Lâm Đồng: Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phục hồi rừng trên đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp và trồng công nghiệp tại huyện Đức Trọng

Tóm tắt – Nghiên cứu đã xác định được diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng là 10.214,52 ha thuộc 37 chủ rừng khác nhau.

Một số mô hình trồng xen cây lâm nghiệp với cây công nghiệp phổ biến hiện nay là Cà phê xen Muồng đen; Hồ tiêu xen Muồng đen; Cà phê xen Mắc ca hoặc Cà phê xen hỗn hợp Sầu riêng, Mắc ca, Bơ. Trong đó, mô hình trồng xen cây lâm nghiệp trên đất đang trồng cây công nghiệp (Cà phê, Hồ tiêu) cho hiệu quả cao hơn so với trồng độc canh cây Cà phê. Vì vậy Muồng đen và Mắc ca là loài cây được đề xuất trồng xen trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp nhằm phục hồi lại rừng trên những diện tích đất này. Nghiên cứu đã đề xuất được các giải pháp phục hồi rừng trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, bao gồm: Giải pháp về tổ chức, quản lý, kỹ thuật; giải pháp về cơ chế, chính sách và giải pháp về khoa học công nghệ. Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng làm tư liệu tham khảo cho việc đưa ra các giải pháp phục hồi môi trường rừng trên đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp theo hướng phát triển tăng trưởng xanh, đảm bảo bền vững và hiệu quả về kinh tế – xã hội – môi trường bằng giải pháp nông lâm kết hợp.

Cần có giải pháp nhằm phục hồi môi trường rừng trên đất lâm nghiệp.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đức Trọng là huyện nằm ở vùng giữa của tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích tự nhiên 90.180 ha, chiếm 9,23% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện là 40.238 ha (theo Chi cục Kiểm Lâm Lâm Đồng năm 2018); chiếm 6,9% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh có vai trò quan trọng trong phòng hộ bảo vệ đất, giữ nước cho hồ thủy điện Đại Ninh và hệ thống sản xuất nông nghiệp.

Theo nghiên cứu, một trong những nguyên nhân quan trọng gây mất rừng và suy thoái rừng ở Đức Trọng, là tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng sản xuất để sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp (chủ yếu là cây cà phê). Theo kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng toàn tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2017, xác định diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện vào khoảng 10.214 ha, chiếm khoảng 25% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của huyện.

Trước tình trạng đó, để có những giải pháp hiệu quả nhằm khôi phục lại môi trường rừng thì cần phải có những đánh giá về thực trạng làm căn cứ cho việc đề xuất các giải pháp khả thi vừa đảm bảo khôi phục được rừng vừa hài hòa và chia sẻ lợi ích sinh kế cho người dân địa phương là việc làm cần thiết hiện nay.

II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Nội dung

Rà soát, đánh giá hiện trạng đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công; đánh giá thực trạng các mô hình trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; đề xuất giải pháp phục hồi rừng trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp tiếp cận:

Tiếp cận hệ thống: Cần phải lồng ghép các giải pháp cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường nông thôn, các chương trình quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương với mục tiêu và các hoạt động, giải pháp được đề xuất trong nghiên cứu này.

Tiếp cận có sự tham gia: Đảm bảo các các giải pháp được đề xuất phù hợp với nguyện vọng và sự đóng góp của người dân, từ đó đảm bảo tính xã hội và sự đồng thuận cao. Trong suốt quá trình thực hiện, nghiên cứu đã áp dụng phương pháp nghiên cứu có sự tham gia (PRA) bằng hoạt động phỏng vấn và thảo luận nhóm.

Tiếp cận kinh tế – xã hội – môi trường: Thực chất của cách tiếp cận này là dựa trên quan điểm phát triển bền vững – sự phát triển trong khả năng chịu đựng được của các hệ sinh thái trên cơ sở xây dựng những giải pháp phù hợp từ quá trình phân tích thực trạng – xác định rõ nguyên nhân của các quá trình trong mỗi đơn vị hay cộng đồng thôn bản.

