Một số tính chất lý, hóa học của đất ngập mặn tại rừng ngập mặn tỉnh Thái Bình

Tóm tắt – Nghiên cứu một số tính chất lý – hóa học của đất ngập mặn được tiến hành tại khu rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình.

Ở các độ sâu 0 – 20 cm, 20 – 40 cm và trên 40 cm, đất ngập mặn dưới các trạng thái rừng ngập mặn có những đặc điểm khác nhau: pH không có sự biến động lớn từ 5,51 đến 6,51, tổng muối tan trong đất từ mức 0,30 đến 0,70, hàm lượng chất hữu cơ đạt ở mức nghèo đến trung bình (0,32 – 0,64%); đạm tổng số dao động từ 0,06 – 0,14%, trung bình là 0,08%; lân tổng số từ 0,03 – 0,13%, trung bình là 0,08%; kali tổng số biến đổi từ 0,12 – 0,14%, trung bình là 0,12%; hàm lượng lân dễ tiêu đạt từ mức trung bình đến khá (52,67 – 58,09 mg/100g); hàm lượng kali dễ tiêu ở mức khá đến giàu (64,2 – 80,26 mg/100g). Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở cùng một độ sâu từ 0 – 40 cm, một số tính chất vật lý, hóa học không sự khác nhau rõ rệt. Việc nghiên cứu tính chất vật lý, hóa học của đất ngập mặn là cơ sở khoa học cho việc chọn loài cây trồng ngập mặn thích hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thái Bình là một tỉnh ven biển có diện tích rừng và đất ngập mặn lớn nhất vùng châu thổ sông Hồng. Năm 2008, rừng ngập mặn (RNM) ven biển tỉnh Thái Bình được UNESCO công nhận là một trong những vùng thuộc Khu dữ trự sinh quyển châu thổ sông Hồng. RNM Thái Bình với mục tiêu: Phòng hộ đê biển, chống xói lở, tác dụng bồi tụ, cố định phù sa, đất, điều hòa khí hậu, nơi nghiên cứu thực nghiệm và du lịch sinh thái biển… RNM tỉnh Thái Bình còn là nơi để nuôi trồng thủy sản, đánh bắt tự nhiên hải sản của cộng đồng dân cư ven biển. Đất ngập mặn (ĐNM) tỉnh Thái Bình một loại đất có nhiều có nhiều lợi thế cho phát triển rừng ngập mặn và nuôi trồng thủy sản. Loại đất này tập trung vùng bãi bồi ven biển, cửa sông, ven các cồn đảo gần bờ nên bị thay đổi mạnh theo thời gian và không gian, phương thức sử dụng đất, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, RNM và ĐNM có sự biến động lớn về số lượng, chất lượng. Nghiên cứu đánh giá đúng đặc điểm của đất và rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình là luận cứ khoa học cần thiết để tổ chức, sử dụng loại đất này có hiệu quả.

Tổng diện tích đất ngập mặn vùng ven biển tỉnh Thái Bình là 9.617,3 ha. Trong đó đất có rừng là 3.709 ha, đất trống là 5.908 ha. Tuy nhiên, chất lượng giữa rừng ngập mặn ở các khu vực ven cửa sông, ven bờ khác nhau rõ nét. Vấn đề đặt ra là có phải do yếu tố dinh dưỡng đất ngập mặn quyết định hay không? Các yếu tố nào của đất có ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của rừng ngập mặn? Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu một số tính chất lý, hóa học của đất dưới tán ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình.

II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Mục tiêu

Xác định được một số tính chất lý, hóa học của đất, làm cơ sở khoa học đánh giá đất đai xây dựng phương án quản lý rừng ngập mặn bền vững và hiệu quả tại khu vực nghiên cứu.

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đề tài xác định một số tính chất lí, hóa học đất dưới tán 3 loại rừng: Rừng trồng thuần loài Trang, Bần chua, hỗn giao Bần chua và Trang tại các lô rừng ngập mặn thuộc 12 xã ven biển có rừng ngập mặn tỉnh Thái Bình.

Phương pháp nghiên cứu

Kế thừa, tham khảo có chọn lọc các tài liệu và kết quả nghiên cứu trước đây;

Điều tra một số chỉ tiêu lâm học của rừng trồng ngập mặn: Trên mỗi loại rừng lập OTC, tổng số OTC là 40 ô. Các ô được lập có diện tích là 100 m2/ô (10 x 10m) bằng máy GPS. Trên các OTC tiến hành điều tra các chỉ tiêu đường kính gốc (Doo), chiều cao vút ngọn (Hvn), đường kính tán cây (Dt)… theo các phương pháp điều tra lâm học.

