BVR&MT – Khi mùa dưa hấu của bà con miền trung còn đầy những âu lo về đầu ra, phải kêu gọi giải cứu thì lại đến mùa ớt. Dân miền trung quanh năm khốn khó với thời tiết thiên tai, vậy mà trồng cấy được cây con gì cũng đều nhận những “mùa đắng”.
Có một mùa ớt “khóc”
Dọc miền nắng lửa Cam Lộ, Gio Linh (Quảng Trị) tới Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hay ngược vào huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) những ngày này, khi cái nắng rát bỏng của mùa hè miền trung đổ đầy đồng, cũng là lúc người nông dân trồng ớt toát mồ hôi lau nước mắt.
Chỉ vài tháng trước đây thôi, hàng trăm hộ dân ở những địa phương này còn háo hức, hồ hởi và mơ về một mùa ớt bội thu, giá cao và có nhiều triển vọng. Ấy vậy mà, chỉ sau đó ít ngày, khi những ha ớt chín đầy ngoài đồng, người nông dân mong ngóng, thì đáp lại họ chỉ là sự im lặng. Sự thất hứa của một công ty, nơi mà người dân gửi gắm vào đó niềm tin, gửi vào đó cuộc sống vụ mùa, gửi vào đó là cả những mơ ước thực hiện nền nông nghiệp sạch thì trả lại họ chỉ là cái phủi tay đầy bất cần. Phía Công ty Đầu tư quốc tế Thiên An trì trệ và vẫn dừng thu mua ớt, ngoài ra còn đề nghị địa phương nên tìm đối tác mới.
Cái phủi tay đầy bất cần, vô trách nhiệm với mong ước của bà con nông dân ở nhiều địa phương của công ty này thực sự là gáo nước sôi dội vào gáy những người nông dân đang còng lưng trên cái nắng rát bỏng mùa hè của vùng đất miền trung. Gặp nhiều người nông dân, đôi mắt họ không chỉ đỏ hoe vì sự nồng cay của ớt trong vụ đang chín đỏ ánh lên trong mắt, mà còn trong đó có cả những bụi bặm của nước mắt vụ mùa. Khi mà cách đây vài tháng, chính công ty Đầu tư quốc tế Thiên An này tìm đến đặt vấn đề với họ về việc trồng ớt, hướng dẫn họ, cho họ niềm tin về một vụ ớt với thu nhập khá. Công sức họ bỏ ra, niềm tin của họ, sự ngóng trông của họ từng ngày cho ớt chín, rồi lại ngóng trông từng ngày người đến thu mua. Ớt đỏ đồng, rụng đầy gốc, người thu mua vẫn bặt vô âm tín. Niềm tin, niềm hy vọng vụ mùa của họ cũng từng ngày rơi rụng như những chùm ớt dưới cái nắng hoang tàn.
Đứng trên ruộng ớt chín đỏ chót tại cánh đồng, bà Nguyễn Thị Nguyệt (40 tuổi, Huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) cho biết, người dân tin tưởng công ty nên không ràng buộc giấy tờ. Doanh nghiệp bán giống, tấm nylon bọc đất, phân bón cho nông dân, hứa sẽ bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. “Gia đình tôi làm một sào ớt, chi phí tiền phân bón, giống hết hơn một triệu đồng. Ngày nào tôi cũng ra đồng chăm sóc, chờ ngày ớt chín để bán bù vào chi phí, nay ớt chín đỏ ruộng, nhiều trái thối rữa rụng xuống, song không ai đoái hoài!”, bà Nguyệt nói.
Thụ động
Gần một tháng nay, người dân ở các địa phương này đành bỏ mặc các ruộng ớt chín. Chị Nguyễn Thị Hòa (36 tuổi, ở Cam Lộ, Quảng Trị) ngậm ngùi cho biết, ớt thu hoạch về ăn không thể hết, đành chất trong nhà, hết làm tương lại đem ra phơi khô. Giá ớt bán lẻ ở chợ là 10.000 đồng một kg nhưng rất khó tiêu thụ. “Bây giờ chỉ mong công ty về thu mua, giá rẻ bao nhiêu bà con cũng chấp nhận. Nếu không thì một thời gian nữa đành phải hủy cây, cải tạo đất để trồng hoa màu khác!”, chị Hòa nói.