Phương pháp nghiên cứu cụ thể:

Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp: Các dữ liệu thứ cấp cần thu thập và phân tích bao gồm: Điều kiện tự nhiên ở địa bàn nghiên cứu; điều kiện kinh tế -XH ở địa bàn nghiên cứu; kết quả nghiên cứu liên quan đến trồng rừng, phục hồi rừng: Quy luật tái sinh, diễn thế, điều kiện thổ nhưỡng, điều kiện tiểu khí hậu, đặc điểm sinh thái loài, kinh nghiệm trong trồng rừng; phục hồi rừng v.v…

Phương pháp tham vấn các bên liên quan: Các vấn đề về cơ chế chính sách, kỹ thuật phục hồi rừng trên đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp sẽ được phân tích, đánh giá trên cơ sở tham vấn với các bên liên quan thông qua các cuộc phỏng vấn, thảo luận nhóm và khảo sát hiện trường.

Phương pháp tổng hợp và xử lý số liệu: Các thông tin, số liệu sau khi thu thập được xử lý, phân tích và tổng hợp theo từng nội dung. Các tiêu chí, chỉ số cần đánh giá phân tích được xử lý thống kê với sự hỗ trợ của phần mềm excel.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

1. Thực trạng diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp

a. Diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp tính đến 30/12/2017,(bảng 1):

Bảng 1. Diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp theo chủ quản lý rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Xây dựng được bản đồ diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng là 10.214,52 ha thuộc 37 chủ rừng khác nhau, trong đó diện tích này tập trung chủ yếu ở 3 chủ rừng Nhà nước là Ban QLRPH Đại Ninh, Ninh Gia và Tà Năng. Diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp đã diễn ra nhiều năm trước, hiện nay trên diện tích này người dân chủ yếu là trồng cây cà phê, một số diện tích trồng Hồ Tiêu.

b. Biến động diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp giai đoạn 2010 – 2017:

Nghiên cứu đã sử dụng lớp bản đồ hiện trạng rừng năm 2010 và năm 2017 để chồng xếp và phân tích biến động các loại đất loại rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng giai đoạn 2010 – 2017 để thấy rõ được biến động diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn huyện.

Đã xây dựng được ma trận biến động các loại đất loại rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng giai đoạn 2010 – 2017.

Kết quả phân tích biến động tại đây cho thấy: Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn huyện Đức Trọng là 40.238,17 ha; trong đó diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp tính đến hết năm 2017 là 10.214,52 ha; chiếm 25,3%. Hiện nay diện tích này được trồng chủ yếu là Cà phê, một số diện tích trồng Tiêu và các cây trồng khác, trong bản đồ hiện trạng rừng gọi chung diện tích này là đất nông nghiệp.

Trước năm 2010 tổng diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn toàn huyện là 3.566,95 ha; tính đến hết năm 2017 diện tích này tăng lên 10.214,52 ha. Như vậy, từ năm 2010 – 2017 trong vòng 7 năm diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp tăng lên 6.647,57 ha; bình quân mỗi năm gần 1000 ha đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp.

c. Nguyên nhân của tình trạng xâm canh đất lâm nghiệp

Nguyên nhân khách quan: Do nhu cầu về đất sản xuất để sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp mà chủ yếu là cà phê trong xã hội gia tăng; áp lực trước tình trạng di dân tự do từ các địa phương khác đến địa bàn huyện Đức Trọng trong những năm trước đây, đặc biệt là số đồng bào dân tộc Tày, Nùng,…; lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng trên địa bàn huyện mỏng…