Điều tra về đất: Mỗi OTC đào một phẫu diện đất chính, 8 phẫu diện phụ, lấy mẫu ở độ sâu từ 0 – 20 cm, 20 – 40 cm và trên 40 cm sau đó trộn đều cùng một độ sâu và lấy 1 kg đất/độ sâu. Các mẫu đất được phân tích tại phòng thí nghiệm Viện Thiết kế quy hoạch Nông nghiệp. Mẫu đất được xử lý và phân tích theo các phương pháp sau đây:

Phương pháp xác định thành phần cấp hạt: Theo tiêu chuẩn TCVN 4198:2014.
pH KCl xác định bằng máy đo chuyên dụng Takemura DM-13.
Chất hữu cơ (OM%) được xác định theo TCVN8726:2012.
Đạm tổng số (N%) được xác định bằng phương pháp thử TCVN 6498:1999.
Phốt pho tổng số được xác định bằng phương pháp thử TCVN 8940:2011.
Kali tổng số được xác định bằng phương pháp thử TCVN 8660:2011.
Phốt pho dễ tiêu (mg/100 g đất): Theo tiêu chuẩn TCVN 5626:2009.
Kali dễ tiêu (mg/100 g đất): Theo tiêu chuẩn TCVN 8662: 2011.
Toàn bộ số liệu được xử lý theo phương pháp thống kê toán học trong lâm nghiệp trên phần mềm ứng dụng Excel 2013 và SPSS 20.0.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

1. Đặc điểm hiện trạng rừng tại khu vực nghiên cứu

Thành phần loài thực vật ngập mặn chủ yếu: Trong số 51 loài thực vật ngập mặn đặc trưng có ở Việt Nam, (22 loài thân gỗ, 29 loài thân thảo và cây bụi – Phan Nguyên Hồng, Hoàng Thị Sản, 1984). Tại đây có khoảng 7 loài thực vật thân gỗ, chủ yếu tại khu vực nghiên cứu (Bần chua, Trang, Vẹt dù bông đỏ, Đước vòi, Sú, Ô rô và Mắm biển) và khoảng 13 loài khác phân bố rộng cả trên cát ven biển, đới ngập mặn và vùng chịu ảnh hưởng của thuỷ triều,(xem bảng 1).

Bảng 1. Các loài cây ngập mặn phân bố tại vùng ven biển tỉnh Thái Bình.

Phân bố một số loài cây ngập mặn theo độ thành thục của đất: Các loài thực vật thân gỗ ven biển tại Thái Bình thường phân bố vùng cửa sông như Bần chua thích hợp với độ mặn nước biển từ 5 -15%0 , độ lún của bàn chân khi trên thể nền khoảng 30 – 40 cm, thường xuất hiện loài Bần chua ở vùng bãi mới bồi. Các khu vực bãi ổn định, độ mặn nước biển ven bờ dao động từ 5 -15%0, độ lún bàn chân đi trên thể nền khoảng 20 – 30 cm, thường xuất hiện Trang thuần loại hoặc xen kẽ với Sú. Còn với độ ngập bàn chân dưới 10 cm thường gặp loài Sú, Giá hoặc Tra ở vùng đất cao, thời gian ngập triều ít, thời gian phơi bãi trên 15 giờ/ ngày. Cụ thể, (xem bảng 2).

Bảng 2. Phân bố một số loài cây ngập mặn theo yếu tố độ thành thục của đất tại vùng ven biển tỉnh Thái Bình.

Diện tích RNM tại Thái Bình: Kết quả nghiên cứu cho thấy, những năm gần đây diện tích và chất lượng rừng ngập mặn bị tác động mạnh theo chiều hướng suy giảm. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 1995 – 2000, sự chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang nuôi trồng thủy sản dẫn đến hàng vài trăm ha rừng bị thay thế bằng đầm nuôi tôm, cụ thể là xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Các đai rừng ngập mặn bảo vệ khu vực ngoài đê biển đã và đang được trồng mới, nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều khu vực phải trồng nhiều lần nhưng chưa thành công. Tỷ lệ thành rừng của các chương trình, dự án nhiều năm qua chưa cao(dự án 327, dự án 661), đạt tỷ lệ sống năm thứ 2 khoảng 20 – 30%, nhiều loài cây ngập mặn đã đến tuổi thành thục bị chết tự nhiên, làm giảm khả năng phòng hộ, chắn sóng.

Đã thống kê được hiện trạng rừng và đất ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình của các xã. Diện tích đất và rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình là 9.617 ha, trong đó đất có rừng là 3.709 ha; đất trống 5.908 ha. Đây là diện tích đất tiềm năng cho việc khôi phục và phát triển rừng ngập mặn Thái Bình.