Còng lưng nhổ từng bụi ớt dưới cái nắng gay gắt ban trưa, bà lão nông dân nghèn nghẹn: “Khi mới triển khai, bà con phấn khởi an tâm lắm bởi chính UBND H. Cam Lộ (Quảng Trị) trực tiếp làm việc với Cty Đầu tư quốc tế Thiên An rồi ký bản ghi nhớ về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt trên địa bàn. Có điểm tựa rứa nên hàng trăm hộ dân tại 4 xã, thị trấn tại đây hào hứng tham gia trồng ớt. Được chăm sóc tốt nên cây sinh trưởng tốt, hứa hẹn thắng to. Ai ngờ, qua tháng 5 – 2018, đương lúc ớt chín rộ gặp thời tiết nắng hạn kết hợp gió Tây – Nam khô nóng dẫn đến cây khô héo, quả rụng ảnh hưởng đến 50% sản lượng. Không thu hoạch khẩn trương thì thiệt hại nặng. Trung tuần tháng 5 – 2018, UBND H.Cam Lộ cấp tập thông báo cho Cty đẩy nhanh tiến độ thu mua. Ai dè lúc ni Cty không thu mua ớt như cam kết. Bà con nông dân chỉ biết đứng như trời trồng. Họ không mua nữa, biết làm răng với đồng ớt như ri!”.
Lời bà lão ấy, cũng là lời của hàng trăm hộ dân trồng ớt ở Cam Lộ, Gio Linh (Quảng Trị), Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hay Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Hàng trăm ha ớt ở nhiều địa phương cứ thế rũ xuống, rụng đầy gốc chờ đợi được thu mua, người nông dân cũng đành bất lực cầu cứu tới chính quyền. Chính quyền cũng chết đứng với cảnh “đem con bỏ chợ” của công ty này. Bởi đã trót tin, đã trót vận động bà con trồng ớt, nên phải có trách nhiệm.
Chuyện đã rồi, chính quyền vội vã sửa sai bằng cách 2 lần liên tiếp ban hành công văn yêu cầu Công ty Thiên An thu mua ớt cho người dân nhưng đành “bất lực”. Không thể khác, chính quyền địa phương đành vận động các nhà tài trợ, các mạnh thường quân ủng hộ, tìm tới các đối tác thu mua khác. Tất nhiên là với giá rẻ hơn để cứu bà con, cứu vụ ớt đã ngắc ngoải trên đồng. Ông Lê Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tiết lộ, sau khi UBND huyện tìm phương án “giải cứu” ớt thì đến nay đã tiêu thụ được khoảng 60 – 70% lượng ớt cho cho bà con nông dân huyện Cam Lộ. Huyện cũng triển khai kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên diện tích trồng ớt cho vụ Hè – Thu và hỗ trợ 100% kinh phí cây giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật. Trong đó ưu tiên hỗ trợ 10 tấn giống lúa để bà con chuyển đổi cây trồng.
Ở Phong Điền (Thừa Thiên Huế), người dân đang chờ một tin vui khi ông Trịnh Đức Hùng – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, trước tình cảnh khó khăn của người dân trồng ớt, lãnh đạo huyện này cũng đã liên lạc với một công ty ở Quảng Trị và công ty này đang trên đường đến Phong Điền để thu mua ớt cho bà con trong toàn huyện với giá phù hợp. Ngoài ra có thêm một công ty ở Quãng Ngãi cũng đang trong quá trình thương thảo giá cả. Hy vọng, mùa ớt này không quá đắng cho bà con nơi đây.
Cứ thế, khi giá ớt lên cao, niềm vui tràn ngập khắp mọi nẻo đường, khắp mọi nhà, hiện lên trên từng gương mặt. Đầu vụ giá tươi tươi, phóng viên đài báo về viết tin chia vui với bà con, nhưng chỉ đến giữa vụ thôi, chính những người tươi cười bên nhau mấy tuần trước, nay ngồi thẫn thờ ra đấy vì giá rớt. Tất cả đều bởi người nông dân và cả chính quyền thụ động với đầu ra. Luôn chỉ trông chờ vào đơn vị thu mua mà chưa tính được đến những biến động của thị trường, của thời tiết, để rồi phải cay đắng nhận những mùa ớt rơi nước mắt.
Minh Ngọc