Nguyên nhân chủ quan: Các chủ rừng trên địa bàn huyện chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức quản lý bảo vệ và kinh doanh sản xuất, tổ chức thực hiện các dự án về phát triển rừng trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao nhưng nhiều năm qua đã để xảy ra tình trạng người dân địa phương lấn, chiếm, sử dụng trái phép rừng và đất lâm nghiệp; Trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền địa phương còn nhiều bất cập; Một số chủ trương, biện pháp xử lý ngăn chặn tình hình phá rừng, lấn, chiếm đất trái phép trong những năm từ 2010 trở về trước không được thực hiện kiên quyết và xử lý đến nơi, đến chốn; chưa có cơ chế hợp lý về nguồn vốn đầu tư trồng lại rừng và tổ chức bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng đã trồng, diện tích đã được xử lý thu hồi, để tái lấn chiếm trở lại; Một số cán bộ, công chức từ chính quyền địa phương các cấp đến cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng, công chức Kiểm lâm đang sinh sống trên địa bàn huyện, có diện tích trồng cà phê,… nên ít nhiều còn ngại va chạm, sợ trả thù và đe dọa đến lợi ích của gia đình, bản thân, đôi khi buông lỏng, bất lực hoặc làm ngơ trước thực trạng tình hình diễn ra.

d. Đánh giá về tình hình xử lý đất lâm nghiệp xâm canh

Thuận lợi: Công tác kiểm tra, chống chặt phá rừng và lấn chiếm đất rừng trên địa bàn huyện đã được UBND huyện chi đạo Hạt kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng, UBND xã, thị trấn và chủ rừng. Đã xác định và dự báo được các trọng điểm tiềm ẩn xảy ra các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tại các tiểu khu xã Ninh Gia, xã Ninh Loan giáp ranh với huyện Di Linh; tiểu khi giáp ranh với huyện Bắc Bình của tỉnh Bình Thuận; các tiểu khu giáp ranh với TP Đà Lạt. UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác QLBVR, PCCCR.

Hạt kiểm lâm, Ban lâm nghiệp xã và các chủ rừng giáp ranh đã thực hiện kế hoạch số 172/KHPH-HKL về phối hợp trong công tác QLBVR vùng giáp ranh giữa 03 Hạt kiểm lâm Di Linh, Bắc Bình và Đức Trọng. Ngoài ra, các đơn vị địa phương còn ký quy chế phối hợp giữa Hạt kiểm lâm huyện Đức Trọng với lực lượng Viện Kiểm sát; công an; ban chỉ huy quân sự huyện; các đơn vị chủ rừng nhà nước trên địa bàn và UBND các xã, thị trấn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nên tình trạng xâm lấn đất rừng trái phép để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã giảm đáng kể. Các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng đã tiến hành rà soát, kiểm tra và yêu cầu kê khai diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trong lâm phận mình quản lý để có cơ sở thực hiện các biện pháp phục hồi rừng trong thời gian tới…

Tồn tại, khó khăn: Trong thời gian thực hiện việc rà soát, kê khai diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm phần lớn các hộ gia đình không đến các Trạm quản lý bảo vệ rừng tham gia cùng đoàn kiểm tra hoặc đi không đúng thời gian quy định. Một số đối tượng kê khai không đúng tên, địa chỉ nên khi đơn vị mời đi kiểm tra hiện trường thì địa phương xác định không có tên; đối với các hộ dân ngoài địa phương việc mời tham gia hiện trường rất khó khăn, không tìm được chính chủ. Đối với các hộ đã có quyết định xử phạt vị phạm hành chính về đất đai nhưng khi làm việc với các hộ về chủ trương xen cây lâm nghiệp thì người dân tỏ ra không hợp tác vì người dân lo sợ là sau 5-7 năm cây lâm nghiệp khép tán sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cà phê. Một số hộ có đất lấn chiếm trong các ban quản lý rừng phòng hộ có tâm lý e ngại, không rõ sau này sẽ bị xử phạt như thế nào nên họ sợ không đến kê khai hoặc không làm thủ tục kê khai đối với các cơ quan chức năng.

2. Thực trạng các mô hình trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp

a. Thông tin chung về các mô hình được khảo sát

Bảng. 2 Thông tin chung về các mô hình trồng xen cây lâm nghiệp.