2. Một số đặc điểm vật lý và hóa học đất ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình

a) Một số đặc điểm vật lý đất ngập mặn: Xem bảng 3.

Bảng 3. Một số chỉ tiêu lý tính đất ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình.

Kết quả bảng 3 cho thấy, đất ngập mặn vùng ven biển tỉnh Thái Bình hầu hết là đất ngập mặn phèn tiềm tàng, pH KCl có phản ứng từ ít chua đến chua mạnh, dao động từ 5,16 – 6,51.

Thành phần cấp hạt là một chỉ tiêu độ phì quan trọng có liên quan trực tiếp đến nhiều tính chất vật lý – hoá học của đất như: khả năng giữ ẩm, giữ nhiệt, chế độ khí, hàm lượng cation trao đổi và khả năng điều tiết dinh dưỡng. Thành phần cấp hạt (0,02 – 2,0 mm) chiếm từ 9,66 – 83,97% tại các điểm lấy mẫu ở Tiền Hải và chiếm từ 8,25 – 90,74% tại các điểm lấy mẫu ở Thái Thụy.

b) Một số đặc điểm hóa học đất ngập mặn: Xem bảng 4.

Bảng 4. Một số chỉ tiêu hóa tính đất ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình.

Kết quả bảng 4 cho thấy: Hàm lượng đạm tổng số (N, %) tại các điểm lấy mẫu ở Tiền Hải ở mức trung bình (N, % < 0,15%), dao động từ 0,06 – 0,15% và N tổng số dao động từ 0,11 – 0,16% tại các điểm lấy mẫu ở Thái Thụy. Hàm lượng lân dễ tiêu đạt từ mức trung bình đến khá (52,67 – 58,09 mg/100g); hàm lượng kali dễ tiêu ở mức khá đến giầu (64,2 – 80,26 mg/100g). Kết quả phân tích cho thấy thành phần chất dinh dưỡng trong trầm tích khu vực nghiên cứu ở mức khá đến giàu. Tại khu bãi triều thấp hàm lượng chất dinh dưỡng ở mức trung bình, chất dinh dưỡng tăng dần từ bãi triều thấp tới vùng cửa sông.

IV. KẾT LUẬN

Ở cùng độ sâu từ 0 – 40 cm tại các địa điểm khác nhau của 02 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy thì tính chất lý, hóa học của đất khác nhau không rõ rệt, pH KCl biến động từ 5,51 đến 6,51 ở mức độ ít chua đến trung tính, tổng muối tan trong đất từ mức 0,30 đến 0,70 ở mức độ mặn vừa đến mặt nhiều, hàm lượng chất hữu cơ đạt ở mức nghèo đến trung bình (0,32 – 0,64%); đạm tổng số ở mức trung bình 0,08%; lân tổng số ở trung bình là 0,06%; kali tổng số trung bình là 0,12%; hàm lượng lân dễ tiêu đạt từ mức khá(52,67 – 58,09 mg/100g); hàm lượng kali dễ tiêu ở mức khá và giàu (64,2 – 80,26 mg/100g). Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đặc điểm lý, hóa tính đất ngập mặn vùng ven biển tỉnh Thái Bình phù hợp với một số loài cây ngập mặn như Bần chua, Trang, Sú, Đước vòi, Mắm biển. Kết quả phân tích đặc điểm đất ngập mặn vùng ven biển tỉnh Thái Bình là cơ sở khoa học của việc chọn loài cây trồng để khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016). Quyết định số 3158/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố hiện trạng rừng năm 2015.

2. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình (2015). Báo cáo kết quả trồng rừng ngập mặn một số năm của tỉnh Thái Bình (2010-2015)

3. Hội Khoa học đất Việt Nam (2000). Đất Việt Nam. NXB Nông nghiệp, Hà Nội.

4. Phan Nguyên Hồng, Hoàng Thị Sản (1984). Kết quả nghiên cứu hệ thực vật RNM Việt Nam. Tuyển tập hội thảo quốc gia về Hệ sinh thái rừng ngập mặn, Hà Nội, tháng 12 năm 1984.

5. Nhà xuất bản thống kê (2016). Niên giám thống kê tỉnh Thái Bình.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, 2016. Báo cáo kết quả kiểm kê rừng tỉnh Thái Bình.

7. Đỗ Đình Sâm, Ngô Đình Quế và cộng sự (2006). Chương Đất và dinh dưỡng – Cẩm nang ngành Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội.


Đỗ Quý Mạnh
(Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình)

Người phản biện: PGS. TS. Nguyễn Thế Hưng
Ngày nhận bài: Tháng 4/2018
Ngày phản biện thông qua: Tháng 4/2018
Ngày duyệt đăng: Tháng 4/2018