Mường Lát tái sinh màu xanh của rừng

BVR&MT – Trở lại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) lần này, tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh ngút ngàn, tít tắp của những dải rừng xoan, lát hai bên quốc lộ 15C…

Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn 5 giúp gia đình ông Hơ A Chá dựng nhà bằng gỗ xoan.

Xe dừng nghỉ ở quán nước bên đường, gặp chị Lò Thị Mỵ nhễ nhại mồ hôi gánh mấy bó củi từ trên núi xuống về nhà cách đó chừng 3 cây số, tôi bắt chuyện: “Rừng bạt ngàn thế này sao chị lại phải đi lấy củi xa thế?”. Chị Mỵ trả lời: “Cây nhiều, gỗ nhiều nhưng đó là trồng để thoát nghèo, hơn nữa phải giữ lấy rừng! Phải trồng rừng chứ chặt nhiều mà không trồng thì củi đốt cũng hết chứ đừng nói xóa nghèo. Trước đây, bà con cứ lên rừng thấy cây to thì chặt về dựng nhà, cây nhỏ thì làm củi. Từ khi bộ đội Đoàn Kinh tế – Quốc phòng (KT-QP) 5 vận động rồi cung cấp cho chúng tôi giống xoan, lát để trồng thì không chỉ có gỗ để dựng nhà mà rừng thêm xanh và còn thoát được nghèo nữa chú ạ”.

Thượng tá Nguyễn Đình Tấn, Phó Chính ủy Đoàn KT-QP 5 đón tôi tại cổng đơn vị. Tôi kể câu chuyện của chị Mỵ cho Thượng tá Nguyễn Đình Tấn Tấn nghe và được Thượng tá cho biết: “Mường Lát là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Tình trạng người dân phá rừng lấy đất làm nương rẫy, lấy gỗ làm nhà diễn ra phức tạp dẫn tới hậu quả là xảy ra nhiều trận lũ quét làm thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Với mục tiêu để bà con trong vùng dự án sớm xóa được đói, giảm được nghèo, Nghị quyết hằng năm, nhiệm kỳ của Đoàn xác định, phải tập trung tái sinh màu xanh của rừng. Từ đó, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện ra sức tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc thiểu số về lợi ích của việc trồng và bảo vệ rừng”.

Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn 5 cùng nhân dân chuyển cây xoan giống trồng rừng.

Nói rồi Thượng tá Nguyễn Đình Tấn dẫn tôi đến thăm gia đình ông Lương Văn So, người dân tộc Thái ở bản Poọng, xã Quang Chiểu. Đến nơi, tôi thật sự “choáng ngợp” trước cơ ngơi của ông So với 8 ha rừng xoan và lát chuẩn bị thu hoạch, dự kiến nguồn thu mỗi ha lên đến 80 triệu đồng. Trồng rừng kết hợp với làm trang trại nuôi gà, vịt với số lượng gần 300 con, 1.500 m2 ao thả cá, hàng chục con dê, trâu, bò… tạo thành mô hình V-A-C-R hiệu quả cao. Theo ông So thì xoan và lát là hai loại cây thích hợp với với vùng đất khắc nghiệt nơi đây. Năm 2009, ông được Đoàn KT-QP 5 chọn làm người tiên phong trồng rừng kinh tế bằng cây xoan và lát ở xã Quang Chiểu. Ông So nhớ lại: “Khi bộ đội Đoàn 5 về xã Quang Chiểu vận động bà con dân bản trồng xoan, lát để xóa đói, giảm nghèo, nhưng người dân chưa tin vì cho rằng trồng cây xoan, cây lát phải mất 8 đến 10 năm mới cho thu hoạch, thế lấy gì mà ăn. Nghe bộ đội Đoàn 5 tuyên truyền và làm mẫu, tôi xem đây là cơ hội để gia đình thoát nghèo và đồng ý trồng rừng nên được Đoàn hỗ trợ cây giống trồng 2 ha cây xoan”. Được bộ đội hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên rừng xoan của gia đình ông So phát triển nhanh. Hiệu quả từ 2 ha đầu, gia đình ông tiếp tục được Đoàn hỗ trợ giống, phân bón, trồng thêm 8,5 ha xoan và lát. Đến nay, những cây xoan, lát lứa sau đã có đường kính gần 20cm, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập lớn cho ông.

Được biết, hiện Đoàn KT-QP 5 đang quản lý, bảo vệ hơn 600 ha rừng phòng hộ trồng trong giai đoạn 2015 – 2020 tại hai xã biên giới Quang Chiểu và Mường Chanh. Thực hiện các dự án trồng rừng, những năm qua, Đoàn kT-QP 5 đã triển khai xây dựng vườn ươm cây giống xoan, lát, cung cấp 1,5 triệu cây giống phục vụ công tác trồng rừng của đơn vị và nhân dân; đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên và bà con vùng dự án, góp phần phủ xanh rừng Mường Lát từ diện tích 60% vào năm 2015 lên 70% vào năm 2020.

Thượng tá Nguyễn Đình Tấn cho biết thêm: “Để kịp thời cung cấp đủ số lượng xoan, lát cho nhân dân trên địa bàn, đơn vị đã áp dụng những kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng của cây giống, đảm bảo cây con có tỉ lệ sống cao sau khi trồng ở môi trường tự nhiên. Hiện tại, các vườn ươm hàng chục vạn cây xoan, lát giống của đơn vị đang phát triển tốt, thời gian tới khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ cung cấp cây giống để bà con trồng rừng”.

Trên đường về đơn vị, Thượng tá Nguyễn Đình Tấn dẫn tôi lại thăm gia đình anh Hơ A Chá, người dân tộc H’Mông ở bản Suối Phái, xã Tam Chung. Trong căn nhà sàn còn thơm mùi gỗ xoan mới do cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ Đoàn dựng giúp,Thượng tá Nguyễn Đình Tấn vui vẻ giới thiệu: “Sau nhiều năm phá rừng, nay bà con mong muốn có thêm tiền hỗ trợ để mua giống cây, phân bón, chung tay trồng rừng. Rừng lên xanh, rừng phủ kín đất quê hương để mang lại cuộc sống ấm no, yên lành là cái đích mà bà con nhân dân đồng bào các dân tộc ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa đang hướng tới”.