Nghiên cứu đã khảo sát tại 5 mô hình trồng xen cây lâm nghiệp vào vườn cà phê trên địa bàn huyện, các mô hình có diện tích từ 1 đến 5 ha. Phổ biến các dạng mô hình trồng xen hiện nay là Cà phê xen Muồng đen, Hồ tiêu xen Muồng đen, Cà phê xen Mắc ca hoặc Cà phê xen hỗn hợp Sầu riêng, Mắc ca, Bơ. Kết quả tổng hợp trong 5 mô hình có 3 mô hình trồng xen đơn (cà phê hoặc hồ tiêu và một loại cây trồng xen), 2 mô hình trồng xen hỗn hợp (cà phê và nhiều loại cây trồng xen khác).

b. Danh mục loài cây và chức năng của chúng trong mô hình trồng xen

Đã tổng hợp danh mục loài cây trong các mô hình trồng xen cây lâm nghiệp với các loài cây công nghiệp (Cà phê, Hồ tiêu) và chức năng của các loài cây trồng trong mô hình.

Mặc dù có nhiều loài được sử dụng để trồng xen trên đất trồng cà phê, tuy nhiên trong các loài đó chỉ có hai loài được công nhận là cây lâm nghiệp đó là cây Muồng đen và cây Mắc Ca (Quyết định số 4961/QĐ/BNN-TCLN ngày 17/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).

c. Hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng xen.

Đã tổng hợp, phân tích được hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng xen.
Kết quả cho thấy, mặc dù trồng xen các loài cây trồng khác trên vườn cà phê, nhưng trung bình năng suất cà phê và tiêu vẫn đạt ở mức khá cao (trung bình 3,2 tấn nhân/ha với cà phê và 0,63 tấn/ha với Hồ tiêu). Như vậy các cây trồng xen không ảnh hưởng nhiều đến năng suất và chất lượng của cây cà phê. Kết quả phỏng vấn các hộ gia đình cho thấy, có đến 98,2% số người được hỏi đều cho rằng so với mô hình trồng cà phê thuần loài, mô hình trồng xen cây lâm nghiệp và một số cây ăn quả khác vào vườn cà phê không những không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cà phê mà lượng nước tưới cho cà phê cũng giảm vì cây lâm nghiệp có tác dụng che bóng, giảm cường độ ánh sáng chiếu xuống mặt đất nên đất được giữ ẩm hơn, vì vậy lượng nước tưới cũng giảm. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả nhiều mặt thì tỷ lệ cây lâm nghiệp trồng xen phải phù hợp không được trồng với mật độ quá dày sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cà phê.

Hai loại cây trồng xen là Sầu Riêng và Bơ cho năng suất cao nhất (> 4 tấn/ha) và cao hơn nhiều so với các loài cây trồng xen khác (chỉ từ 630 kg – 750 kg). Trong khi đó hai loại cây này có mật độ trồng thấp (<90 cây/ha) hơn so với các loài cây trồng xen khác. Mắc Ca và Bơ là hai loài cây trồng xen cho hiệu quả kinh tế cao với Bơ là 104,3 triệu đồng/ha/năm và Mắc Ca là 95 triệu đồng/ha/năm.

Muồng là cây lâm nghiệp chỉ cho sản phẩm là gỗ, với chu kỳ kinh doanh khoảng 10 năm 1 ha trồng xen Muồng với mật độ khoảng 160 cây/ha thì sau 10 năm có thể cho 384 triệu/ha sau khi trừ chi phí thì bình quân mỗi năm cũng đạt 37,7 triệu đồng.

Hiệu quả kinh tế các loại mô hình trồng xen cây lâm nghiệp với các cây trồng công nghiệp (bảng 3).

Bảng 3. Hiệu quả kinh tế các loại mô hình trồng xen (triệu đồng/ha).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự chênh lệch trên các mô hình khác nhau. Điều này tùy thuộc vào giống, mật độ cũng như đầu tư thâm canh của nông hộ. Lợi nhuận trung bình của các mô hình là 169,3 triệu đồng/ha. Trong đó mô hình cho thu nhập cao nhất là Cà phê + Mắc ca đạt 255,5 triệu đồng/ha, tiếp đến là mô hình Cà phê + Mắc ca + Sầu riêng + Bơ đạt 231,2 triệu đồng/ha; các mô hình còn lại đều đạt trên 100 triệu đồng/ha. Như vậy, có thể nói hiệu quả kinh tế các mô hình trồng xen cây lâm nghiệp trên đất đang trồng cây công nghiệp (Cà phê, Hồ tiêu) có hiệu quả cao hơn so với chỉ trồng độc canh cây cà phê (lợi nhuận trung bình đối với cây cà phê trồng thuần loài hiện nay ước tính chỉ khoảng 80-90 triệu đồng/ha).

