Muốn giảm săn trộm voi, cần giảm nghèo và giảm tham nhũng

BVR&MT – Săn trộm voi là thực trạng xảy ra khắp châu Phi nhưng để giải quyết đòi hỏi một cách tiếp cận địa phương.

Severin Hauenstain có một linh cảm. Nhà sinh vật học đến từ Đại học Freiburg, Đức ngờ rằng có mối liên hệ giữa những nơi voi ở Tanzania bị giết để lấy ngà và sự hiện diện rõ rệt của thực thi pháp luật.

Anh vẫn nghĩ xác voi bị săn trộm thường sẽ tập trung ở xa các chốt kiểm lâm chống săn trộm. Tuy nhiên, khi nghiên cứu dữ liệu cho hệ sinh thái Ruaha-Rungwa một thời nhiều voi, nhóm của anh đã rất ngạc nhiên khi không tìm thấy mối tương quan nào cả.

Voi châu Phi vẫn bị săn trộm để lấy ngà. (Ảnh: Internet).

Xem xét kỹ hơn thì mô hình ở hầu hết các trạm kiểm lâm đều khớp với mong đợi của họ. Nhưng đối với một số trạm, họ tìm ra điều ngược lại: xác voi được tìm thấy khá gần với các chốt kiểm lâm. Điều đó dẫn đến một linh cảm thứ hai rằng các cán bộ kiểm lâm ở đó đồng lõa với săn trộm.

Tình trạng voi giảm ở Ruaha-Rungwa, thuộc nam trung bộ Tanzania, là đáng kinh ngạc. Nhà chức trách ước tính quần thể giảm từ hơn 34.000 vào năm 2009 xuống chỉ còn 8.000 vào năm 2014.

Những phát hiện này khiến nhóm của Hauenstein nhận ra rằng không phải lúc nào cũng có thể hiểu được các kiểu săn trộm ở quy mô lục địa hoặc thậm chí ở quy mô khu vực. Thay vào đó, họ nghĩ rằng khả năng nạn săn trộm voi xảy ra ở bất kỳ nơi nào có thể có liên quan, ít nhất là một phần, với những cân nhắc của địa phương.

Đó là lý do Hauenstein cùng với các cộng sự từ Đại học York – Vương quốc Anh và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã quyết định so sánh tỷ lệ săn trộm hàng năm tại 53 địa điểm khác nhau ở vùng hạ Sahara châu Phi gắn với thông tin về môi trường, kinh tế, xã hội và yếu tố chính trị.

Phân tích của họ mới được xuất bản trên Tạp chí Nature Communications.

Các nhà nghiên cứu đã xác định hai biến số ảnh hưởng đến tỷ lệ săn trộm cục bộ nhiều hơn dự kiến.

Một là nghèo đói, được đo bằng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, xuất phát từ dữ liệu do Trung tâm Mạng lưới Thông tin Khoa học Trái đất Quốc tế thuộc đại học Columbia và Liên hợp quốc cung cấp.

Biến số còn lại là tham nhũng, được Tổ chức Minh bạch Quốc tế đo lường.

“Điều đặc biệt thú vị là cả nghèo đói và tham nhũng có mối tương quan mạnh mẽ hơn với mức độ săn trộm của địa phương so với mức độ phù hợp của việc thực thi pháp luật”, Hauenstein nói.

Mức độ săn trộm được các chuyên gia đánh giá theo một chương trình có tên là Giám sát việc giết voi bất hợp pháp (MIKE), cung cấp dữ liệu cho Công ước CITES – cơ quan chế tài việc buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới.

“Đối với chúng tôi, có vẻ như không thể cứ mãi tăng cường thực thi pháp luật để giải quyết vấn đề”, Hauenstein nói, mặc dù anh nhanh chóng nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là thực thi pháp luật không nên là ưu tiên hàng đầu – “chỉ là có những thứ khác cần được giải quyết”.

