MRC sẵn sàng hỗ trợ Lào rà soát kế hoạch, chiến lược phát triển thủy điện

BVR&MT – Hoan nghênh quyết định của Chính phủ Lào về việc dừng xem xét toàn bộ dự án thủy điện mới cũng như rà soát tất cả các đập đã và đang xây dựng sau sự cố vỡ đập, Ủy hội sông Mê Công Quốc tế (MRC) – trong thông cáo phát đi ngày 15/8/2018 – bày tỏ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ CHDCND Lào rà soát, cập nhật kế hoạch, chiến lược phát triển thủy điện của quốc gia này dựa trên kế hoạch và chiến lược phát triển lưu vực của MRC.

Thủy điện Don Sahong (Ảnh: International Rives)

Được biết, MRC vừa hoàn thành Nghiên cứu có tổng chi phí 4,7 triệu USD về Phát triển và Quản lý bền vững Lưu vực sông Mê Công bao gồm tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính với tên gọi “Nghiên cứu của Hội đồng”. Nghiên cứu được phê duyệt vào cuối 2011, hoàn thành vào tháng 12/2017 cho thấy cả tác động tích cực lẫn tiêu cực của các dự án phát triển sử dụng tài nguyên nước.

Ngoài ra, MRC cũng đang cập nhật Chiến lược Phát triển Thủy điện Bền vững (SHDS) với một số lộ trình xem xét danh mục các dự án tối ưu và bền vững nhất. Việc cập nhật này có tính đến nhu cầu và hợp tác năng lượng trong khu vực, các mục tiêu phát triển quốc gia, các hình thức năng lượng tái tạo mới, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xã hội và môi trường xuyên biên giới, chia sẻ chi phí và lợi ích cũng như các dự án chung.

SHDS dự kiến được các nước thành viên phê duyệt vào đầu năm 2019 và sau khi phê duyệt, các quốc gia sẽ điều chỉnh kế hoạch và dự án cấp quốc gia sao cho phù hợp. SHDS cũng sẽ đóng góp cho Chiến lược Phát triển Lưu vực Mê Công (BDS) được cập nhật vào năm 2019 cùng với Kế hoạch Phát triển Lưu vực (BDP) mới cho toàn bộ lưu vực. Tuy nhiên, BDS/BDP không chỉ ưu tiên các dự án thủy điện mà còn quan tâm đến các vấn về tưới tiêu, chống lũ lụt và hạn hán, giao thông thủy và du lịch.

Song song với các hoạt động nêu trên, MRC sẽ kêu gọi hai Đối tác Đối thoại là Trung Quốc và Myanmar tham gia để cập nhật BDS/BDP bởi nhu cầu phát triển và quản lý sông Mê Công cần được tiến hành từ góc độ toàn lưu vực. Các khung hợp tác liên quan của Mê Công như Cơ chế Hợp tác Mê Công – Lan Thương (LMC), Tiểu vùng Mê Công mở rộng, Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Công, Mê Công – Nhật Bản, Mê Công – Hàn Quốc và Hợp tác Mê Công – sông Hằng cũng được đề nghị tham gia và hỗ trợ.

Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC chia sẻ: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ Chính phủ CHDCND Lào và các quốc gia Mê Công một cách tối ưu nhất. Tôi kêu gọi tất cả các tổ các tổ chức và các khung hợp tác liên quan tới Mê Công hãy cùng tham gia với Ủy hội trong nỗ lực này”.

Nhật Anh

CHIA SẺ