Như vậy, với hai loài cây lâm nghiệp hiện đang được người dân địa phương sử dụng phổ biến để trồng xen với cây Cà phê, Hồ tiêu là Muồng đen và Mắc ca – đây cũng sẽ là hai loài được lựa chọn để đề xuất giải pháp phục hồi rừng trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng bằng phương thức nông lâm kết hợp. Hai loài Muồng đen và Mắc Ca là hai loài cây lâm nghiệp đã được trồng ở địa phương và cũng là những loài cây được người dân lựa chọn.

3. Đề xuất giải pháp phục hồi rừng trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp

a. Giải pháp về tổ chức, quản lý và kỹ thuật

Tăng cường công tác bảo vệ rừng, chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất rừng: Nghiêm cấm việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang các mục đích khi chưa có cấp thẩm quyền phê duyệt; phân định ranh giới và cắm mốc ba loại rừng tại thực địa; tăng cường năng lực tổ chức quản lý rừng của các chủ rừng; tổng kết đánh giá các mô hình cộng đồng quản lý rừng hiện có; thí điểm cơ chế đồng quản lý và chia sẻ lợi ích khi tham gia bảo vệ phát triển rừng; tăng cường năng lực, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, hệ thống tổ chức quản lý rừng đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp các cấp, các cơ quan, đơn vị có chức năng phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hoàn thiện việc kê khai diện tích đất xâm lấn trên lâm phận của các chủ rừng làm cơ sở cho việc xác định mô hình phục hồi rừng: Trên cơ sở kết quả rà soát, kê khai và kiểm tra thực địa diện tích đất rừng bị xâm lấn, các chủ rừng tiến hành lập danh sách, phân loại hiện trạng, xác định mô hình phục hồi rừng cho từng loại hiện trạng, ký cam kết thực hiện xây dựng mô hình phục hồi rừng đối với các hộ gia đình.

Tiến hành phục hồi lại rừng trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp bằng giải pháp nông lâm kết hợp. Theo đó, chính quyền địa phương cùng với chủ rừng hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiến hành trồng xen cây lâm nghiệp (Muồng đen, Mắc Ca) và một số cây trồng lâm nghiệp khác vào diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp với mật độ từ 185-200 cây/ha.

b. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực, để người dân yên tâm thực hiện nhiệm vụ phục hồi rừng bằng giải pháp trồng xen cây lâm nghiệp vào diện tích đất lâm nghiệp hiện đang được người dân sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp cùng với các chủ rừng.

Sau khi người dân cam kết và thực hiện việc trồng xen cây lâm nghiệp theo hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, tiến hành nghiệm thu và triển khai khoán đất lâm nghiệp trên diện tích đất xâm lấn cho các hộ gia đình lâu dài theo quy định tại Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp với thời gian khoán tối đa là 20 năm và diện tích khoán tối đa là 30ha.

c. Giải pháp về khoa học công nghệ, đào tạo và khuyến lâm

Nghiên cứu phát triển mạnh một số loài cây lâm nghiệp ở địa phương để có thể bổ sung thêm vào cơ cấu cây trồng trong quá trình phục hồi rừng trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn toàn huyện.

Tăng cường phát triển ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý và cập nhật theo dõi diễn biến tài nguyên rừng của huyện vào cơ sở dữ liệu cấp tỉnh để phục vụ cho hoạt động giám sát, đồng thời kịp thời có những giải pháp bảo vệ và phát triển rừng kịp thời để khắc phục những biến động tài nguyên rừng có liên quan.

Đẩy mạnh các phong trào nghiên cứu khoa học, các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp. Củng cố hệ thống khuyến lâm và cán bộ khuyến lâm chuyên trách ở cơ sở đặc biệt ở những xã có nhiều rừng và đất rừng.