Nói cách khác, có những nơi nên tập trung nhiều hơn vào việc giảm nghèo hoặc giảm tham nhũng.

Trong khi những phát hiện này đã quá rõ ràng, các nỗ lực để giảm nạn săn trộm chủ yếu vẫn tập trung vào thực thi pháp luật, theo Hauenstein.

Nhà sinh vật học thuộc Đại học bang Colorado George Wittemyer chỉ ra tình trạng có nhiều chiến lược và dự án tồn tại để xóa đói giảm nghèo ở nông thôn châu Phi, nhưng các dự án phát triển cộng đồng đôi khi phá hoại các mục tiêu bảo tồn.

Cần nói thêm rằng Wittemyer chủ tịch khoa học của NGO Save the Elephants, đồng thời là thành viên của Nhóm chuyên gia voi châu Phi thuộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) – cơ quan xác lập tình trạng bảo tồn loài.

“Nếu bạn đặt nước, hoặc giáo dục, hoặc các dịch vụ y tế ngay bên cạnh các khu vực hoang dã, chắc chắn gây áp lực đối với khu vực hoang dã đó,” ông giải thích.

Và nếu bạn xây dựng năng lực trong nông nghiệp hoặc chăn nuôi, thì nơi đã từng là môi trường hoang dã được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác, đồng thời làm tăng nguy cơ hủy diệt và có khả năng xảy ra xung đột chết người giữa người và động vật hoang dã.

Thiết lập cơ sở hạ tầng liên quan đến du lịch thường được coi là động cơ kinh tế mang lại lợi ích cho cả động vật hoang dã và con người, cả thông qua hình thức safari chụp ảnh và săn bắn lấy chiến lợi phẩm được quản lý chặt chẽ. Hauenstein nói rằng không rõ tiền từ các liên doanh này có giúp đỡ người dân hay họ lại phải đi săn trộm.

Nhưng có những nơi mà mô hình này có vẻ hiệu quả. Ở Namibia, chương trình Quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa trên cộng đồng (CBNRM) đã triển khai được 23 năm, đã chuyển giao quyền đối với tài nguyên thiên nhiên, gồm cả động vật hoang dã, cho cộng đồng địa phương và thiết lập quyền hợp pháp của họ để phát triển hoạt động du lịch và săn bắn – thường được xác định là có lợi cho động vật hoang dã cũng như con người.

Các nhà nghiên cứu voi thông báo với CITES rằng đã phát hiện ra mức độ tử vong trung bình do nạn săn trộm trên tất cả 53 điểm giảm từ mức cao nhất 10% năm 2011 xuống dưới 4% vào năm 2017.

Trong khi đó, IUCN báo cáo rằng số lượng voi châu Phi đang gia tăng.

Hauenstein cho biết cả hai xu hướng dường như phản ánh tình trạng tốt hơn của voi đồng cỏ ở Đông và Nam Phi nhưng nguy cơ săn trộm voi rừng ở Tây và Trung Phi vẫn còn cao.

Hiện tượng nạn săn trộm giảm bớt có liên quan đến sự suy thoái kinh tế gần đây ở Trung Quốc, mô hình đó có thể dễ dàng đảo ngược.

“Cuộc khủng hoảng chưa kết thúc”.

Tương lai của voi châu Phi gắn bó chặt chẽ với sự thịnh vượng của người dân ở nông thôn lục địa đen. Họ thường phải chịu cảnh sống chung với những động vật to lớn, nguy hiểm mà không có nhiều lợi ích nào từ sự chung sống đó.

Theo Maxi Louis, Giám đốc Hiệp hội các tổ chức Namibia hỗ trợ CBNRM, giải quyết cuộc khủng hoảng voi có nghĩa là coi nó như một vấn đề nhân quyền và công bằng xã hội thay vì chỉ là một trong những hoạt động bảo tồn động vật hoang dã.

Nhật Anh (Theo Nationalgraphic)

CHIA SẺ