Mường Khương – Lào Cai: Mô hình kinh tế quýt sen vườn đồi cần được nhân rộng

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 - 2020)

BVR&MT – Dễ trồng, dễ chăm sóc, sản lượng cao, thích nghi tốt, phát huy kinh tế ổn định, xóa đói giảm nghèo hiệu quả… là những ưu điểm không thể phủ nhận mà mô hình quýt sen vườn đồi đem lại cho đồng bào huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Phóng viên trao đổi cùng anh Làn Trịnh Phi (giữa) – con trai ông Làn Mậu Thành về mô hình quýt sen của gia đình.

Bên cạnh những giống cây ăn quả lâu đời như lê, mận, táo.., những năm gần đây quýt sen đang nổi lên như một loại quả mang hương vị đặc trưng của vùng đất Mường Khương. So với các loại khác, quýt sen có đặc điểm vỏ mỏng, múi mọng nước, vị chua ngọt đậm đà, hấp dẫn, được nhiều người ưa chuộng.

Một trong những hộ nông dân tiên phong trong xây dựng mô hình kinh tế quýt sen vườn đồi phải kể đến là gia đình của ông Làn Mậu Thành, người dân tộc Bố Y (Tu Dí) ở thôn Sả Hồ – Thị trấn Mường Khương. Cách đây khoảng chục năm, ông Thành đã chủ động chuyển toàn bộ diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng quýt sen vườn đồi. Cùng với đó nông dân này cũng kết hợp đầu tư xây dựng mô hình chuồng trại chăn nuôi lợn sạch nhằm tận dụng nguồn phân bón để chăm sóc quýt sen. Cho đến nay, những lợi ích mà mô hình này đem lại cho kinh tế gia đình ông có thể nhận thấy rõ ràng.

Quýt sen có đặc điểm vỏ mỏng, múi mọng nước, vị chua ngọt đậm đà, hấp dẫn, được nhiều người ưa chuộng.

Theo đó, nhờ thích nghi tốt với thổ nhưỡng và khí hậu bản địa nên trên diện tích đất vườn đồi rộng ước chừng 5 ha, với khoảng 10 ngàn gốc quýt sen đã cho gia đình ông Thành thu hoạch từ 50 đến 60 tấn quả mỗi vụ, quy ra thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng. Đây thực sự là một con số ấn tượng với mô hình kinh tế vườn đồi của huyện Mường Khương nói riêng và các địa phương phát triển kinh tế nông lâm nói chung trên cả nước.

Về chất lượng, giống quýt sen nhận được nhiều sự tin tưởng từ người tiêu dùng do đảm bảo được vấn đề an toàn, không có dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật, mẫu mã đẹp và bắt mắt.

Mặc dù vậy, mô hình quýt sen vườn đồi vẫn đang ở trong tình trạng manh mún, mang tính tự phát trong một vài cá thể hộ gia đình dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, những hộ dân nơi đây hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư về vốn cũng như khoa học kỹ thuật từ các cơ quan nông lâm nghiệp sở tại để nhân rộng mô hình quýt sen vườn đồi, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả của địa phương.

Hậu Thạch