Mường Lống – “Sa Pa” của miền núi xứ Nghệ

BVR&MT – Nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.485m giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn – Nghệ An) được coi như một Sa Pa của miền Trung – Nơi của muôn hoa khoe sắc, của những bài ca điệu múa vùng cao với tiếng suối, tiếng rừng làm nao lòng bao du khách đã từng ghé qua.

Lịch sử Mường Lống được hình thành cách đây hàng trăm năm, khi một số cộng đồng người H’Mông trong quá trình di cư đã phát hiện mảnh đất nơi đây màu mỡ, khí hậu lại mát mẻ, ôn hòa nên quyết định dừng chân mở đất. Trải qua quá trình định canh, định cư lâu dài, hiện nay theo thống kê của UBND xã Mường Lống, diện tích đất toàn xã là 142,3 km², dân số nơi đây hiện có hơn 4.800 người với 100% người dân bản địa là đồng bào Mông tập trung ở 15 bản với hơn 600 hộ dân, chỉ có một số rất ít người Kinh sinh sống ở bản trung tâm.

Mường Lống hiện lên như một "ốc đảo" nằm giữa mênh mông núi non trùng điệp, bốn mùa xanh mát và dịu êm qua những tán lá rừng.
Mường Lống hiện lên như một “ốc đảo” nằm giữa mênh mông núi non trùng điệp, bốn mùa xanh mát và dịu êm qua những tán lá rừng.

Là một xã trong huyện Kỳ Sơn, với núi non trùng điệp cùng nhiều cánh rừng nguyên sinh, Mường Lống mang ý nghĩa với cái tên theo tiếng Thái là “lạc đường”. Tính đến năm 2021, điểm đến Mường Lống vẫn còn rất hoang sơ vì chưa bị đô thị hóa và khai thác du lịch tác động. Phấn khởi hơn, đường lên Mường Lống giờ đây đã không còn quá khó khăn như ngày trước. Chính quyền địa phương và tỉnh Nghệ An đã đầu tư làm đường rộng, trải nhựa và có thanh tránh an toàn, các đoàn khách đã dễ dàng hơn trong việc “check in” với cổng trời Mường Lống.

Giữa dải miền trung đầy nắng và gió nhưng Mường Lống khéo được thiên nhiên sắp đặt khi bước qua cổng trời Mường Lống là một thung lũng xanh rì được các dãy núi xung quanh che chắn, nên khí hậu dù là mùa hè cũng rất mát mẻ. Đây nơi lôi cuốn những tâm hồn mê xê dịch, mê khám phá, yêu vẻ đẹp hoang sơ, nguyên thủy.

Sắc đào trên bản nhỏ.
Sắc đào trên bản nhỏ.

Đến với vùng đất biên cương Kỳ Sơn xứ Nghệ, dù là Na Ngoi hay Mường Lống đều rất tuyệt để săn mây và khám phá văn hóa đặc sắc của vùng cao. Cảm giác buối sớm trong lành, những đám mây bồng bênh vây quanh, len lỏi qua từng sợi tóc, mơn man trên da thịt, gió nhè nhẹ đẩy đưa hương vị núi rừng,… sẽ làm bạn quên ngay mình là người phố thị!

Đúng vậy, mỗi độ xuân về trên bản, hoa mận, hoa đào đua nhau nở, các chị em xúng xính trong đầm áo truyền thống với đủ sắc màu rực rỡ tạo nên một bức tranh sống động giữa chốn núi rừng hùng vĩ. Những ngày đầu xuân, mảnh đất này khoác lên chiếc áo trắng tinh khôi của mùa hoa mận đẹp nao lòng. Rồi cả những bông hoa đào đỏ thắm, e khẽ, dịu dàng như chính người thiếu nữa nơi đây.

Người con gái H’Mông trong bộ trang phục truyền thống
Người con gái H’Mông trong bộ trang phục truyền thống.

Nếu lỡ hẹn với mùa hoa mận, những ngày này hãy ghé thăm vườn hoa cải vàng nằm ngay ở bản trung tâm của xã Mường Lống. Những bông hoa cải vàng đang khoe sắc dưới ánh ban mai, bừng tỉnh như chào đón và khởi sắc cho một năm mới. Có lẽ việc đón bình minh khi le lói những vạt nắng vàng, những đám mây bỗng dưng bừng sáng lấp lánh, khiến bao người ngỡ ngàng. Hay trong những khoảnh khắc hoàng hôn chiều tàn, những người lữ khách phương xa cứ thích thú “săn” những bức ảnh độc đáo, tuyệt diệu của những đám mây ánh hồng như kẹo bông ngọt ngào.

Vườn hoa cải vàng nằm ngay ở bản trung tâm của xã Mường Lống là một trong điểm check - in không thể bỏ qua đối với du khách mỗi độ xuân về.
Vườn hoa cải vàng nằm ngay ở bản trung tâm của xã Mường Lống là một trong điểm check – in không thể bỏ qua đối với du khách mỗi độ xuân về.

Trong những ngày lễ hội, Mường Lống trở nên nhộn nhịp hơn với những hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống. Hội chọi bò, hội pao hay tham gia những phiên chợ thổ cẩm rực rỡ màu sắc không chỉ giúp du khách cùng hòa vào không gian nô nức, tưng bừng của ngày lễ hội ở Mường Lống mà còn tạo điều kiện để được khám phá, tìm hiểu những nét sinh hoạt đặc trưng của đồng bào dân tộc địa phương.

Một nét thú vị khác đó là các dịch vụ homestay tại đây đã manh nha xuất hiện ở  một số hộ gia đình đồng bào H’Mông, góp phần giúp Mường Lống không chỉ níu chân du khách bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ mà còn bởi sự đặc sắc đến từ những món ăn riêng có của miền Tây xứ Nghệ như thịt bò giàng, món sâu măng, thịt gà đen Kỳ Sơn, măng luộc, gỏi rau …

Thịt gà đen Kỳ Sơn, măng luộc, gỏi rau là những món không thể bỏ qua khi ghé thăm Mường Lống.
Thịt gà đen Kỳ Sơn, măng luộc, gỏi rau là những món không thể bỏ qua khi ghé thăm Mường Lống.

Xưa nay mảnh đất xứ Nghệ đã có dấu ấn khó phai trong lòng mỗi du khách không chỉ vì con người nơi đây cần cù, chịu thương chịu khó mà đó còn là vẻ đẹp núi rừng như chốn bồng lai tiên cảnh. Và trong bức tranh đó, Mường Lống hiện lên như một nét chấm phá để thỏa mãn chí ngao du. Hòa mình vào thiên nhiên nơi này, người lữ khách như được đắm chìm trong không gian mơ màng, huyền ảo, và tận hưởng những khoảnh khắc kỳ diệu, nao lòng khó tả như đang khám phá vẻ đẹp của nàng tiên nữ đang e ấp nữa giữa núi rừng bao la.

Hà Linh – Huy Thịnh