Myanmar bảo tồn sếu đầu đỏ tốt nhất Đông Nam Á

BVR&MT – Chuyên gia Thet Zaw Naing thuộc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) cho biết Myanmar trở thành quốc gia bảo tồn được số lượng lớn nhất loài sếu đầu đỏ quý hiếm ở Đông Nam Á.

Từ năm 2016, Cục Lâm nghiệp Myanmar hợp tác với Khu bảo tồn động vật hoang dã Minmahlagyun và Chương trình Myanmar thuộc WCS tiến hành bảo tồn và nghiên cứu loài sếu đầu đỏ quý hiếm ở Kahaema, Maubin, Pantanaw và Eainmae Townships thuộc vùng Ayeyawady.

Ảnh: WCS Myanmar

“Năm 2016, chúng tôi phát hiện và bảo tồn 33 tổ sếu đầu đỏ, 138 tổ vào năm 2017 và 184 tổ vào năm 2018. Số lượng sếu đầu đỏ được phát hiện trong năm 2016 là hơn 400 cá thể và năm 2018 là hơn 600 cá thể. Tuy nhiên, số lượng sếu đầu đỏ không tăng quá nhiều. Nhờ sự quan tâm và hợp tác của người dân địa phương trong việc bảo tồn và nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận được số lượng sếu đầu đỏ cao hơn”.

“Chúng tôi cũng phát hiện sếu đầu đỏ ở những nơi khác như các bang Rakhine và Kayah nhưng không thể ước tính số lượng vì không thể nghiên cứu ở đó. Myanmar được cho là quốc gia có số lượng sếu đầu đỏ nhiều nhất ở Đông Nam Á”.

Sếu đầu đỏ đang bị đe dọa tuyệt chủng do mất sinh cảnh và đồng cỏ, bị săn bắn và phá hủy tổ.

Trên thế giới còn khoảng 7.500 đến 20.000 cá thể sếu đầu đỏ.

Chúng được tìm thấy ở Ấn Độ, Đông Nam Á và Úc nhưng đã tuyệt chủng ở Thái Lan và phía đông Philippines. Từ năm 1980, chúng cũng tuyệt chủng ở Pakistan.

Sếu đầu đỏ được đưa vào danh sách những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất hành tinh. Ở Myanmar, sếu đầu đỏ nằm trong danh sách động vật hoang dã được bảo tồn theo Luật Bảo vệ động thực vật hoang dã và bảo tồn các khu vực tự nhiên năm 1994.

Nhật Anh (Theo Eleven Myanmar)