phương cao và nguồn cung đáng tin cậy, khiến khu vực này trở thành một trong những điểm giao dịch ĐVHD bất hợp pháp lớn nhất thế giới.
Đông Nam Á cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các mặt hàng có giá trị cao – các loài ĐVHD châu Phi có nguy cơ tuyệt chủng cao và có nguồn gốc bất hợp pháp – đến khu vực, các khu vực khác của châu Á và phần còn lại của thế giới.
Ngà voi được giao dịch công khai tại 8/10 thành viên ASEAN, trừ Brunei và Malaysia.
Năm nào các cơ quan thực thi pháp luật ở châu Á và châu Phi cũng thực hiện các vụ bắt giữ ngà voi lớn, nhiều vụ tới hơn 500kg.
Các vụ bắt giữ ngà voi đáng kể nhất, đôi khi cùng với sừng tê giác nhỏ, đã được thực hiện ở Việt Nam, Hồng Kông, Trung Quốc, Trung Quốc đại lục, Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Báo cáo của UNODC ước tính hàng chục ngàn con voi bị giết bất hợp pháp mỗi năm để lấy ngà voi xuất khẩu, số lượng thu giữ hàng năm cũng lên tới hàng chục tấn.
Việc buôn bán trái phép tê tê đã phát triển trong thập kỷ qua và ước tính hơn một triệu cá thể đã bị giết.
Một loài khác cần được quan tâm ở Đông Nam Á là hổ. Da hổ được sử dụng để trang trí và làm quà tặng trong khi nội tạng được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Mật gấu từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị một loạt các bệnh viêm và thoái hóa ở Đông Á và được người châu Á sống ở các quốc gia khác ưu chuộng.
Quần thể gấu ngựa toàn cầu đã giảm hơn 30% trong 30 năm qua.
Thị trường ĐVHD bất hợp pháp quan trọng nhất ở Đông Nam Á là Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông – nơi hơn 90% người mua là khách du lịch từ đại lục.
Việt Nam cũng là một thị trường quan trọng. Việt Nam, Thái Lan, Singapore, cùng với Lào và Malaysia là những điểm trung chuyển chính. Các điểm trung chuyển khác có thể kể tới Philippines, Indonesia và Campuchia.
Nhật Anh (Theo Myanmar Times)