IV. KẾT LUẬN 

Tổng diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng là 10.214,52 ha thuộc 37 chủ rừng khác nhau; tập trung chủ yếu ở 3 chủ rừng Nhà nước là Ban QLRPH Đại Ninh, Ninh Gia và Tà Năng.

Từ năm 2010-2017 trong vòng 7 năm diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp tăng lên 6.647,57 ha; bình quân mỗi năm gần 1000 ha đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp để trồng các loài cây công nghiệp, nông nghiệp.

Các mô hình phổ biến trồng xen trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp hiện nay là Cà phê xen Muồng đen, Hồ tiêu xen Muồng, Cà phê xen Mắc ca hoặc Cà phê xen hỗn hợp Sầu riêng, Mắc ca, Bơ. Diện tích các mô hình dao động từ 1-5 ha. Nhiều loài cây trồng được sử dụng để trồng xen trên đất trồng cà phê, tuy nhiên trong các loài đó chỉ có hai loài được công nhận là cây lâm nghiệp đó là cây Muồng đen và Cây Mắc Ca. Hiệu quả kinh tế các mô hình trồng xen cây lâm nghiệp trên đất đang trồng cây công nghiệp (Cà phê, Hồ tiêu) có hiệu quả cao hơn so với chỉ trồng độc canh cây cà phê.

Việc thu hồi lại diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp để phát triển rừng là rất khó khăn, một trong những giải pháp được cho là khả thì là các chủ rừng phối hợp với các hộ gia đình đang canh tác trên những diện tích này tiến hành trồng bổ sung cây lâm nghiệp nhằm phục hồi lại rừng theo phương thức nông lâm kết hợp với mật độ cây lâm nghiệp đưa vào trồng xen từ 185-200 cây/ha. Với phương thức này sẽ vừa đảm bảo mục tiêu phục hồi lại rừng và vừa đảm bảo mục tiêu sinh kế cho người dân địa phương.

Đề xuất giải pháp phục hồi rừng trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, bao gồm: Về tổ chức, quản lý, kỹ thuật; giải pháp về cơ chế, chính sách và giải pháp về khoa học công nghệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2009). Quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng (Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT).
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2014). Danh mục các loài cây chủ lực cho trồng rừng sản xuất và danh mục các loài cây chủ yếu cho trồng rừng theo các vùng sinh thái Lâm nghiệp (Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN).
3. Trần Văn Con (2013). “Kết nối phục hồi rừng và quản lý hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn với phát triển bền vững ở Tây Nguyên”. Tạp chí khoa học lâm nghiệp, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, tr. 2578- 2587.
4. Võ Đại Hải (2000). “Những cơ hội và các giải pháp cho quản lý và xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn ở Tây Nguyên”. Tạp chí Lâm nghiệp (10), tr. 16-18.
5. Võ Đại Hải và cộng sự (2009). “Nghiên cứu bước đầu về khả năng phục hồi rừng tự nhiên lá rộng thường xanh sau nương rẫy ở Tây nguyên”. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
6. Phạm Xuân Hoàn, Trương Quang Bích (2009). “Động thái phục hồi rừng trên đất bỏ hóa sau di dân tại vườn quốc gia Cúc Phương”. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Nguyễn Thế Hưng (2003). “Sự biến động về mật độ và tổ thành loài tái sinh trong các trạng thái thực bì ở Quảng Ninh”. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1), tr. 99-101.
8. Đỗ Đình Sâm và cộng sự (2001). Kết quả nghiên cứu về trồng rừng và phục hồi rừng tự nhiên. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
9. Nguyễn Văn Sản và Donald Gilmour (1999). “Chính sách và thực tiễn phục hồi rừng ở Việt Nam”. Hội thảo quốc gia chính sách và phục hồi rừng ở Việt Nam, tr. 4-34. 140


Lã Nguyên Khang, Trần Lê Kiều Oanh
Viện Sinh thái rừng và Môi trường
Nguyễn Tuấn DươngTrường Đại học Nông Lâm nghiệp Bắc Giang